Pleiku-Từ thân thiện đến hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Tôi không có nhiều dịp lên thăm Pleiku. Tuy nhiên, trong những lần tôi tới nơi đây, thành phố duyên dáng miền cao nguyên này luôn để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Nhưng ấn tượng đầu tiên lại bắt đầu từ một… bài thơ, bài “Còn chút gì để nhớ” của người bạn tôi-cố thi sĩ Vũ Hữu Định. Pleiku nên cảm ơn Vũ Hữu Định, vì không phải thành phố nào trên đất nước này cũnga được riêng tặng một bài thơ hay, một bài thơ dễ thương đến thế, mà để đời đến thế như bài thơ nhỏ của Vũ Hữu Định.

 

Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Đúng là Pleiku phải bắt đầu từ “phố núi cao phố núi đầy sương/phố xá cây xanh trời thấp thật buồn”. Một vẻ gì mơ hồ, lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng hàm chứa đủ nét đẹp tiềm ẩn cuốn hút khách phương xa.

“Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương”


Em là thành phố, mà thành phố cũng là em, bài thơ vừa mờ sương vừa trong trẻo, như Pleiku buổi chiều và Pleiku tắm trong màu nắng sáng.

Với tôi, cùng với bài thơ Vũ Hữu Định, Pleiku chính là thành phố thơ ca. Không hẳn thành phố nào sản sinh nhiều thi sĩ thật nổi tiếng thì mới được gọi là thành phố thơ ca. Vẻ đẹp thơ ca luôn là vẻ đẹp chìm ẩn, mà Pleiku lại có đúng vẻ đẹp ấy.

2. Tôi cũng đã có dịp tới thăm nhiều thành phố trong và ngoài nước. Mỗi thành phố đều thể hiện một phong cách riêng, có một danh hiệu riêng và đều chào đón khách phương xa theo đúng bản sắc của mình với những slogan riêng. Pleiku không ngoại lệ. Nhưng vì sao, khi tới Pleiku, du khách có cảm giác lạ? Dường như thành phố này “lạnh” bên ngoài mà nóng ấm bên trong. Không vồ vập, không đưa ra những đặc trưng thu hút nhưng Pleiku như cô gái nhà lành, nhu mì ít nói, cứ nhẹ nhàng đưa du khách đi từ ngạc nhiên này tới cảm tình khác.

Đó là cung cách của một thành phố thân thiện. Nói tới thân thiện, người ta nghĩ ngay tới những lời chào mời vồn vã, những khoe sắc khoe danh ngay từ cửa ngõ thành phố, Pleiku không phải như vậy. Ngay từ ngã ba vào thành phố, ta có một cảm giác nơi này thư thái hơn cả du khách. Cứ “chầm chậm tới mình” (thơ Trúc Thông), thành phố trôi lơ đãng như mây bay, như sương phủ, càng vào sâu trong lòng thành phố, càng có cảm giác “núi trong lòng thành phố” như một bài hát về Đà Nẵng. Nhưng Pleiku mới chính là nơi núi cư ngụ ngay trong lòng thành phố, mặc dù núi ở đây cũng không phô trương, núi chìm ẩn như chính thành phố của mình.

Tôi yêu những thành phố thân thiện và sự thân thiện ấy phải bắt đầu từ sự kiệm lời. Pleiku là thành phố ít nói, có lẽ là ít nói nhất trong những thành phố miền Trung Việt Nam. Tiếng động do xe cộ gây ra là một chuyện, còn ít nói lại là chuyện khác. Không quá niềm nở nhưng Pleiku đón du khách với một thoáng mừng vui nào đó mà Vũ Hữu Định đã kịp nhận ra ngay “nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong”. Đầy cảm xúc, phải không ạ?

