Nữ trưởng phòng đánh tráo nhân thân: Bất thường từ hồ sơ tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hành vi đánh tráo nhân thân của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk diễn ra vào lúc nào, tại đâu, với sự tiếp sức của những ai là điều công chúng đang thắc mắc.
Bất thường về giấy đăng ký kết hôn
Trước sự băn khoăn của bạn đọc về vụ đánh tráo nhân thân hy hữu vừa bị phơi bày, phóng viên Tiền Phong tiếp tục đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu vấn đề. Được lãnh đạo UBND phường Tự An và Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Buôn Ma Thuột tạo điều kiện, phóng viên đã tìm thấy các thông tin khác lạ, bất thường từ hồ sơ lưu trữ.
Đầu tiên là về giấy đăng ký kết hôn. Hồ sơ tư pháp lưu tại UBND phường Tự An ghi Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông bà Lê Thanh S. -Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) được cấp ngày 20/9/2000. Còn theo bản khai khác cũng tại phường này, vào ngày 14/10/2002, ông Lê Thanh S. viết “Năm 1997 tôi kết hôn cùng Trần Thị Ngọc Ái Sa ...”.
 
Giấy chứng nhận kết hôn của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) được cấp năm 2000  tại phường Tự An.
Công văn số 3106-CV/VPTU ký ngày 7/10/2019 do Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cung cấp cho báo chí để “phối hợp thông tin việc xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên”, căn cứ vào kết quả xác minh trên địa bàn tỉnh, lời tự khai và bản tường trình viết ngày 12/9 của bà Sa (giả), “từ năm 1997 đến năm 1999 lấy chồng, sinh sống với gia đình nhà chồng tại đường Thăng Long, thành phố Buôn Ma Thuột...”.
Cán bộ chức trách các bên liên quan ở cả 2 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng cho đến nay đều trả lời phóng viên là không tìm được giấy đăng ký kết hôn nào cấp năm 1997 cho ông S. với bà Sa, hay ông S. với bà Trần Thị Ngọc Thêm - là họ tên khai sinh của bà Sa (giả) mà phóng viên đã phát hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa làm rõ được thời điểm kết hôn với ông S., bà Thêm đã mang họ tên giả hay chưa.
Bất thường về khai báo nơi cư trú
Công văn số 3106-CV/VPTU ghi nhận quá trình công tác của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) tại Đắk Lắk từ năm 1997 đến nay đều diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột, và chỉ một nơi cư trú là nhà chồng ở đường Thăng Long nội thành.
Thế nhưng trong tàng thư tại Đội Quản lý hành chính Công an TP Buôn Ma Thuột có một bản khai nhân khẩu của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) với nội dung: 1989-1998 ở Đà Lạt; 1998-2001 ở xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk làm nội trợ; từ 2001-nay ở nhà số 47 Thăng Long - BMT làm kế toán.
Một tài liệu khác, là “Giấy chứng nhận chuyển đi” số 519 vào ngày 6/2/2002,  ghi tên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả), được “giải quyết nhập theo chồng” từ xã Ea Na, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) về phường Tự An - TP Buôn Ma Thuột, chuyển một mình, không kèm ai, với chữ ký, con dấu của đầy đủ cơ quan Công an các cấp xã, huyện, tỉnh. Kèm theo đó là Giấy bảo đảm đăng ký hộ khẩu do ông Lê Văn Kh. chủ hộ, bố chồng bà Sa (giả), ký ngày 29/8/2002 đồng ý cho con dâu và cháu nội được nhập tịch vào sổ hộ khẩu của gia đình ông.
Trong sổ hộ tịch của phường, trang ghi thông tin về giấy đăng ký kết hôn cấp ngày 20/9/2000 cho Lê Thanh S. và Trần Thị Ngọc Ái Sa, địa chỉ bà Sa khi kết hôn là 120/14 phường Lộc Sơn tỉnh Lâm Đồng. Còn theo “Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu” có đóng dấu ký tên xác nhận của Trưởng Công an xã Ea Na, ngày 22/1/2002, bà Sa cắt khẩu từ xã này chuyển về nhà số... đường Thăng Long - phường Tự An với lý do “Lấy chồng”.
Hoàng Thiên Nga (TP)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.