Ngành Tài chính: Quyết tâm tạo sự đột phá ngay từ những ngày đầu xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017 đã khép lại với sự thành công đáng ghi nhận ở lĩnh vực tài chính-ngân sách. Lần đầu tiên, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.240,8 tỷ đồng, tăng tới 13,5% so với năm 2016.

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN DŨNG-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính để cùng nhìn lại một năm hoạt động sôi nổi của ngành-tiền đề quan trọng để mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho năm 2018.

 

- P.V: Thưa ông, những nhân tố nào đã tác động, thúc đẩy để có được kết quả hết sức ấn tượng của ngành Tài chính trong năm 2017?

Ông NGUYỄN DŨNG: Có thể nói, 2017 là năm thành công của ngành Tài chính khi tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay với số thu 4.240,8 tỷ đồng, đạt 126,4% dự toán Trung ương giao (tăng 884,8 tỷ đồng), đạt 117,4% dự toán HĐND tỉnh đưa ra và tăng tới 13,5% so với năm 2016 (tăng 505,6 tỷ đồng). Đáng ghi nhận hơn hết, thu nội địa ngân sách nhà nước (không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) ước thực hiện 3.311,8 tỷ đồng, đạt 108,6% dự toán Trung ương giao, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh đề ra, tăng 7,3% so với năm 2016.

Trong năm, có tới 11 khoản thu đạt và vượt dự toán như: thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 135,8%; thu tiền sử dụng đất đạt 634,1%; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 126%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 250%; thu thuế xuất nhập khẩu 186,6%; thu từ các biện pháp tài chính 130,6%... Phân tích từng khoản thu, sắc thuế cho thấy, có sự tăng trưởng rõ nét trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng đó là thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, mưa nhiều nên sản lượng phát điện các công ty thủy điện tăng cao. Cộng với sự thay đổi thuế suất thuế tài nguyên nước thủy điện tăng 25% so cùng kỳ năm 2016, giá tính thuế giá trị gia tăng đối với các công ty thủy điện 3 tháng đầu năm vẫn áp dụng giá tính thuế bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân nên các công ty thủy điện ước tăng hơn 100 tỷ đồng.

Một điều đáng lưu ý là thị trường bất động sản đang “ấm” dần lên, thể hiện kết quả đáng mừng khi các dự án thu hút được nhà đầu tư. Tiền sử dụng đất dự án, các dự án ở một số huyện đạt cao hơn so với năm trước, phát sinh dự án Khu tái định cư suối Hội Phú ước trên 100 tỷ đồng, thu từ dự án Công ty FBS giai đoạn II ước đạt 90 tỷ đồng, thu nợ các hộ gia đình ghi nợ tiền sử dụng đất đến hạn nộp. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng.... Tóm lại, năm 2017 đã hội đủ cơ bản ba yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tạo đà để đến năm 2020 đạt mục tiêu thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 9-10% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

 

Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đ.T
Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đ.T

- P.V: Để guồng máy tài chính vận hành thông suốt, thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ được giao thì ngành Tài chính đã điều hành như thế nào trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi tác động thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp?

Ông NGUYỄN DŨNG: Thu ngân sách là để đảm bảo nguồn cân đối chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Trên tinh thần quyết tâm nâng dần tỷ lệ tự đảm bảo nguồn lực địa phương với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại nguồn trợ cấp từ ngân sách cấp trên. Đồng thời, cũng thể hiện kết quả mà mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt được. Nếu mục tiêu tăng trưởng đạt cao mà thu ngân sách đạt thấp hoặc thu từ tiền sử dụng đất, thủy điện là chủ yếu thì kinh tế phát triển chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thật sự đúng hướng tích cực, tiến bộ.

Nhận thức điều này, ngay từ đầu năm, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt có hiệu quả các biện pháp trong công tác thu ngân sách như: chủ động phối hợp làm việc với các ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường; thúc đẩy sản xuất kinh tế phát triển theo đúng mô hình tăng trưởng; tạo lập, nuôi dưỡng nguồn thu tầm chiến lược; rà soát điều chỉnh, bãi bỏ cơ chế thu thuế bất hợp lý; kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp như đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thẩm định giá, phí dịch vụ khi có biến động theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Một trong những nhân tố quan trọng là phải phối hợp tốt với các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp để tuyên truyền, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đồng hành chia sẻ, hợp tác tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, kỹ thuật, tổ chức quản trị mở rộng sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao hơn và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước tốt hơn.

- P.V: Bước vào năm tài chính-ngân sách 2018, trên cương vị người đứng đầu của ngành Tài chính tỉnh, ông đã có những phương án nào để chèo lái con thuyền ngân sách vượt qua thử thách, đạt được mục tiêu đề ra?

Ông NGUYỄN DŨNG: Theo các báo cáo đánh giá phân tích thì năm 2018, tình hình kinh tế Việt Nam dự báo có nhiều chuyển biến tích cực mặc dù vẫn còn đó khó khăn, thách thức. Nhìn ở góc độ địa phương, có thể nhìn thấy được những yếu tố sẽ tác động đến nguồn thu ngân sách tỉnh. Gia Lai là một tỉnh miền núi, đa phần nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu... Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng này giá cả biến động thất thường và ở mức thấp, diện tích cà phê, cao su già cỗi, đang tái canh nên nhu cầu vốn đầu tư lớn, sản lượng và thu nhập còn thấp ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Diễn biến thời tiết khó lường ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông-lâm nghiệp, sản lượng phát điện các công ty thủy điện. Mặt khác, việc ban hành nhiều chính sách thuế mới của Trung ương ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Trên cơ sở dự báo này, Sở Tài chính đã phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương làm việc, thảo luận với các đơn vị trực thuôc Bộ Tài chính xây dựng phương án, dự toán ngân sách năm 2018 trình cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương phê duyệt. Kết quả cuối cùng được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết dự toán năm 2018, tổng thu ngân sách của tỉnh phải đạt từ 4.200 tỷ đồng trở lên, tăng trên 217 tỷ đồng (các loại thuế, phí tăng 40 tỷ đồng, tiền sử dụng đất tăng 177 tỷ đồng), tăng 5,4% so với dự toán Trung ương giao và tăng 0,8% ước thực hiện năm 2017 (4.200/4.167 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ngân sách nhà nước (không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) là 3.460 tỷ đồng, tăng 4,8%. Đây là phương án khả thi đảm bảo thực hiện hoàn thành và có khả năng vượt dự toán, phấn đấu tăng 3-5% so với Nghị quyết như chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ngành Tài chính sẽ đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm ngân sách. Chủ động phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp để gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, tạo sự đột phá ngay từ những ngày đầu xuân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khai thác và phát huy mọi nguồn lực, mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh và khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Trong công tác điều hành thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế cần khắc phục các yếu kém tồn tại theo kiến nghị của Kiểm toán, thực hiện tốt các biện pháp quản lý nguồn thu, nuôi dưỡng, khai thác các nguồn thu. Kiên quyết, tích cực xử lý các trường hợp nợ đọng thuế đúng theo quy định, phấn đấu đến cuối năm còn dưới 5% tổng thu ngân sách theo yêu cầu của ngành. Mặt khác, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế ở các lĩnh vực quản lý hộ kinh doanh, khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên, hoạt động xây dựng vãng lai, công trình của tư nhân; chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế. Phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, các ngân hàng thương mại triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gắn với sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, du lịch theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương.

Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2018, ngành Tài chính tỉnh nhà sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.