Mầm xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những loài hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán thì qua rằm tháng Giêng đã bắt đầu tàn. Thay vào đó, những chiếc chồi xanh đang mơn mởn nhô ra mang theo ngập tràn sự tươi mới cho cây cối.
Minh họa: Kim hương
Minh họa: Kim hương
Tôi thích nhìn ngắm những mầm non vừa nhú khỏi mặt đất. Câu chuyện về những hạt mầm luôn chứa đựng những bí ẩn diệu kỳ trong mường tượng của tôi. Gieo một hạt mầm xuống đất đồng thời với việc gieo theo một niềm hy vọng. Dẫu tràn trề hay mong manh thì niềm hy vọng ấy cũng khiến người gieo hạt luôn ươm theo những mầm ước mơ cho mình. Ước mơ cây trái tốt tươi, ước mơ mùa màng bội thu, ước mơ được đền đáp sau những vất vả, nhọc nhằn… Những mầm non bao giờ cũng gợi cho con người sự mong manh, hồi hộp, khấp khởi, mừng lo lẫn lộn.
Trên những cành cây mốc thếch, xù xì, khô quắt, một ngày nọ bỗng nhiên chợt nhú ra mấy mắt chồi như những vỏ trấu quấn vào nhau lớp lớp. Mỗi sớm mai, bằng cảm nhận thông thường cũng có thể nhận ra từng chiếc lá nở ra son thắm, như thể chúng đã cuộn mình ngủ cả một mùa đông dài trong thân cây. Chỉ chờ nắng ấm nhen lên là chúng chìa những búp biếc ra đón lấy mùa xuân đang ngập tràn không gian. Những chiếc lá non tinh tươm, căng bóng ngơ ngác dưới trời xuân vời vợi xanh, gợi ra một sự khởi đầu tràn trề nhựa sống.
Con gái tôi mang một cái cây nhỏ góp vào góc thiên nhiên trên lớp học. Cô giáo giao nhiệm vụ, cây của bạn nào thì bạn ấy chăm sóc. Những đợt nghỉ dài ngày, mỗi bạn mang cây của mình về nhà để chăm. Ngày ngày, thấy con lấy nước vào chiếc ly nhỏ để tưới cho cây. Rồi ánh mắt của bé như reo lên khi trông thấy một cái cành bé như chiếc tăm mang đầy những nụ hoa bé xíu xiu nhú lên từng ngày. Mỗi ngày, con đếm những bông hoa mới nở ra trong sự phấn khích, bởi chính con góp phần công sức để những bông hoa nhỏ kia được góp mặt làm đẹp cho mùa xuân. Chợt lại một ngày, con chạy tìm tôi với giọng hỏi đầy hốt hoảng rằng tại sao những bông hoa lại héo đi và rụng xuống. Tôi phải giải thích cho con hiểu về quy luật nở tàn của một đời hoa. Những bông hoa rụng xuống để nhường chỗ cho những chồi non sẽ mọc lên, những chồi non ấy rồi trưởng thành, sẽ lại sinh ra những bông hoa khác. Ngày ngày, nhìn con tưới cây với đôi bàn tay bé xíu một cách rất thận trọng, dẫu còn vụng về, không hiểu sao trong lòng tôi dâng lên cảm giác thật ấm áp. Bé con tôi thật giống với cái cây nhỏ non nớt mà con đang chăm chút. Cũng cần biết bao một đôi tay gượng nhẹ, nâng niu, dẫu có thể còn sự vụng về.
Mùa này, nơi đẹp nhất trên cao nguyên có lẽ là những cánh rừng cao su. Sau mùa trút lá, những cành cây thu mình lại gầy guộc khẳng khiu trong gió rét. Rồi cả rừng cây mở bừng ngàn vạn mắt lá như những ngọn nến xanh vươn lên giữa bộn bề nắng gió ấm áp mùa xuân. Nghe nói những con ong hút nhựa từ những đọt lá non xanh ấy sẽ làm ra thứ mật nhân nhẫn đắng rất quý cho miền đất này.
Tôi rất thích một ý thơ của Olga Berggolts: “Ai đi qua mùa thu/Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng…”. Ý thơ như một thỉnh cầu trước mùa thu rờm rợp lá vàng, khiến người ta tự nhắc mình gượng nhẹ trước cây lá. Còn tôi, đang gượng nhẹ với cành non lộc biếc trong khu vườn nhỏ xanh ngát chồi xuân. Bởi tôi hiểu rằng, để có được chiếc lá vàng rụng xuống cho mùa thu tràn ngập những ý thơ, thì tất cả đang được bắt đầu bằng chính những mong manh lộc biếc chồi xanh đang vươn nẩy lên trong nắng xuân non mơ ngập tràn bao hy vọng…
 ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...