Tập truyện "Lưu lạc" của Phạm Đức Long: Lắng đọng tình yêu và phận người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tập truyện ngắn “Lưu lạc” của Phạm Đức Long gồm 21 truyện ngắn do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành vào cuối năm 2021. Tập truyện lắng đọng tình yêu và phận người.

Có lẽ với độc giả ở Gia Lai thì nhà thơ Phạm Đức Long không còn xa lạ, nhất là khi bài thơ  “Khoảng trời lá thông” của ông đã được phổ nhạc và trở nên phổ biến ở quãng thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Bắt đầu với thơ nhưng tác giả lại được xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam bằng “ngạch” nhà văn.

  Bìa tập truyện ngắn “Lưu lạc”. Ảnh:  Trọng Ân
Bìa tập truyện ngắn “Lưu lạc”. Ảnh: Trọng Ân


“Lưu lạc” có một mạch truyện kỳ lạ lôi cuốn người đọc bởi tác giả không chọn cách đi sâu quá vào nội tâm nhân vật, mà chỉ là những câu chuyện chân thực về cuộc đời những con người, như cách điểm qua, với tâm thế của người kể chuyện nhiệt thành khi có ai đó hỏi đến một người quen của mình vậy. Nếu để ý kỹ, những kiến thức sở trường về nông-lâm học cũng được tác giả khéo léo phô diễn trong các câu chuyện “Quản Tiều”, “Bước đi hoa”... Không quá sức màu mè tô vẽ để đẩy sâu câu chuyện thành một mối ẩn ức khiến độc giả phải ám ảnh về số phận con người, mà chỉ kể ra những diễn biến, những thăng trầm một cách nhẫn nại như cách một người đã từng trải qua rồi nhìn lại, không cay đắng, rấm rứt mà chỉ nhẹ nhàng như kiểu à, thì ra có một thời như thế, ra là mình đã từng trải qua nhiều biến cố ấy. Dường như Phạm Đức Long thích những câu chuyện có đích đến, có những cái kết mặc dầu lơ lửng, mặc dầu đã vẽ ra muôn ngàn đau khổ nhưng vẫn khiến người đọc chọn một cái kết toàn vẹn và có hậu cho nhân vật; giống như câu chuyện cổ tích, dường như quy luật “nhân quả” luôn hiện diện để lấy lại sự cân bằng cho những nhân vật bị lãng quên đầy đau khổ.

Đó còn là những câu chuyện đầy hoài niệm về một thời đã qua, phảng phất dấu ấn cổ tích, nhưng lại cũng thật đến xót xa. Đề tài chiến tranh, khai hoang, giữ rừng, giữ đất và rồi cả tình yêu xuyên suốt tập truyện. Số phận từng nhân vật bày ra theo câu chuyện, đơn giản, mạch lạc như cần phải thế mà khiến người đọc phải xót xa, phải bần thần. Đâu phải ai cũng hiểu được chiến tranh, nỗi đau của người còn sống, sự đợi chờ chia năm sẻ bảy. Người vào chiến trường như vào cửa tử, phải lo mau mắn mà lấy vợ để gửi lại gia đình như một cách truyền đời nối tiếp, để rồi khi gặp được tình yêu với người con gái đã cứu mình thì anh Hương (Bến Bò Cạp) phải chịu nhiều giằng xé. Chọn vợ thì xa quê, mất gốc, chọn quê nhà thì mất đi người mình yêu, bởi người vợ ở quê dẫu chưa một lần đụng chạm nhưng vẫn quyết đợi chờ héo mòn cả tuổi xuân. Lấy gì đền đáp lại, lấy gì trả lại cho sự đợi chờ ấy? Câu trả lời cứ vậy trải ra theo từng diễn biến khiến người đọc cứ thế cuốn vào từng câu chuyện, từng đời người, từng nhân vật.

Có những truyện khá dài như “Ngổn ngang nhân tình”, đầy trúc trắc và ngổn ngang như chính tiêu đề câu chuyện làm độc giả phải ngẫm nghĩ, phải bức xúc để rồi dần đồng cảm với nhân vật. Nhưng lại có những truyện khá ngắn như “Chiến tranh”, “Bánh cám”, “Tùy duyên”, “Kiếm báu” có kết cấu đơn giản nhưng lại đầy tính triết lý, nhiều xúc cảm và hoài niệm. Cách sắp xếp xen lẫn giữa các truyện dài và ngắn như một nhịp điệu ngắt nghỉ phù hợp để 21 câu chuyện trôi qua không hề nhàm chán, căng thẳng mà đảm bảo độ cuốn hút khiến độc giả phải lật đến trang cuối cùng mà thở phào khép lại.

Hầu hết những truyện ngắn trong tập truyện này đều được tác giả viết khi đã về hưu. Những câu chuyện là một phần sự thật, là những mảnh đời mà tác giả đã từng được nghe qua, được gặp, được thấy. Những tưởng rồi sẽ chỉ để lại đấy mà bận rộn với cuộc sống thường ngày, nhưng lại như lòng yêu nghề trỗi dậy nên lại viết, lại dùng câu chữ để giãi bày, để truyền tải đến người đọc. Cuộc sống của những nhân vật trải dài qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, nhưng chỉ có thể tóm gọn lại trong vài trang giấy, những nỗi buồn, niềm vui, tình yêu, ganh ghét đã từng có, rồi đã từng qua. Nỗi đau còn ở lại hay bị thời gian bôi xóa thì độc giả sẽ tự mình cảm nhận.

“Lưu lạc” là những câu chuyện mang đầy dấu ấn thời gian, như một tấm ảnh cũ kỹ chứa đầy ký ức. Và tác giả Phạm Đức Long đã là người phủi bụi đi cho những ký ức đó, khiến tấm ảnh cũ kỹ đó lại thêm một lần hiện ra với diện mạo mới mẻ.

 

TRỌNG ÂN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...