Tôi nhớ bản nhạc Phạm Duy phổ bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định. Tôi nhớ những bức tranh của cố họa sĩ lão thành Nguyễn Thế Vinh vẽ những cô gái Bahnar Gia Lai đang giã gạo hay trong những lao động bình dị hàng ngày. Cả nhạc, thơ và hội họa về Pleiku-Gia Lai, những tác phẩm ấy đều tràn đầy cảm xúc. Chỉ cần nhớ tới Pleiku, là trong ta lại bồi hồi. Đó là cảm xúc mà một thành phố trao cho con người. Nó như mùi hoa dại thơm thoảng dẫn dắt ta về những ảnh hình mơ hồ nhưng sâu thẳm. Nó như những cây thông cổ thụ-người chủ nhà giản dị mà nồng hậu-khi đón khách tới thăm nhà mình. Nó như một người bạn cũ của tôi-anh Giáp-dù đau yếu nhưng giọng nói vẫn không nguôi ân tình. Chúng ta có cần nhiều lắm trong cuộc đời mình không? Tôi nghĩ, chỉ cần bấy nhiêu xúc cảm, bấy nhiêu ân tình ấy là đủ cho chúng ta sống một cách đầy nâng niu trân trọng với cuộc đời này.

3. Thế giới có rất nhiều thành phố lộng lẫy, cổ kính, hiện đại, thông minh nhưng không nhiều thành phố hạnh phúc.

Bởi thành phố hạnh phúc được tạo nên bởi những cư dân trong và ngoài thành phố, được tạo nên bởi bản chất thành phố và con người thành phố. Nó như thơ, vọt trào từ cảm xúc. Nó như âm nhạc, cất lên là lan truyền. Nó như tình yêu thương, lặng lẽ mà thấm thía. Nó là cái tình của người dân trong thành phố đối đãi với nhau. Nó như hoa dã quỳ giản dị nhưng ai đã gặp một lần là nhớ mãi. Con người, sau khi đã đạt tới rất nhiều thứ, mới sực nhớ ra: mình còn thiếu một cái không thể mua bằng tiền, không thể thâu tóm bằng quyền lực. Cái mộc mạc như không ấy lại làm cho mình thấy đời đáng sống. Đó chính là hạnh phúc!

Không thể xây dựng một thành phố hạnh phúc như xây nhà cao tầng hay các trung tâm thương mại, dù những thứ ấy cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Có thể cổ vũ, hướng cư dân thành phố mình tìm về một lối sống giản dị, lành mạnh, không xa hoa, không tranh giành, không ghen ăn tức ở. Một lối sống mà mỗi biết quan tâm đến nhau, biết quan tâm tới cây xanh, biết tận hưởng những bóng mát mà thiên nhiên mang lại, biết lắng nghe và thấu hiểu những âm thanh của cuộc đời bình dị. Pleiku là thành phố mà tôi cảm thấy có những tố chất của một thành phố hạnh phúc. Còn bây giờ, đó là một thành phố thân thiện. Nó như một bước đi có phần tất yếu tới thành phố hạnh phúc.

Tôi ước mong Pleiku sẽ là một thành phố hạnh phúc, chứ không phải là một thành phố giàu có nhưng lạnh lùng, xa hoa nhưng chà đạp lên môi trường, nhiều cao ốc nhưng thiếu cây xanh, nhiều xe hơi sang chảnh nhưng thiếu tình người.

Đã có những thành phố trên thế giới đầy hạnh phúc dù không giàu. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam luôn được xếp hạng khá cao trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc trên thế giới. Dù Việt Nam mới chỉ đạt GDP ở mức trung bình thấp.

Bởi, hạnh phúc không được đo bằng GDP.

Nếu Pleiku được công nhận là thành phố hạnh phúc thì cây thông cổ thụ và hoa dã quỳ trong thành phố có thể thành biểu tượng. Cây thông tỏa dưỡng khí tượng trưng cho ý thức vì cộng đồng, còn hoa dã quỳ mộc mạc tượng trưng cho tấm lòng giản dị mà thơm thảo của người dân thành phố.  

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.