Phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh không còn tạo cơn sốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phim Việt "Ngày xưa có một chuyện tình" - chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - có doanh thu mở màn khá khiêm tốn, tốc độ bán vé đang tăng chậm. Trái với kỳ vọng, tác phẩm đang gặp khó khăn trong việc chinh phục khán giả, khó tạo nên cơn sốt tại phòng vé.

Ngày xưa có một chuyện tình là dự án điện ảnh gây chú ý từ khi công bố sản xuất. Bởi lẽ, tác phẩm chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng rất ăn khách khi ra mắt năm 2016, hứa hẹn tạo cơn sốt mới tương tự Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) hay Mắt biếc (2019).

Nhưng trái với kỳ vọng, dự án lại chưa tạo được hiệu ứng bùng nổ khi ra mắt. Phim đang có tốc độ bán vé khá chậm với doanh thu tăng nhỏ giọt, phản ứng của khán giả trên mạng xã hội cũng chưa tốt.

Khó tạo cơn sốt như Mắt biếc

Trước đó, các phim điện ảnh chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều đạt doanh thu đáng mơ ước. Đơn cử, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) thu hơn 78 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua (2017) thu hơn 68 tỷ đồng. Gần nhất, Mắt biếc (2019) lập kỷ lục với doanh thu hơn 180 tỷ đồng, hiện đứng thứ bảy trong danh sách các phim Việt ăn khách nhất mọi thời.

Tuy nhiên, Ngày xưa có một chuyện tình lại có doanh thu mở màn khá khiêm tốn. Ê-kíp áp dụng chiến lược chiếu sớm một tuần, ra rạp ngày 25/10 thay vì 1/11 như dự kiến.

Trong ba ngày cuối tuần mở màn, phim thu hơn 7 tỷ đồng với 76.141 vé bán ra trong 3.470, đứng ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), xếp sau bom tấn Venom 3: Kèo cuối và phim Việt Cô dâu hào môn.

Ngày xưa có một chuyện tình không thể vượt mặt bom tấn Hollywood tại phòng vé.
Ngày xưa có một chuyện tình không thể vượt mặt bom tấn Hollywood tại phòng vé.

Đến tuần thứ hai, phim luôn đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng ngày, chưa đủ sức để đánh bại Venom 3. Trung bình mỗi ngày phim bán được hơn 20.000 vé, thu về thêm 1,5 tỷ đồng.

Hiện tổng doanh thu phim đã đạt hơn 12 tỷ đồng. Con số này không quá thấp nhưng kém ấn tượng nếu so với các phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh từng ra mắt.

Với tốc độ hiện tại, dự án khó thể vượt qua cột mốc 50 tỷ đồng, đừng nói là chạm đến con số 180 tỷ đồng như Mắt biếc.

Đạo diễn, dàn diễn viên không hút khách

Việc Ngày xưa có một chuyện tình có doanh thu kém ấn tượng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có dàn diễn viên.

Trong bộ ba diễn viên chính, chỉ có Avin Lu là người đã có một số kinh nghiệm diễn xuất, nhưng lại chưa phải là cái tên hút khách, giúp bảo chứng doanh thu phòng vé. Khả năng diễn xuất của anh cũng gây nhiều tranh cãi, nhất là sau vai diễn Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh (2022), phần nào tạo sự hoài nghi với một bộ phận khán giả.

Nữ chính Ngọc Xuân hay nam chính Đỗ Nhật Hoàng đều là những gương mặt khá xa lạ với điện ảnh, chưa có nhiều dấu ấn để tạo động lực lôi kéo khán giả ra rạp.

Bộ ba diễn viên chính thiếu sức hút của ngôi sao để giúp phim lôi kéo khán giả.
Bộ ba diễn viên chính thiếu sức hút của ngôi sao để giúp phim lôi kéo khán giả.

Các phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Mắt biếc cũng có dàn diễn viên không tiếng tăm nhưng vẫn nổi bật nhờ thương hiệu của đạo diễn Victor Vũ. Riêng Cô gái đến từ hôm qua phải nhờ đến dàn sao gồm Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, Hoàng Yến Chibi… mới tăng được sức hút tại phòng vé.

Trong khi đó, đạo diễn của Ngày xưa có một chuyện tình là Trịnh Đình Lê Minh – từng làm Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020).

Cả hai phim trước của anh đều có doanh thu khá khiêm tốn, không vượt qua con số 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy Trịnh Đình Lê Minh vẫn chưa phải là một tên tuổi bảo chứng doanh thu phòng vé như Victor Vũ.

Dàn diễn viên không phải ngôi sao và đạo diễn còn khá xa lạ khiến tác phẩm chưa tạo được sức hút mạnh mẽ. Ngoại trừ người hâm mộ truyện Nguyễn Nhật Ánh, phim gặp khó khăn trong việc chinh phục khán giả đại chúng, nhất là những người chưa biết đến nguyên tác.

Chất lượng phim còn gây tranh cãi

Ngày xưa có một chuyện tình cũng là phim đầu tiên chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh dán nhãn T16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi). Trong phim có sử dụng đến hai cảnh nóng, thể hiện những cảm xúc khác nhau của nhân vật. Các phân đoạn này tuy không quá phản cảm nhưng cũng khiến phim bị giới hạn độ tuổi, phần nào ảnh hưởng đến doanh thu.

Phim có đến hai cảnh nóng nên bị giới hạn độ tuổi khi ra rạp.
Phim có đến hai cảnh nóng nên bị giới hạn độ tuổi khi ra rạp.

Hơn nữa, ê-kíp chọn thời điểm phát hành không thuận lợi. Lúc này, lứa học sinh cấp ba và sinh viên đại học – hai nhóm đối tượng chính của phim - đang bước vào kỳ thi căng thẳng nên không có nhiều thời gian để ra rạp giải trí.

Ngoài ra, chất lượng phim cũng gây tranh cãi. Bên cạnh những điểm cộng về hình ảnh và âm nhạc, phim còn hạn chế về nội dung, lối kể. Nhiều ý kiến đánh giá mạch phim lê thê, tính cách nhân vật đơn điệu, chuyện tình được xây dựng chưa thuyết phục nên không tạo được cảm xúc mạnh với người xem…

Dẫu sao, doanh thu khiêm tốn của Ngày xưa có một chuyện tình vẫn là một điều đáng tiếc đối với điện ảnh nước nhà. Ê-kíp đã bỏ lỡ cơ hội tạo nên cơn sốt mới tại phòng vé, trong bối cảnh thị trường phim Việt vẫn đang rất cần thêm những tác phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật vừa có sức hút với khán giả đại chúng.

Theo Minh Nhật (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tuấn Trần vượt cả Hoài Linh, Thái Hòa

Tuấn Trần vượt cả Hoài Linh, Thái Hòa

"Mai" của Trấn Thành thắng lớn tại Ngôi sao xanh 2025 với nhiều hạng mục như Phim điện ảnh hay nhất, Nam - nữ diễn viên chính xuất sắc (Tuấn Trần - Phương Anh Đào) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Hồng Đào). Tuấn Trần vượt Hoài Linh, Thái Hòa nhận giải thưởng quan trọng.