Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Sê chú trọng khai thác những giá trị truyền thống của các dân tộc để phát triển du lịch, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Đội cồng chiêng làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Trần Dung

Đội cồng chiêng làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Trần Dung

Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) là ngôi làng Jrai giàu bản sắc văn hóa, hấp dẫn du khách bởi những bài chiêng đặc sắc kết hợp vòng xoang uyển chuyển cùng những hoa văn thổ cẩm sặc sỡ, bắt mắt của các nghệ nhân tài hoa. Ngoài ra, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt trải dài ôm trọn ngôi làng tạo nên nét đẹp riêng khó nơi nào có được.

“Khi Hăng Ring được huyện chọn để xây dựng làng văn hóa du lịch, chúng tôi phấn khởi vì vừa làm du lịch vừa có thể bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”-già làng Rah Lan Hào chia sẻ.

Hăng Ring là 1 trong 3 ngôi làng của huyện Chư Sê được quy hoạch chi tiết, từng bước xây dựng thành làng du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất phục vụ du lịch; kết nối tour và quảng bá; thành lập tổ bảo vệ để quản lý, giữ gìn nhà rông, nhà sàn.

Ông Nguyễn Văn Công-quyền Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho biết: “Chúng tôi đang từng bước xây dựng làng Hăng Ring thành điểm du lịch cộng đồng. Thị trấn thành lập tổ bảo vệ để quản lý, giữ gìn, tôn tạo nhà rông, nhà sàn, nhà mồ; đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia làm du lịch cộng đồng”.

“Địa điểm chiến thắng Plei Ring” (xã Hbông) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trần Dung

“Địa điểm chiến thắng Plei Ring” (xã Hbông) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trần Dung

Triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Sê đã xây dựng làng Greo Pết (xã Dun), làng Tào Roong (xã Ia Pal) và làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) thành điểm du lịch cộng đồng gắn liền với “Không gian văn hóa cồng chiêng”, khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu ghè… Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin khảo sát, thu thập các loại nhạc cụ, cồng chiêng, dụng cụ lao động, sản xuất, các dụng cụ sinh hoạt đặc sắc để trưng bày trong nhà rông, nhà sàn của làng, phục vụ du khách đến tham quan.

Sau khi di tích lịch sử “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” (xã Hbông) được công nhận xếp hạng cấp tỉnh, huyện Chư Sê đã thành lập Ban Quản lý di tích, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Hbông triển khai cắm mốc di tích theo quy định.

“Địa điểm chiến thắng Plei Ring” được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đã tạo thêm một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời, tạo thêm điểm đến du lịch văn hóa-lịch sử trong thời gian tới. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Plei Ring, UBND xã đã hỗ trợ các đoàn công tác tham quan, khảo sát; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ di tích”-Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường cho hay.

Để du lịch phát triển theo hướng bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, cây xanh tại Công viên văn hóa Kpă Klơng và Công viên văn hóa Phạm Văn Đồng để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan của người dân địa phương và du khách. Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm kê cồng chiêng, nhà rông văn hóa, các lễ hội truyền thống để có phương án hỗ trợ, phục dựng và bảo tồn.

Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường (xã Ia Pal) tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút khách thập phương. Ảnh: Trần Dung

Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường (xã Ia Pal) tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thu hút khách thập phương. Ảnh: Trần Dung

Ngoài ra, Chư Sê còn sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp như: thác Đá, thác Bà (xã Ia Hlốp), đập Ia Ring (xã Chư Pơng)… Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường (xã Ia Pal) với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện tự nhiên và địa hình leo núi, vượt suối, nghỉ dưỡng đã đáp ứng được nhu cầu của du khách. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch kết nối tuyến du lịch từ thác Phú Cường xuống hồ Ayun Hạ và Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (huyện Phú Thiện).

Theo ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Sê, nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch, huyện đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng du lịch gắn với bản sắc văn hóa. Tận dụng các nguồn vốn, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch du lịch làm cơ sở thu hút đầu tư vào các dự án khu/điểm du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.