Phạm Duy Nhật- Thành công từ nuôi thỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ bỏ nghề cơ khí, giáo viên, chàng trai trẻ Phạm Duy Nhật (67 Phạm Hồng Thái, thị xã Ayun Pa) đã quyết tâm bắt tay vào khởi nghiệp từ việc nuôi thỏ. Hiện anh là người có trang trại thỏ lớn nhất và quy mô nhất thị xã Ayun Pa với trên 500 con.

“Đâu là hướng đi phù hợp?”

Được anh Nguyễn Chí Cường-Bí thư Thị Đoàn Ayun Pa giới thiệu và dẫn đường, chúng tôi đến thăm trang trại thỏ của anh Phạm Duy Nhật. Tiếp chúng tôi trong một lán nhỏ ngay trên ao thả cá và bèo trong vườn nhà, Duy Nhật chia sẻ: Trước kia anh học nghề cơ khí ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Học xong, anh tìm kiếm việc và làm nghề cơ khí ở TP. Pleiku, nhưng sau vài năm thấy thu nhập bấp bênh nên anh chuyển về Ayun Pa làm nghề. Rồi cũng không trụ được, Nhật xin được vào làm hợp đồng ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) với công việc phụ trách phòng thí nghiệm. Nhưng chỉ 2 năm sau anh lại thấy mình không phù hợp với môi trường này nên quyết định xin nghỉ việc.

 

Phạm Nhật Duy đamg chăm sóc thỏ. Ảnh: H.Đ.T
Phạm Nhật Duy đamg chăm sóc thỏ. Ảnh: H.Đ.T

“Về nhà, mình cũng suy nghĩ mãi, bây giờ làm việc gì để có thu nhập ổn định?”-Nhật kể lại. Qua tìm hiểu trên địa bàn và sách báo, thấy nuôi thỏ khá hợp lý vì vốn bỏ ra ít, có thể tận dụng được nguồn thức ăn trong vườn nhà, thế là anh quyết định nuôi thỏ. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi số lượng ít, dần dần, từ việc học hỏi những người có kinh nghiệm, anh quyết định đầu tư chuồng trại với quy mô lớn hơn bằng việc mua và gây được 32 cặp thỏ giống.

Duy Nhật cho biết: Với quy trình kỹ thuật nuôi thỏ chu chuyển như hiện nay, trung bình mỗi con thỏ cái sinh được 6-8 thỏ con/đợt; khoảng 30 ngày sau, thỏ con được tách ra để chăm sóc theo chế độ riêng biệt, sau 90 ngày là có thể xuất chuồng, cứ theo chu kỳ xen kẽ như vậy thì tháng nào anh cũng có thỏ để bán thịt và bán giống. Mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 6 lứa thỏ, trọng lượng của mỗi con thỏ khi xuất chuồng đạt từ 2,2 đến 2,5 kg. Với giá khoảng 80.000 đồng/kg như hiện nay, bình quân mỗi lứa xuất chuồng anh thu về hơn 40 triệu đồng. Thức ăn cho thỏ ngoài các loại rau xanh, thức ăn kèm theo là tinh bột, thức ăn hỗn hợp. Một thuận lợi khác là chuồng nuôi thỏ đầu tư đơn giản hơn so với các gia súc, gia cầm khác, thỏ cũng cho thu nhập cao hơn gà, vịt…, kỹ thuật nuôi lại đơn giản, ít tốn công chăm sóc. Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho thỏ, Nhật còn đào ao trong vườn nhà để thả bèo làm nguồn rau xanh cho thỏ.

Làm lại từ đầu

Để có được kết quả như hiện giờ, Duy Nhật cũng trải qua không ít những khó khăn. Khi mới nuôi, do không có đầu ra, anh phải thường xuyên gặp bạn bè và người quen giới thiệu, thậm chí làm thịt thỏ chế biến thành các món ngon mời họ  thưởng thức, thấy ngon dần dà người này giới thiệu cho người khác, nhờ vậy mà đầu ra dần ổn định. Đặc biệt, năm 2011, do mới nuôi nên chưa có kinh nghiệm về phòng-chống dịch bệnh, cả đàn thỏ nhà anh hơn 400 con cả thỏ giống lẫn thỏ thịt lăn ra chết hết. Nhật gần như trắng tay bởi bao nhiều vốn liếng dành dụm được, cộng với tiền vay bạn bè đều đội nón ra đi. Sau nhiều đêm suy nghĩ và trăn trở về việc phải làm gì khi không còn đồng vốn nào, với quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp, anh mạnh dạn đến gặp anh em, bạn bè vay tiền để tiếp tục đầu tư lại mô hình này. Nhờ vậy mà đến nay anh đã tạo dựng cho riêng mình một “thương hiệu”.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệm của Phạm Duy Nhật:
- Kiên trì, chịu khó.
- Lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm.
- Khi thất bại, dám chấp nhận làm lại từ đầu.

Duy Nhật cho biết thêm, điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là cần phải giữ vệ sinh chuồng trại, điều chỉnh lượng thức ăn thô và thức ăn tinh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thỏ. Đối với thỏ sinh sản, người nuôi phải theo dõi thường xuyên, khi thỏ cái đến kỳ thụ thai phải chọn con thỏ đực khỏe mạnh cho phối giống thì lượng tinh trùng mới bảo đảm. Khi thỏ cái đã thụ thai cần điều chỉnh lại lượng thức ăn thì mới giữ được thai tốt. Để nâng cao năng suất và tăng thêm thu nhập, vừa qua anh còn đầu tư gần 50 triệu đồng để thay toàn bộ giống thỏ ta cũ bằng giống thỏ mới của New Zealand ở Sơn Tây (Hà Nội), giá mỗi con giống lên đến 800.000 đồng tính cả phí vận chuyển. Bù lại, giống thỏ mới này có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, trọng lượng lớn, thịt thơm ngon, hấp dẫn và là một giống thỏ được nuôi phổ biến để lấy thịt.

Với ý chí khởi nghiệp để thoát nghèo, Phạm Duy Nhật không những đưa được kinh tế gia đình mình đi lên mà anh còn thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất rộng khắp trong toàn thị xã.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm