Những đôi cánh thị thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi ban mai, khi những thanh âm đầu tiên rót vào buổi sớm thành phố để đón chào một ngày mới, dường như đã thành thói quen, tôi hay ngóng đợi những tiếng gù vọng đến rất nhẹ. Đó là tiếng gù của một con chim cu gáy bên nhà hàng xóm. Con chim có bộ lông màu xám tro, cái cườm đẹp điệu đàng và tiếng gù như vọng về từ một nơi nào đó rất xa xăm.
Thành phố của tôi không quá ngột ngạt, rất nhiều cây xanh, lại có cả núi đồi và những thung thũng ngát xanh màu đồng ruộng. Những buổi chiều xâm xẩm, tôi hay ngước mắt tìm những thân cò trắng lò dò trên những đám ruộng biêng biếc thơm mùi cỏ lúa. Mùa nước cạn, đàn cò đông vui, náo nhiệt, con chao lên, con liệng xuống, chăm chỉ, cần mẫn. Sắc trắng thân cò bao năm rồi vẫn thăm thẳm trôi qua ngày qua tháng rồi đọng lại thành những niềm thương. Thương mẹ tảo tần với ruộng đồng, thương những đôi cánh thị thành vất vả mưu sinh trên trăm vạn nẻo đời không quản nắng mưa bão gió. Thảng hoặc, những đêm hun hút sâu, một tiếng rao của người bán hàng rong lọt thỏm vào giữa khuya, thì những thân cò cánh trắng lại loang loáng trôi qua đem theo những niềm thương khôn tả.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Thỉnh thoảng, bên hè phố xuất hiện đôi chim bồ câu lững thững tha thẩn nhặt những vụn thức ăn vương vãi. Chúng dường như không để ý đến sự có mặt của con người, cứ thản nhiên quanh quẩn dưới chân. Không biết chúng từ đâu đến, nhưng lúc nào cũng là một đôi. Cái giống bồ câu là vậy, chẳng khi nào đơn độc. Đôi khi, chúng lại đậu bên ô cửa sổ một ngôi nhà cao tầng. Chúng thận trọng từng bước như thăm dò, rồi đưa cặp mắt đẹp và hiền quan sát xung quanh như kiếm tìm sự đồng cảm. Thành phố bê tông sắt thép cửa kính hào nhoáng và lạnh lùng, thành phố ngăn cách nhau bởi những bức tường cao ngất. Nhưng thành phố lại vẫn là chỗ để những đôi cánh nhỏ nhoi đáp xuống. Bạn tôi đã lấy một ít cơm để bên cửa sổ cho đôi chim câu ngày nào cũng đến bầu bạn với nhau, bầu bạn với người. Một ngày, bạn chợt thảng thốt khi thấy đôi chim không đến, có gì đó như nỗi đợi chờ, mong mỏi xen với lo âu. Trong những ríu rít giao đãi thật giả khó phân, người thành phố đôi khi giấu đi những buồn bã, cô đơn, đem gửi vào đôi cánh chim trời. Ai đó đã viết câu chuyện về một cánh chim ngụ cư chốn thị thành, tôi đọc và thấm thía đến tận cùng về những ẩn dụ trong câu chuyện ấy. Người Việt rất đặc biệt ở chỗ, dẫu gia phả mấy đời cây cành chi họ bén rễ nơi phố thị, nhưng gần như ai cũng có một nơi gọi là quê. Phải chăng, thành thị chỉ là chốn ngụ cư cho những giấc mơ đổi đời, đổi phận; chốn ngụ cư cho những mưu sinh cơm áo; ngụ cư cả những nỗi niềm buồn vui kiếp người. Và cuối cùng, chim có tổ người có tông, lá rụng về cội, con người chẳng khác gì những cánh chim phiêu dạt, tạm di trú đến nơi nắng ấm. Để rồi, khi mùa đến lại trở về nơi đã chắp cho mình đôi cánh, đôi cánh biết bay theo những giấc mơ.
Trở về nhà sau những bộn bề công việc, khi trời xâm xẩm, lũ chim ríu rít trên cây xoài trước ngõ. Chúng râm ran những câu chuyện bằng những âm thanh đồng loại mà chỉ chúng mới hiểu. Có con sáo đen đứng rỉa lông rỉa cánh rồi chuyền từ cành này sang cành khác. Con trai tôi hình như rất thích con sáo đen ấy, có lần cậu chàng buột miệng hỏi tôi rằng, không biết có phải nó sổng ra từ một chiếc lồng nào đó không, bởi nhìn nó có vẻ vui lắm. Sau mỗi bữa ăn, các con lại đem những hạt cơm còn thừa đổ ra khoảng đất trống sau vườn, rồi chúng kín đáo đứng trong cửa sổ lặng lẽ nhìn qua ô kính chờ đợi những con chim nhỏ sà xuống mổ những hạt cơm.
Sớm mai ngồi cùng tách cà phê thơm ven hồ, nước mùa này đã cạn. Bạn tôi bảo thấy đàn cò lại rủ nhau kéo về. Thành phố vẫn nhộn nhịp người xe, những thanh âm vẫn vọng vào thời gian kéo ngày đi về phía ngày mai. Tôi ngước nhìn về phía núi, một cánh chim trời vút qua vòm trời xuân biếc xanh. Thoáng rất nhẹ trong tôi, có tiếng vỗ cánh khe khẽ bay lên, và những tiếng gù thoảng vào với âm thanh người xe khi phố phường thức dậy cùng ngày mới.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...