Phở khô đón mùa lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gia Lai có món phở khô, rất nhiều người tự hào bởi món này đã được Tổ chức kỷ lục châu Á chính thức công nhận là “giá trị ẩm thực châu Á”.
Phở khô Gia Lai oách thật. Giờ hầu như đi đâu cũng gặp. Nhớ hồi sang Đak Lak, vào khu đầu não của Trung Nguyên thấy có món phở khô Gia Lai, tất nhiên chất lượng không thể bằng Gia Lai (ngay ở Gia Lai thì chất lượng món này cũng không đều nhau rồi, kể cả có khi từ một lò mà ra). Nghe nói có vị lãnh đạo tỉnh Đak Lak thời ấy đến ăn và đề nghị lấy tên là phở khô Đak Lak, chứ mắc chi đây là đất Đak Lak mà lại để tên Gia Lai. Nhưng chủ quán này bảo, đâu có được, bản quyền của người ta. Với nữa, chuyện này mới quan trọng, phở khô Gia Lai người ta mới ăn chứ Đak Lak ai ăn. Nó không phải là đặc sản của Đak Lak.
 Phở khô Gia Lai. Ảnh: internet
Phở khô Gia Lai. 
Chủ quán này đúng là một người kinh doanh thông minh, vừa đúng luật vừa đúng nhẽ và quan trọng là đúng... thị hiếu. Chả thế mà, giờ khắp nước, chỗ nào cũng giăng giăng bún Huế, mì Quảng. Cũng bún cũng mì, nhưng không gắn địa danh Huế, Quảng vào xem, chết ngay. Cũng vậy, giờ nhiều quán phở, chả liên quan Cồ Cử, Nam Định nhưng cũng vẫn trương biển Cồ Cử, Nam Định... Vậy thì hà cớ gì lại dại dột mà đi đổi tên thành phở khô... Đak Lak! Giờ lên tận Măng Đen (Kon Tum) cũng có quán đề biển “Phở khô Gia Lai” khá đông khách du lịch khắp nơi chen chúc nhau buổi sáng, dù về chất lượng nó chỉ chừng 50% Gia Lai thứ thiệt.
Giờ phở khô Gia Lai thành thương hiệu khắp hang cùng ngõ hẻm. Bí quyết của nó là ở cách nhúng phở. Phở nhúng thế nào mà phải khô và rời (không phải quán nào cũng nhúng được ngon như nhau, vẫn nhiều quán nhúng bánh xong bết như hồ gặp nước). Khi bưng tô bánh phở ra, người ăn cho thêm ít tương đen, xì dầu, giá, rau rồi dùng đũa xới tung lên như đánh rơm ngày mùa, càng rời càng tốt, nó mới thấm gia vị. Không có động tác này coi như hỏng. Hôm tôi có 2 chú em từ Huế vào, tôi đang ở xa, nhờ mấy ông em đưa đi ăn sáng. Các ông ấy cũng đưa đi ăn phở khô. Và các ông ấy cắm cúi ăn không hướng dẫn gì, 2 chú em loay hoay một lúc thì... đổ tô nước dùng vào, và cũng ăn không nổi, bởi nếu đổ nước thì nhà hàng phải làm từ đầu nó mới nóng chứ nước giờ nguội như... tình 70 rồi thì ăn nỗi gì.
Thứ 2 là thịt bò. Rất nhiều quán nói thật là chưa biết... thái thịt bò. Thịt bò phải thái mỏng, ngang sớ, khi dội nước sôi vào miếng thịt nó cong tớn lên, vẫn còn màu hồng, như là đang còn rùng mình, còn thở, ăn vừa giòn vừa mềm. Chứ thái dày mà lại dọc sớ, mà lại ngâm lâu trong nước sôi thì... quai dép cao su gọi bằng cụ.
Và hóa ra, phở khô không phải chỉ mình Gia Lai có. Vào miền Tây món hủ tiếu cũng có hủ tiếu khô. Món mà dân Sài Gòn rất thích là hủ tiếu Nam Vang cũng có hủ tiếu khô. Tôi vào Đồng Nai, nhà thơ Đàm Chu Văn dẫn đi ăn “quán hủ tiếu khô ngon nhất Biên Hòa” và quả là nó... ngon thật. Thế thì tại sao phở khô Gia Lai lại trở nên nổi tiếng, lại thành thương hiệu, lại trở thành nỗi ám ảnh nhớ thương của những người Gia Lai sinh sống ở xa, mỗi khi về Pleiku, việc đầu tiên là phải đi ăn phở khô?
Tất nhiên phở thì chỉ có 3 thứ nguyên liệu chính, một là nước dùng, hai là thịt và ba là sợi phở. Sợi phở khô và hủ tiếu na ná nhau. Thịt cũng thế, nhưng khác ở nước dùng. Phở khô Gia Lai thuần xương, không ngọt đường. Thịt bò chuẩn, không thêm tôm và gan như hủ tiếu. Chính cái cách xử lý nước dùng và thịt bò tái làm nên thương hiệu phở khô Gia Lai.
Nhà tôi hàng tháng đều làm một việc, đều như vắt chanh, ấy là gửi một thùng hàng vào Sài Gòn, trong ấy là... sợi phở khô và thịt bò đã thái sẵn, cho vào từng túi ni lông nhỏ, cấp đông. Thôi thì không ninh được xương ngọt như các hàng phở khô ở Gia Lai, người nhà trong ấy cứ nhúng bánh phở rồi... nước sôi dội vào thịt bò, rồi phi hành đổ vào, thế mà chủ nhật nào cũng hú nhau rộn ràng... phở khô.
Thành thương hiệu rồi, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn nữa. Bày cho khách cách ăn cho đúng, cho ngon là một trong những cách bảo vệ thương hiệu. Và việc ấy, trước hết là của các chủ quán, của nhân viên phục vụ. Cũng không loại trừ của chính chúng ta, người Gia Lai, ngồi ăn cùng bàn với một vị khách đang lúng túng trước la liệt tô, đĩa trên bàn.
Sắp đến lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya và Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, các quán phở khô đang là mục tiêu tìm kiếm của khách du lịch. Và chắc chắn, các quán phở khô không bỏ lỡ cơ hội này để nâng cao uy tín.
Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.