Phụ nữ phường Hòa Bình liên kết nuôi ốc bươu đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ tập hợp những người có chung sở thích, ngành nghề để chia sẻ kinh nghiệm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, Tổ liên kết ốc bươu đen (tổ 2, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) còn góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. 
Hiệu quả kinh tế cao
Năm 2019, chị Đỗ Thị Cẩm Vân (tổ 2, phường Hòa Bình) chuyển 2.000 m2 đất trồng lúa sang nuôi cá. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cá không tiêu thụ được khiến chị bị thua lỗ. Không nản chí, chị tìm hiểu quy trình nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội và đặt mua 10 kg ốc thương phẩm với giá 60.000 đồng/kg để nuôi thử nghiệm. Nhận thấy ốc phát triển, dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc, chị đã chuyển 800 m2 ao cá sang nuôi ốc. Ngoài bèo và súng có sẵn trong ao, chị kiếm thêm các loại lá, trái cây để làm thức ăn cho ốc. Khoảng 1 tuần, chị thay nước ao 1 lần. Theo chị Vân, trong quá trình chăm sóc cần chú ý quan sát, nếu thấy ốc có biểu hiện khác lạ thì thay nước ngay. Bên cạnh đó, cần phát quang cây cối xung quanh bờ để diệt những loài gây hại cho ốc bươu đen như: chuột, ốc sên...
Nhận thấy việc mua ốc giống từ nơi khác ngoài chi phí cao còn chịu rủi ro khi tỷ lệ ốc sống thấp, trong khi ốc trong ao đẻ trứng rất nhiều, chị Vân liền bắt tay vào ấp trứng ốc. Ốc thường sinh sản vào ban đêm nên trứng ốc cần được thu hoạch vào buổi sáng. Sau 15 ngày ủ, trứng bắt đầu nở với tỷ lệ đạt trên 80%. Tiếp tục nuôi thêm 1,5 tháng thì đưa ốc con ra môi trường ao để sinh trưởng và phát triển. Từ giai đoạn trứng đến khi xuất bán ốc thương phẩm khoảng 4-5 tháng. Nếu nuôi ốc sinh sản thì thêm 1 tháng nữa.
Chị Đỗ Thị Cẩm Vân (tổ 2, phường Hòa Bình) kiểm tra trứng ốc trong giai đoạn ủ. Ảnh: Vũ Chi
Chị Đỗ Thị Cẩm Vân (tổ 2, phường Hòa Bình) kiểm tra trứng ốc trong giai đoạn ủ. Ảnh: Vũ Chi
Hiện nay, ốc thương phẩm được chị Vân xuất bán ra thị trường với giá khoảng 70.000 đồng/kg, trứng ốc có giá 1 triệu đồng/kg. “Mỗi tháng, tôi thu hoạch 30-40 kg ốc thương phẩm. Nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích nuôi cá còn lại sang nuôi ốc để cung cấp nguồn hàng ổn định cho thị trường”-chị Vân chia sẻ.
Liên kết sản xuất
Với thành công ban đầu, chị Vân đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho chị em trong Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Bình. Được chị Vân hướng dẫn kỹ thuật nuôi và hỗ trợ con giống, đầu năm 2022, 5 hội viên bắt tay vào nuôi ốc bươu đen. Chị Nguyễn Thị Hoa-thành viên Tổ liên kết-cho hay: “Ban đầu, tôi mua 2 kg ốc của chị Vân về ăn, nhưng thấy tiếc nên thả xuống ao nuôi thử, không ngờ đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện tôi đã mở rộng diện tích nuôi ốc lên 1.000 m2, ốc thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”. 
Nhằm tạo điều kiện cho các chị tham gia mô hình có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như liên kết sản xuất, tháng 9 vừa qua, Tổ liên kết ốc bươu đen phường Hòa Bình đã được thành lập gồm 5 thành viên do chị Đỗ Thị Cẩm Vân làm Tổ trưởng. Hiện tại, thị trường tiêu thụ ốc bươu đen ổn định nên chị Vân nhận bao tiêu sản phẩm cho tất cả thành viên trong tổ. Đây là động lực để chị em tiếp tục mở rộng mô hình, phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới.
Trao đổi với P.V, chị Niê Lệ Hoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Bình-cho hay: Ưu điểm lớn nhất của Tổ liên kết ốc bươu đen là có thị trường tiêu thụ ổn định. Mỗi tuần, tổ cung cấp cho thị trường khoảng 20 kg ốc thương phẩm. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho chị em tham quan, học hỏi để áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình. Nếu chị em có nhu cầu, tổ sẽ kết nạp hội viên mới để liên kết mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho thị trường, góp phần giúp chị em phát triển kinh tế gia đình. 
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.