(GLO)- Khu phố tôi có một chị con học xong lớp 12 không đi làm mà vào chùa mặc áo cà sa. Ban đầu chị buồn lắm, nhưng khi nghe bà con động viên, phân tích: Như vậy là nhà chị có phúc duyên, nên lấy buồn làm mừng, chẳng có gì mà phải lo nghĩ, nét mặt chị rạng rỡ hẳn lên. Bữa vừa rồi tôi ra chợ, đến một hàng cá thấy cô bán hàng đang bặm môi bắt hàng chục con cá sộp (còn gọi cá lóc, cá quả), mỗi con cỡ một ký trở lên cho vào bao.
Ảnh internet |
Ngoảnh nhìn người mua, hóa ra là chị hàng xóm nói trên, tôi hỏi: “Nhà bữa nay có cỗ hay sao mà mua nhiều cá vậy?”. Chị bảo: “Tôi mua thả phóng sinh”. Tôi hỏi: “Sao chị không mua cá con, hoặc cá chép, mà lại mua cá sộp to thế này?”. Chị bảo: “Những con này sắp lên thớt rồi nên tôi mua...”. Nhìn chị khệ nệ vác bao cá sộp to đi phóng sinh mà tôi ái ngại. Rồi tôi nhìn cả dãy chợ cá với cơ man là cá đều sắp bị... đưa lên thớt, thấy có những con cá chép bụng mang dạ chửa đang bơi trong chậu hẹp mà tiếc cho chị hàng xóm...
Tiếc là vì chị chưa hiểu hết, hiểu đúng về ý nghĩa của từ “phóng sinh” trong Phật pháp; tiếc còn bởi do hiểu chưa hết nên chị đã chọn... sai đối tượng! Còn nhớ, ở quê tôi, khi muốn thả các loại cá nuôi, người chủ ao phải tát cạn ao, rải vôi bột, rồi phơi nắng đáy ao vài ngày với lý do: một là để diệt hết các loại vi khuẩn, các chất chua có thể gây hại cho cá; hai là diệt cho sạch loại cá ăn thịt vô cùng nguy hiểm cho các loại cá nuôi, trong đó có cá sộp. Loại cá này sinh sản nhanh, mau lớn và cực kỳ ăn tạp, từ cua, ốc đến các loại cá nuôi thả, tất tần tật... Ao nuôi mà có một, hai con cá này thì kể như là “nuôi ong tay áo”. Trong khi đó, việc kéo lưới, đơm câu để bắt được chúng là vô cùng khó.
Vậy mà, với mười mấy “anh chàng” cá sộp cỡ ký lô trở lên kia, nếu được... phóng sinh xuống cái đầm, nơi bà con chuyên thả cá chép con sau khi cúng Ông Táo mỗi dịp Tết, thì coi như tuyệt diệt!
Vậy đấy, làm gì cũng cần có sự tìm hiểu, kẻo gây ra tác dụng ngược, bởi “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Đinh Hữu Trường