Đối thoại chính sách cấp cao về chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 30-11, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị trực tuyến đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm có ông Lê Minh Hoan-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; bà Carolyn Turk-Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là tài nguyên dần cạn kiệt, suy giảm nguồn nước, biến đổi khí hậu, biến động thị trường... Do đó, để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đảm trách công tác xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu...

 Quang cảnh tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam


Theo dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh. Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ ngắn hạn cục bộ sang dài hạn, kết nối toàn cầu, liên vùng, liên khu vực. Từng bước đưa nền nông nghiệp hướng tới giá trị xanh, tiềm năng xanh, biến đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.

Tại hội nghị, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: Ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu. Cụ thể, về thích ứng, ngành Nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải ở Việt Nam. Lượng phát thải dự kiến lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030 (một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo). “Chúng tôi ước tính, chi phí không có hành động gì cả trong việc giải quyết tác động của thiên nhiên có thể gây thiệt hại khoảng 3-5 tỷ đồng mỗi năm hoặc lên tới 10 tỷ đồng tùy vào sự biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan. Một số vùng ở Việt Nam như đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm sản lượng năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới. Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng cần nhạy bén đối với những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường. Sau hội nghị này, phía Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”-bà Carolyn Turk thông tin thêm.

Tại tỉnh Gia Lai, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 31.986,6 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch, tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông nghiệp tăng 5,81%; lâm nghiệp tăng 11,63%; thủy sản tăng 17,51% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng diện tích gieo trồng năm 2021 ước đạt 557.685 ha, đạt 101,32% kế hoạch, tăng 7.089 ha so với cung kỳ năm trước. Tổng đàn trâu trên 14.400 con, đạt 101% kế hoạch; đàn bò 434.170 con, đạt 100% kế hoạch; đàn heo 462.000 con, đạt 100,03% kế hoạch; đàn gia cầm 4 triệu con, đạt 100% kế hoạch. Trồng rừng được 7.445 ha, (đạt 93% so với kế hoạch). Toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.011 ha cây trồng trên chân đất không phù hợp, thiếu nước tưới sang các loại cây trồng phù hợp hơn; toàn tỉnh có 227.167 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; có 32.720 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; có 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Với kết quả trên từng bước giúp cho tỉnh Gia Lai thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.