Đắk Lắk: Nghiên cứu, phục hồi rừng ở lưu vực sông Sêrêpốk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tăng nhanh, cuộc sống của người dân khu vực hạ lưu sông Sêrêpốk đang bị ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước cải thiện tình hình, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi cảnh quan của khu vực.
Ngày 29.12, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) tổ chức hội thảo về: Đánh giá hoạt động dự án “tiếp cận cảnh quan” năm 2020 và định hướng hoạt động cho giai đoạn 2021 – 2023.
Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Sở Tài Nguyên Môi trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk...
 
Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến ở buổi hội thảo. Ảnh: Bảo Trung
Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến ở buổi hội thảo. Ảnh: Bảo Trung
Trong năm 2020, Sở NNPTNT Đắk Lắk và Tropenbos Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác về phục hồi rừng, lâm nghiệp cộng đồng, nông lâm kết hợp ở lưu vực sông Sêrêpốk (chủ yếu ở hai huyện Krông Bông và Lắk).
Theo đó, các bên liên quan đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá hiện trạng tài nguyên nước; các mô hình sinh kế tiềm năng cho người dân trong vùng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; các giải pháp hiệu quả để phục hồi lẫn quản lý rừng cộng đồng...
 
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đánh giá thiệt hại của một vụ phá rừng. Ảnh minh hoạ: Kiểm lâm Đắk Lắk
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đánh giá thiệt hại của một vụ phá rừng. Ảnh minh hoạ: Kiểm lâm Đắk Lắk
Phó GS.TS. Trần Nam Thắng - đại diện Tropenbos Việt Nam cho hay, tại khu vực Tây Nguyên phát triển kinh tế đã đi kèm với sự xuống cấp về môi trường. Rừng liên tục mất và suy thoái; phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp quá nóng và đặc biệt là sự suy giảm về nguồn nước mặt và nước ngầm... đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Trong giai đoạn đến, mục tiêu của dự án này là tăng cường đối thoại và sự phối hợp của các bên liên quan trong việc phục hồi cảnh quan. Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện các mô hình cà phê thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp bảo tồn tài nguyên rừng và phát triển dịch vụ môi trường rừng, trước mắt là ở khu vực hạ lưu sông Sêrêpốk, ông Thắng nhấn mạnh.
Chương trình "tiếp cận cảnh quan" được Tropenbos Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên vào năm 2019, chủ yếu tại khu vực rừng thuộc hạ lưu sông Sêrêpốk (đoạn qua Đắk Lắk) nhằm nghiên cứu thúc đẩy phục hồi cảnh quan rừng và sử dụng rừng bền vững vì sinh kế của người dân địa phương sống trong khu vực trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm