Nữ sinh bị lột đồ,bạo hành dã man ngay tại lớp:Có dấu hiệu ém nhẹm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự việc nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn học hành hung dã man, lột hết quần áo, quay, phát tán clip từ ngày 22.3 đã khiến dư luận thực sự phẫn nộ.
Bà nội đang chăm H.Y tại bệnh viện
Bà nội đang chăm H.Y tại bệnh viện
Đáng nói, sau khi vụ việc xảy ra, đã có những dấu hiệu cho thấy vụ việc nữ sinh bị lột đồ, bạo hành dã man ngay tại lớp bị ém nhẹm.
Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ
Chiều 30.3, chúng tôi đã gặp nữ sinh H.Y tại nơi em đang điều trị - Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên. Khi chúng tôi đến, H.Y vẫn đang trong trạng thái mệt mỏi, một bên má còn sưng, bầm tím, dù em bị các bạn đánh cách đây đã 1 tuần.
Theo tường trình của 5 học sinh (HS) hành hung nữ sinh H.Y, chiều 22.3, khi đã tan học và H.Y ra về đến cổng thì 5 HS này kéo lại đưa lên lớp bắt trực nhật. Đây là nhiệm vụ của 5 HS này vào sáng thứ bảy, nhưng H.Y bị bắt làm thay. Sau khi lên lớp đã xảy ra tranh cãi nên nhóm bạn này lao vào đánh H.Y.
Nói về lý do bị đánh, nữ sinh H.Y cho biết hôm đó bạn L. bảo em cầm hộ mũ ca lô xuống tầng, nhưng em không cầm, nên buổi trưa các bạn đã gây sự. H.Y rất hoảng sợ nhưng về nhà em không dám nói với ai. Chiều đó bạn T. (trong nhóm 5 người) lại “hỏi tội” H.Y về việc viết thư cho người yêu của mình. “Em bảo em không viết thư nào cả, nhưng bạn vẫn lao vào đánh, xong bạn L. cũng lôi vụ mũ ca lô ra đánh luôn”, H.Y cho biết.
Cũng theo lời nữ sinh H.Y, ở lớp em thường xuyên bị nhóm 5 bạn này (cầm đầu là bạn Nguyễn D.Tr - lớn hơn các bạn cùng lớp 1 tuổi, chuyển từ Cao Bằng về) bắt nạt.
“Có một lần, bạn Tr. bảo em viết hộ bản cam kết, nhưng em viết chưa xong, bạn ấy bị cô giáo phạt, nên trưa hôm ấy bạn cũng đánh em. Rồi bạn ấy nghỉ học để đi chùa, bị cô giáo bắt chép phạt 300 lần, bạn ấy cũng đe dọa em, bắt em chép thay. Tại vì em hiền quá nên bạn Tr. và bạn H. thường bắt em chép phạt hộ, trực nhật hộ. Nếu em không làm thì các bạn ấy chặn đường em về, lôi vào trong lớp, đóng cửa vào đánh”, nữ sinh H.Y kể trong lo sợ: “Sau mỗi lần đánh, các bạn đều đe dọa nếu nói với ai sẽ cho em “no đòn”. H.Y cũng cho biết ở lớp em không chơi thân với ai, dù bị bắt nạt nhiều nhưng bạn bè cũng không có ai bênh vực.
Khi chúng tôi hỏi “em có tha thứ cho các bạn không”, nữ sinh H.Y nói: “Em tha thứ, nhưng bây giờ em quay lại lớp thì chắc em không học được. Gặp lại các bạn, trở lại lớp em lại nghĩ đến hôm thứ sáu và những lần đánh trước đấy, em sợ”. Dù chỉ còn vài tháng nữa là thi hết cấp, nhưng H.Y mong muốn được chuyển trường.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên, cho biết nữ sinh H.Y vào viện ngày 28.3, được chẩn đoán là phản ứng stress do sang chấn về mặt tâm lý. “Vào viện cháu vẫn lo âu, hoảng sợ. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã ăn ngủ được, tiếp xúc được, tư duy có liên quan, liền mạch, đôi khi vẫn có lo âu. 17 giờ chiều 29.3, tôi có xuống thăm bệnh nhân, tiếp xúc với cháu, cháu có kể lại nguyên nhân cháu phải vào viện là do bị các bạn đánh”, bác sĩ Tình cho biết.
“Tôi xem tí nữa thì ngất gục xuống”
Đang chăm cháu tại bệnh viện, bà Đặng Thị Nhường, bà nội của nữ sinh H.Y, cho biết: “Trưa thứ sáu hôm ấy, hơn 12 giờ 30 cháu mới về. Bảo cháu ăn cơm, cháu bảo không ăn được, mà sáng hôm đó đi học cháu chỉ ăn một củ khoai thôi. Gặng hỏi mãi vì sao bỏ cơm cũng không nói, tưởng cháu ốm, nhưng cũng chẳng có đồng tiền nào cho cháu ăn quà, nó lại vụt đi mất. Tôi cứ ân hận mãi. Tối ấy về cháu cũng không nói gì, chỉ bảo cháu đau đầu, ù tai, không ngủ được. Mẹ cháu đi làm may về mệt, cũng không hỏi han được nhiều, tưởng các cháu đánh nhau qua loa”.
 
 Hình ảnh H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp gây bức xúc dư luận ẢNH: TTXVN
Hình ảnh H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp gây bức xúc dư luận ẢNH: TTXVN
Cũng theo bà Nhường, tại buổi làm việc sáng thứ hai (25.3), gia đình nữ sinh H.Y đã đồng ý bỏ qua cho nhóm 5 bạn kia, thậm chí xin không đình chỉ học các bạn, vì lúc đó chưa ai được xem clip.
“Đến lúc người trong làng xem, người ta mới loan báo với gia đình, bảo cháu bị đánh dã man lắm, bị lột hết quần áo, chúng tôi mới lên trường hỏi các thầy cô thì được trả lời là đã xóa hết rồi. Chúng tôi đòi quá mới đưa. Xem xong thì chúng tôi thấy không thể nhu nhược thế này được. Lần này còn lần sau. Cháu bị lột quần áo 2 lần. Tôi xem tí nữa thì ngất gục xuống. Ông nội phát điên lên vì thương cháu quá, mẹ cháu khóc khản cả giọng từ hôm đó đến nay. Vì vậy gia đình chúng tôi mới làm đơn”, bà Nhường kể thêm.
Gia đình nữ sinh H.Y hoàn cảnh rất éo le vì “bố cháu không biết chữ; mẹ cháu cũng gầy gò, ốm yếu, bị áp huyết cao”. Ông nội H.Y bị di chứng chiến tranh nên nhớ nhớ, quên quên. Khi chúng tôi đến nhà hỏi chuyện, cả bố và ông nội H.Y đều không trả lời được gì nhiều. Bố H.Y làm phụ hồ, mà “người ta thương nên cho đi làm”, vì không khỏe mạnh, tháng được 15, 20 công. Mẹ đi làm may từ sáng sớm đến tối mịt, cáng đáng gia đình, nên không có thời gian nhiều cho các con.
“Mẹ cháu thương các cháu lắm, nhưng gia cảnh eo hẹp, đi làm mệt nên cũng không hỏi han được cháu nhiều. Cháu có đứa em út nay già 2 tuổi rồi mà mới được hơn 8 cân, cũng dặt dẹo lắm”, bà Nhường nói thêm: “Mấy hôm tôi tâm sự, cháu cũng bảo lên lớp các bạn cứ chế giễu con, con không có mặt mũi nào đi học. Tôi phải động viên cháu vì cháu từng mơ là được đi học cấp 3. Tôi nghĩ rất đau lòng vì cháu còn trẻ quá, mà giờ không đi học được nữa thì tội nghiệp”.
Sự việc “không có gì nghiêm trọng” (?!)
Chiều 30.3, PV Thanh Niên đã đến làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên. Theo biên bản buổi làm việc sáng cùng ngày giữa Sở với UBND H.Ân Thi và Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng, thì sau khi đánh bạn, lột quần áo bạn và quay clip, khoảng 23 giờ ngày 22.3, một nữ sinh trong nhóm này là Nguyễn D.Tr (bạn được cho là cầm đầu) đã gửi các clip này cho 2 nam sinh cùng lớp là P.V.Th và P.V.T. Chính bạn nam sinh P.V.Th là người đã tố cáo với cô giáo chủ nhiệm lớp, là cô Hoa Thị Trang về sự việc này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cô giáo đã không hề thông tin đầy đủ cho gia đình em H.Y về tình trạng của em, thậm chí, theo phản ánh của một HS lớp 9A mà chúng tôi tiếp xúc được, cô Trang đã yêu cầu cả lớp không được thông tin sự việc ra bên ngoài. Một phản ứng rất khó hiểu nữa của một số thầy cô giáo của Trường THCS Phù Ủng và lãnh đạo H.Ân Thi khi chúng tôi đến làm việc, là họ đều cho rằng sự việc “không có gì nghiêm trọng”, thậm chí còn có ý kiến cho rằng em H.Y nhập viện là do “có yếu tố bên ngoài tác động”. Một số ý kiến còn cho rằng em H.Y bị bắt nạt, bị kỳ thị do “kỹ năng sống chưa tốt”.
