Tạp bút: Con đường hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sáng đầu hạ, tôi thong dong thả bộ dọc vỉa hè trên con đường tránh chạy song song với quốc lộ 14 uốn mình qua địa bàn thị trấn Chư Sê. Bất chợt tôi ngỡ ngàng dừng chân: một trời bao la hoa bằng lăng tím ngắt trải dài hun hút dọc hai bên đường. Khung cảnh ấy khiến tôi có cảm giác mình như đang bay lên với hoa, tím vào trong hoa.
Cứ vào độ tháng 3, tháng 4 Âm lịch, dọc hai bên con đường này hoa bằng lăng lại ngờm ngợp nở. Tối đến, từng tốp công nhân môi trường quét dọn sạch sẽ, nhưng những cơn gió đêm lại thay nhau rải hoa xuống mặt đường, để rồi mỗi sáng sớm bàn chân ta lại líu ríu bước đi trên tấm thảm nhung hoa. Gió mơn man, hoa rơi lả tả như một cơn mưa tím, tha thướt đậu lên mũ nón, lên những tà áo trắng phấp phới của những nữ sinh đang đến trường. Màu áo trắng tinh khôi, màu hoa tím tinh khôi. Con đường bỗng chốc trở nên đẹp lạ lùng, lộng lẫy mà quá đỗi dịu dàng.
Hoa bằng lăng. Ảnh: internet
Hoa bằng lăng. Ảnh: internet
Hoa bằng lăng không có mùi thơm đặc trưng như những loài hoa khác. Nhưng khi ngẩng nhìn lên nền trời lênh đênh xanh, ngắm từng vòm hoa ngun ngút một màu tím sẫm, hít đầy không khí ban mai vào lồng ngực, ta sẽ cảm nhận thật rõ mùi hương của gió trời, mùi hương của từng cánh hoa. Những buổi trưa về chiều, nắng trải vàng mênh mang, hoa vồng lên từng đụn tím ngát trong những lùm lá xanh rờn, xòe ô đổ bóng xuống con đường mát rượi. Ngay dải phân cách giữa tâm đường, những hàng cây cảnh được chia ra từng ô một, được những bàn tay công nhân ngày đêm miệt mài săn sóc, cắt tỉa, cách điệu thành những hình dáng khác nhau đều tăm tắp. Hoa và cây cứ uyển chuyển nối tiếp nhau chạy dài đến hết địa phận trung tâm thị trấn. Hoa trên bầu trời, hoa dưới đường đi. Dạo phố, ta thấy mình được hòa cùng sắc hoa.
Từ phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp, ngoài những con đường khang trang thông thoáng trong nội và ngoại thị, Chư Sê đã hoàn thành thêm hai con đường tránh chạy song song với trục đường chính. Nhờ có cây và hoa mà những con đường trở nên mềm mại như dải lụa mượt mà, uốn mình qua thị trấn. Gió đưa thoang thoảng mùi hương quen thuộc, ngọt lành của một mùa đang đơm hoa. Sau cơn mưa chiều mới tạnh, tất cả cảnh vật như vừa được tắm gội, toàn phố thị bừng lên vẻ rực rỡ. Đất trời trong veo, mặt đường loáng nước chi chít những cánh bằng lăng rơi. Nhìn phố, bất chợt trong tôi ngân lên một tứ thơ: “Dọc theo lối đường hoa/Chiều ơi trong trẻo quá/Tây Nguyên mình rất trẻ/Tuổi em tròn đôi mươi”.
 NGUYỄN THẾ BÍNH

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...