Phấn đấu trở thành trung tâm thông tin nghiệp vụ của lực lượng Công an Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 65 năm qua, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Gia Lai không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Những kết quả nổi bật
Ngày 27-3-1957, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 530/NĐ-VP thành lập Phòng Hồ sơ thuộc Bộ Công an (gọi tắt là Phòng 5). Đây là đơn vị chuyên trách làm công tác hồ sơ đầu tiên của ngành Công an. Thời điểm này, tại Ban An ninh các tỉnh miền Nam nói chung, Ban An ninh Gia Lai nói riêng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ; công tác hồ sơ từ năm 1957 đến năm 1975 do từng đơn vị, An ninh các khu lập và quản lý. Sau ngày thống nhất đất nước, Ty Công an Gia Lai-Kon Tum được thành lập, Phòng Hồ sơ cũng được thành lập.
Trong những năm qua, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã kịp thời khai thác, tra cứu, cung cấp thông tin, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, phòng-chống tội phạm. Hàng năm, qua công tác khai thác hồ sơ, cơ sở dữ liệu, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác điều tra, khám phá, truy bắt nhiều đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã. Nổi bật là các năm: 2015, 2021 qua tra cứu dấu vết vân tay để lại hiện trường, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã phát hiện 2 vụ/2 đối tượng trộm cắp tài sản trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Ia Grai. Nhờ kết quả tra cứu, xác định dấu vết trùng khớp đã giúp các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương nhanh chóng truy bắt đối tượng gây án, phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản trả lại cho người dân.
Ngoài ra, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ còn tích cực tham gia công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, giải quyết chế độ chính sách, đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân. Chỉ tính riêng trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ đã tiến hành rà soát, tra cứu, cung cấp thông tin 11.199 trường hợp, đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng thời gian quy định, phục vụ có hiệu quả công tác bầu cử.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác hồ sơ nghiệp vụ năm 2022. Ảnh: T.T
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo hội nghị triển khai công tác hồ sơ nghiệp vụ năm 2022. Ảnh: T.T
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Hồ sơ nghiệp vụ, tham mưu giúp Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh nhiều giải pháp, triển khai có hiệu quả các quy định về công tác hồ sơ nghiệp vụ, đảm bảo nguyên tắc bí mật nhà nước; tổ chức xử lý, khai thác nhiều thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng-chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; 8 đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Đơn vị giữ vững đoàn kết, thống nhất, nhiều năm đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, trong đó có 2 năm đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng; nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hồ sơ nghiệp vụ.
Tập trung nhiệm vụ trọng tâm sắp tới
Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước nói chung và địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng dự báo có nhiều biến động khó lường. Theo đó, nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội rất nặng nề và khẩn trương, đòi hỏi lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, nỗ lực phấn đấu xây dựng đơn vị trở thành “Trung tâm thông tin nghiệp vụ” của lực lượng Công an.
Bên cạnh đó, lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh nâng cao hơn nữa nhận thức của người đứng đầu các đơn vị, Công an địa phương và cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hồ sơ nghiệp vụ, phải gắn công tác hồ sơ nghiệp vụ với các mặt công tác khác của lực lượng Công an. Lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ phải nghiên cứu kỹ, nắm vững nội dung các văn bản chỉ đạo về công tác hồ sơ nghiệp vụ. Xác định là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, liên tục, đòi hỏi cần được nghiên cứu, đổi mới phù hợp với tình hình, công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an, đặc biệt coi trọng công tác tự kiểm tra tại các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương. Thực hiện nghiêm công tác chấm điểm hồ sơ, lấy kết quả thực hiện công tác hồ sơ nghiệp vụ làm một trong các tiêu chí để phân loại cán bộ, bình xét thi đua, đề xuất quy hoạch, bổ nhiệm hàng năm đối với lãnh đạo chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với đó, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác hồ sơ nghiệp vụ, nhất là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng công tác hồ sơ nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm trong tình hình mới; khai thác vận hành có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ đang sử dụng; thường xuyên nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các tính năng của phần mềm nghiệp vụ, làm tốt công tác thống kê, phân tích, đánh giá tình hình, chú trọng công tác quản lý hồ sơ, thông tin, tài liệu; thực hiện các giải pháp trọng tâm, đột phá về nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa việc tra tìm, cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an tỉnh.
Quan tâm đào tạo, tuyển dụng cán bộ có trình độ công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu vận hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hồ sơ nghiệp vụ. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ tại các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương (chuyên trách ở cấp huyện, kiêm nhiệm ở cấp phòng) “vừa hồng vừa chuyên”, thực sự tận tụy, tâm huyết với nghề; quan tâm đề xuất thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác này, tạo động lực thúc đẩy cán bộ yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ số hóa tàng thư nghiệp vụ, hoàn thành kế hoạch làm sạch cơ sở dữ liệu về căn cước can phạm đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm xây dựng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ xứng tầm là “Trung tâm thông tin nghiệp vụ” của lực lượng Công an nhân dân.
NGUYỄN NGỌC SƠN

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.