"Có rất nhiều doanh nghiệp bạn bè của tôi "ngã" trong đợt dịch Covid-19, thậm chí phá sản và nợ nần hàng chục tỷ đồng, bởi quen xuất khẩu tiểu ngạch dẫn đến hàng hoá bị "đóng băng" do dịch", bà Hằng chia sẻ.
Trò chuyện với Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE về câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp, nhất là lại trong một lĩnh vực được cho là khá vất vả - nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại Hữu cơ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinapharma cho rằng, đối với thời đại bố mẹ hay ông bà chúng ta ngày xưa, chỉ có một lựa chọn là buôn bán, kinh doanh nông sản theo cách truyền thống.
Tuy nhiên đến nay, khi thế giới "phẳng", người kinh doanh phải hội tụ thêm nhiều yếu tố. Từ việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đến tìm kiếm đơn hàng hay việc sản xuất sản phẩm phải theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hướng tới hữu cơ hay tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... Đây cũng là lý do khiến khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khó khăn hơn.
Đơn cử như việc để xuất khẩu nông sản chính ngạch thay vì tiểu ngạch như thế hệ trước, phải xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, có chứng nhận hữu cơ, sau đó phải bảo vệ thương hiệu của mình từ mẫu mã, bao bì, tem mác cũng như thông thạo các quy định về xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu.
"Thế hệ 8x, 9x khởi nghiệp rất khó khăn, bạn bè tôi 'ngã' rất nhiều", bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp bạn bè của mình đã "ngã" trong đợt dịch Covid-19, thậm chí có doanh nghiệp phá sản và vẫn còn nợ ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng. Bởi một thực tế, trước dịch Covid-19, hàng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch "ầm ầm" sang Trung Quốc, nên năm nay vay vốn, mở nhà máy để sản xuất số lượng lớn.
Sau đó dịch Covid-19 ập tới, các rào cản kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, nông sản chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch, trong khi nhà máy không đạt tiêu chuẩn. Để lấy được tiêu chuẩn đơn cử như CE, doanh nghiệp mất 1 năm. Vậy thì nông sản đã sản xuất ra đành đổ bỏ, doanh nghiệp phá sản.
"Đau đớn là đơn hàng có nhưng bản thân doanh nghiệp không có sự chuẩn bị, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu", bà Hằng nói. Khi khởi nghiệp thất bại thì như "chim sợ cành cong", thứ nhất là không có vốn để khởi nghiệp tiếp và thứ hai là những người năng nổ, nhiệt huyết cũng "sợ" không dám làm startup nữa.
Đó cũng là nguyên nhân chính khiến Vinapharma quyết tâm làm nông nghiệp chế biến sâu, bà Hằng cho hay, VinaPharma Group được khởi nguồn từ nông nghiệp, ban đầu cũng trồng trọt và xuất khẩu đi các thị trường, trong đó lớn nhất là thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu như vậy thì luôn luôn gặp phải tình trạng ép giá. Trong suốt một thời gian dài Công ty luôn cố gắng sản xuất ra những nông sản tốt nhưng giá lại không cao, rồi được mùa thì mất giá mà khi giá cao lại không được mùa, bà Hằng cho hay.
Khi làm việc với nông dân, còn gặp phải tình trạng chỉ cần lái thương Trung Quốc sang thu mua với giá cao hơn là nông dân chuyển sang bán cho lái thương chứ không bán cho các doanh nghiệp bao tiêu nữa cho dù doanh nghiệp đã bỏ ra từ khâu giống, kỹ thuật hay phân bón.
Chưa kể tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân hiện nay vẫn phổ biến và rất khó để kiếm soát. Đối với các quốc gia hiện đại, họ có hệ thống máy test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngay tại nông trang trong khi ở Việt Nam riêng khâu test đã mất từ 3-5 ngày và thậm chí là từ 7-10 ngày.
"Do đó, công ty chúng tôi bắt buộc phải nghiên cứu chế biến sâu, bởi chỉ có như vậy mới là khởi nguồn của thương hiệu", bà Hằng nói.
Tuy nhiên, con đường này thực sự không dễ dàng, bà Hằng trải lòng. Để chế biến sâu nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng cho Việt Nam, doanh nghiệp nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Ban đầu là chi phí đầu tư khi phải mua công nghệ tiên tiến từ các quốc gia như Israel hay Nhật Bản để mang về Việt Nam. Về giống và kỹ thuật cây trồng, Công ty phải trực tiếp mở vùng trồng, kết hợp với Trường Đại học nông nghiệp I để nghiên cứu và đưa ra kỹ thuật trồng tốt nhất.
Toàn bộ quy trình được áp dụng theo tiêu chuẩn hướng tới hữu cơ của công ty. Chỉ như vậy, mới đảm bảo chất lượng nguyên liệu để đưa vào chế biến sâu.
Tiếp đó là việc sau khi chế biến ra sản phẩm rồi thì phải làm sao để bán được hàng, bà Hằng cho hay. Mất 4 năm khởi nghiệp, từ trồng vùng nguyên liệu cho đến nghiên cứu, xây dựng nhà máy chế biến sâu và cuối cùng cho ra những sản phẩm như cốm làm từ cây cần tây.
Hiện tại, VinaPharma đang cung cấp các loại cốm hoà tan từ rau củ quả, trong đó nổi bật là cây cần tây, sản phẩm này được khách hàng tại các nước rất ưa chuộng.
Chế biến sâu cũng là một yếu tố giúp các doanh nghiệp nông sản vượt qua giai đoạn khó khăn như dịp Covid-19 vừa qua. Trong khi, các ngành nghề khác gặp khó khăn và bấp bênh còn ngành nông nghiệp lại là một điểm sáng.
Bởi trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, rất nhiều quốc gia “bế quan toả cảng” thì Việt Nam – một quốc gia kiểm soát dịch tốt lại có cơ hội xuất khẩu nông sản mạnh mẽ hơn.
Một yếu tố quan trọng nữa để không còn phải "giải cứu" nông sản là công tác quy hoạch vùng trồng. Nêu giải pháp về vấn đề này, bà Hằng cho rằng, dựa trên thổ nhưỡng của các địa phương cần quy hoạch mỗi vùng 1 đến 2 loại cây đặc sản, sau đó mời các doanh nghiệp đặt nhà máy chế biến sâu để bao tiêu đầu ra cho nông dân.
"Chỉ có làm tốt từ khâu quy hoạch đến trồng trọt, tiêu thụ, chế biến mới có thể hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá hay giải cứu nông sản trong thời gian vừa qua", bà Hằng đúc kết.
Ngoài ra, bà Hằng cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp trong quá trình thuê đất để mở trang trại, trồng trọt hướng tới chế biến sâu và xuất khẩu.
Bởi khác với các ngành nghề công nghiệp hay dịch vụ, nông nghiệp chủ yếu dựa vào lợi thế từ thổ nhưỡng và quy mô canh tác lớn mới có thể cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu.
“Nhiều doanh nghiệp có bao nhiêu lãi lại đổ hết vào thuê đất để trồng trọt. Nếu cứ như vậy sẽ rất khó có doanh có vùng trồng riêng, khép kín từ trồng trọt đến chế biến, phân phối và xuất khẩu”, bà Hằng nêu vấn đề.
Như vậy, rất khó để các doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp từ Trung Quốc hay Thái Lan, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Vinapharma nhìn nhận.
Theo Hạ An/Nhịp sống doanh nghiệp/Dân Việt