Trong ngày 30.3, sau khi báo chí vào cuộc, dư luận bức xúc lên tiếng, rất nhiều lãnh đạo, ban, ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên đã đến động viên, thăm hỏi H.Y, trong đó có cả Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng; Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nguyễn Văn Phê, Phó giám đốc Công an tỉnh, Hội phụ nữ của xã, huyện, đoàn công tác của trường...
Yêu cầu công an tỉnh phối hợp điều tra
Ngày 30.3, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản hỏa tốc yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc. Theo đó, công an tỉnh phối hợp với UBND và Công an H. Ân Thi khẩn trương giải quyết các vi phạm theo quy định của pháp luật. Xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng.
Đối với Sở GD-ĐT, tỉnh yêu cầu phối hợp với UBND H.Ân Thi có biện pháp xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc xảy ra vụ việc bạo lực học đường; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh để phòng ngừa các hành vi bạo lực học đường, nâng cao trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ quản lý giáo dục. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần kinh của tỉnh quan tâm, hỗ trợ, điều trị đối với em HS bị bạo lực; Sở LĐ-TB-XH kịp thời thực hiện các biện pháp bảo trợ trẻ em; tổ chức thăm hỏi em HS bị bạo lực và gia đình.
Trong động thái khác, sau buổi làm việc ngày 30.3, UBND H.Ân Thi đã đình chỉ học 4,5 ngày với 5 HS đánh bạn; đình chỉ Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong 15 ngày để xử lý vụ việc, giáo viên chủ nhiệm cũng bị đình chỉ chủ nhiệm để thay giáo viên khác. Công an huyện cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy 5 em HS đánh em H.Y đã phạm lỗi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Chiều 30.3 , ông Trương Thế Quy (Phó phòng Công tác HS - sinh viên Trường đại học Sư phạm - ĐH Huế) cho biết một vị mạnh thường quân giấu tên đã và đang giúp đỡ cho rất nhiều HS - sinh viên muốn ông làm người đại diện kết nối với gia đình em H.Y để bàn cách giúp đỡ nữ sinh này vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, nhất là những tổn thương về tinh thần. Ông Quy cho biết, vị mạnh thường quân muốn được giúp nữ sinh này về TP.Huế học tập cho hết bậc THPT với toàn bộ sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, học tập sẽ được hỗ trợ hoàn toàn.
T.Nguyễn - Vũ Hân - Đ.Toàn
Cần mạnh hơn cả về chế tài xử lý và giải pháp ngăn ngừa
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, nhấn mạnh tới vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lẽ ra phải là “nhân vật chính” trong giáo dục đạo đức cho HS, thì lại chưa được các nhà trường coi trọng. Đặc biệt, vừa qua, dư luận đã chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, của gia đình, của xã hội nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là chính những HS gây nên “bạo lực học đường”. TS Lâm đề xuất các HS đánh bạn trong vụ việc ở Hưng Yên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Những HS ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, tuy chưa thể bắt các em ra tòa nhưng luật pháp phải có chế tài xử lý với những HS đã gây hậu quả nghiêm trọng như giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo lao động công ích...
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, người đã có gần 40 năm trong ngành giáo dục, chia sẻ nhiều lo lắng về lối giáo dục áp đặt, thiếu dân chủ, thậm chí ra hình phạt HS bằng cách yêu cầu HS đánh bạn của giáo viên đã “gieo mầm” bạo lực và vô cảm trước cái ác vào chính các em vốn “tính bản thiện”.
“Giáo dục có nhiều cách, không nhất thiết phải dùng biện pháp trừng trị, kỷ luật. Nếu dùng cách như những sự vụ gần đây: bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng hay yêu cầu cả lớp tát một bạn trong lớp, đuổi học 1 năm vì vi phạm kỷ luật…, thì giá trị nội hàm giáo dục bằng 0”, thầy Khang nói và cho rằng mỗi HS một cá tính, nhất là các em ở lứa tuổi mới lớn, trong các mối quan hệ ứng xử với bạn bè, với cha mẹ, với thầy cô sẽ không tránh khỏi “va vấp”.
Vũ Hân (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.