(GLO)- Sau 3 năm triển khai, phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) phát động đã mang lại hiệu quả bước đầu.
“Năng nhặt chặt bị”
Gần trưa, chị Ksor H’Pun (làng Chư Bố 2, xã Ia Phang) phấn khởi gùi một túi đồ to mua ở chợ về nhà, trong đó có 3 bộ đồng phục và 3 đôi dép mới cho các con. Đây là năm học đầu tiên các con chị có đồ mới nên đứa nào cũng hớn hở mặc thử ngay, nhất là cô con gái lớn vừa vào lớp 10. Các con vui một thì lòng chị vui mười khi lo được cho chúng ăn học đầy đủ hơn.
Chị H’Pun cười hiền lành khoe: “Sáng nay, tôi đi bán na và gà nên có tiền mua đồ cho con. Bây giờ còn 40 ngàn đồng thôi nhưng tôi cũng sẽ bỏ heo đất, đến Tết mới khui ra”. Ngày nào cũng trích một chút tiền bán rau quả trong vườn để “nuôi” heo đất là cách chị H’Pun tiết kiệm trong chi tiêu.
2 năm trước, từ số tiền nhỏ hàng ngày đi làm thuê về bỏ vào heo đất, chị H’Pun đã mua 10 cây na, 5 cây mít Thái về trồng; mua 5 con gà giống để nuôi. Còn năm ngoái, nhờ tiết kiệm, chị mua thêm được một cặp dê Bách thảo. Đến nay, na và mít đã cho thu hoạch. Chị còn tận dụng những khoảnh đất nhỏ sát bên hông nhà để trồng rau xanh. Nhờ đó, gia đình chị giờ đã có nguồn thu nhập ổn định.
|
Chị Ksor H’Pun đã trồng được 10 cây na trong vườn nhờ nguồn vốn tiết kiệm. Ảnh: Bảo Lam |
Chị H’Pun chia sẻ: “Nhờ có Hội Phụ nữ hướng dẫn cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm nên gia đình tôi mới có cuộc sống thoải mái hơn. Cuối năm nay khui heo đất, dự kiến được trên 10 triệu đồng, vợ chồng tôi tính sẽ mua cây cà phê giống về trồng thay thế những gốc đã già”. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tiết kiệm, gia đình chị H’Pun đã được đưa vào danh sách hộ thoát nghèo vào cuối năm 2020.
Không chỉ dừng lại ở mức độ thoát nghèo, mô hình tiết kiệm trong chi tiêu, tận dụng quỹ đất để trồng trọt, chăn nuôi còn giúp nhiều hộ hội viên, phụ nữ ở Chư Pưh có cuộc sống khá giả. Điển hình như gia đình chị Kpuih H’Kô (thôn Tung Đao, xã Ia Dreng). Tiết kiệm từ nguồn thu nhập trong chăn nuôi bò, dê, gia đình chị đã mua được máy cày, máy phun thuốc trừ sâu để phục vụ nhu cầu của người dân trong xã. Rau quả, vật nuôi trong nhà đáp ứng nhu cầu ăn uống hàng ngày nên chị tiết kiệm được thêm tiền chợ.
Năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo và đến nay thuộc hàng khá giả với nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Số tiền tiết kiệm hàng tháng bỏ vào heo đất được chị ấn định khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền 2 triệu đồng của cậu con trai cả làm công nhân da giày tại TP. Hồ Chí Minh gửi về hàng tháng cũng được chị đưa vào khoản tiết kiệm.
Lan tỏa mạnh mẽ
Được phát động từ tháng 10-2018, đến nay, phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” tại huyện Chư Pưh đã lan tỏa đến 74/74 chi hội Phụ nữ.
Bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: “Để phong trào đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, Hội hướng dẫn các cơ sở Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chuyên môn hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Các chi hội có nhiệm vụ cầm tay chỉ việc, giúp chị em người dân tộc thiểu số cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, cây ăn quả; làm chuồng trại đưa vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn; hướng dẫn cách chi tiêu hợp lý; bố trí thời gian làm việc, sinh hoạt khoa học; tiết kiệm trong việc cưới, việc tang. Mỗi chi hội ra mắt một mô hình “Nuôi heo đất”; tổ chức khui heo đất định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm trong các buổi sinh hoạt để lan tỏa hình thức tiết kiệm này”.
|
Hội LHPN xã Ia Phang tặng heo đất cho hội viên dân tộc thiểu số. Ảnh: Thùy Ngân |
Đầu năm 2019, Hội LHPN huyện ra mắt 3 câu lạc bộ mẫu “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” tại xã Ia Le, Chư Don và Ia Rong với 74 thành viên. Đến nay, phong trào tiết kiệm này đã được nhân rộng lên 14 câu lạc bộ với 231 thành viên.
Chị Nguyễn Thị Thùy Ngân-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Phang-cho hay: “Tuy chỉ mới thành lập đầu năm 2020 với 20 thành viên nhưng câu lạc bộ đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tiết kiệm, tích lũy từ những nguồn thu nhập nhỏ nhất. Tuy số vốn tích lũy còn ít nhưng nhiều chị em đã thấy rõ hiệu quả thiết thực cho gia đình khi dùng vào việc đầu tư giống cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Nhiều chị em khác dùng tiền tiết kiệm mua sắm đồ dùng học tập cho con, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Đặc biệt, nhiều hội viên đã vận động được người thân cùng tham gia tiết kiệm”.
Sau 3 năm triển khai, phong trào “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” đã giúp 147 hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.
“Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia phong trào thiết thực này. Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” sẽ tiếp tục được nhân rộng ra cả 74/74 chi hội vào cuối năm 2021 để ngày càng nhiều gia đình được hưởng lợi”-bà Hằng thông tin thêm.
BẢO LAM-MỘC TRÀ