(GLO)- Đi nhiều, ắt sẽ biết rộng, viết hay; điều này dường như đúng tuyệt đối với đội ngũ phóng viên trẻ của Báo Gia Lai. Với họ, đi công tác không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm mà còn là nhu cầu tự thân, đi để trải nghiệm, khám phá, tích lũy kinh nghiệm sống và quan trọng hơn là để có thêm những bài viết đúng, trúng, hay. Hơn 10 năm trở lại đây, trước sự phát triển không ngừng của tờ báo, những chuyến đi công tác của phóng viên được mở rộng biên độ, vươn tới các tỉnh, thành trong cả nước và một số nước trong khu vực. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Báo Gia Lai, Gia Lai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên về những chuyến công tác đầy ý nghĩa ấy, xin giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên tác nghiệp trong chuyến thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1. |
* Phóng viên VĨNH HOÀNG: “Một lần đến Trường Sa”
Trong chuyến đi Trường Sa dịp cuối năm 2014, chúng tôi may mắn được đến các đảo chìm và đi qua “vòng tròn bất tử” Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Là phóng viên, ai cũng mơ ước một lần đến vùng “biển thiêng” này để thả hoa và thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ. Trong chuyến đi này chúng tôi đã thực hiện được điều mong ước đó. Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ, tàu HQ936 hú lên những hồi còi chào các đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Trong tôi trào dâng những cảm xúc lạ thường, nước mắt ai cũng tuôn rơi. Nhìn ra xa, nơi chúng tôi làm lễ chỉ cách đảo Gạc Ma 2 hải lý, thế nhưng những người lính vẫn kiên trung đối diện với hiểm nguy không hề nao núng. Có lẽ những đồng đội, đồng chí đã hy sinh năm xưa càng làm cho quyết tâm giữ đảo thêm sắt đá.
Ra Trường Sa lần này, nơi đoàn chúng tôi đến hầu hết là đảo chìm, chính vì vậy không có sóng điện thoại nên phóng viên không thể gửi tin, bài về tòa soạn. Khi chúng tôi đến đảo Sinh Tồn là đảo nổi duy nhất trong chuyến hải trình lần này, có sóng điện thoại nhưng lại chập chờn. Để gửi được tin bài, 13 phóng viên của các báo trong đoàn công tác phải thay nhau thức đến 2 hoặc 3 giờ sáng (khi ấy sóng điện thoại mới ổn định) và chúng tôi chỉ sử dụng được 2G. Thế nhưng chuyện này không phải dễ bởi mở được mail đã khó nhưng việc đính kèm ảnh càng khó hơn, dung lượng của ảnh phải giảm tới mức thấp nhất có thể, thế nhưng nhiều lúc đang đính kèm thì lại rớt mạng. Hơn 2 tiếng đồng hồ hì hụi mới đính kèm xong vài tấm ảnh và bài viết. Chia tay Trường Sa, hình ảnh ấn tượng nhất với chúng tôi đó là lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng, giữa biển khơi mênh mông sóng và những người lính kiên trung khắc phục khó khăn ôm súng bảo vệ bình yên cho đất liền…
* Phóng viên LÊ HÒA: “Những ngày đáng nhớ ở Điện Biên”
…15 ngày gắn bó nơi lòng chảo Điện Biên, đúng dịp cả nước cùng hướng về Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với tôi và người đồng nghiệp đi cùng-phóng viên Minh Triều, đó sẽ mãi là kỷ niệm chẳng thể nào quên trong đời làm báo. Lần đầu tiên tôi đến với Tây Bắc, được nhìn ngắm những cung đường tuyệt đẹp vắt ngang lưng chừng núi cao vời vợi, lần đầu tiên được đặt chân lên những quả đồi mà tên chúng từng đi vào lịch sử: đồi A1, C1, D1, Him Lam, Độc Lập hay được đặt bàn tay lên thành cây cầu huyền thoại: cầu Mường Thanh, được bước đi dưới tán rừng xanh mát mà thiêng liêng nơi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà trái tim là Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng gắn bó trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch lịch sử…
Chuyến đi đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm, có thêm những người bạn đáng mến đã gắn bó và giúp đỡ nhiệt tình trong những ngày lưu lại công tác, để được biết thêm những điều thú vị nơi miền đất mới. Từng bài viết được gửi về ghi rất rõ: “Lê Hòa-Minh Triều đưa tin từ Điện Biên” như lời nhắc nhở chúng tôi phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình trong chuyến đi ấy. Đứng giữa hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế tham gia đưa tin tại sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, không ít anh chị em khi biết Báo Gia Lai cử người vượt 1.500 km ra Điện Biên tác nghiệp, họ đã không giấu nổi bất ngờ và thốt lên rằng: “Từ Tây Nguyên cũng cử phóng viên ra đây tác nghiệp à?”. Chúng tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc biết bao khi ngôi nhà chung Báo Gia Lai đã mở đường cho bước chân chúng tôi được sải đến những miền xa của Tổ quốc…
* Phóng viên HOÀNG NGỌC: “Tác nghiệp ở vùng trầm tích văn hóa”
Nhiều người thường đem chuyện chúng tôi được đi nhiều ra để so sánh và… ganh tỵ. Quả thực, việc đi nhiều đã làm chúng tôi lớn về suy nghĩ, về nghề. Cách đây hơn 1 năm, khi tôi được Ban Biên tập phân công về phụ trách văn phòng An Khê, khi ấy tôi nghĩ An Khê là vùng đất không mấy ấn tượng về phương diện văn hóa. Nhưng tôi đã lầm, bởi An Khê là một vùng trầm tích văn hóa.
Với một phóng viên văn hóa như tôi, phát hiện điều này giống như người thợ đào vàng bỗng tìm ra kho báu. Vùng đất có lịch sử hơn 300 năm ấy đã cho tôi một số bài viết văn hóa khá hài lòng. Kể điều này để thấy, khác với những chuyến đi du lịch đơn thuần, những người làm báo thường không cho phép mình có những chuyến đi hời hợt. Kinh nghiệm gần 10 năm cầm bút cho thấy, khi đến một vùng đất nào đó phải có ở đủ lâu, để tâm cảm nghiệm những gì xảy ra xung quanh, chuyến đi đó chắc chắn sẽ có bài viết được độc giả đánh giá cao.
* Phóng viên LÊ VĂN NGỌC: “Một tình yêu với thể thao”
Là một phóng viên thể thao, tôi khá may mắn khi được tác nghiệp ở nhiều sân vận động lớn trong cả nước như: Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Tự Do (TP. Huế), Gò Đậu (Bình Dương), Tân An (Long An)… Mỗi nơi đi qua lại để trong tôi những kỷ niệm về những trận đấu, về văn hóa, con người và đặc biệt là tình yêu bóng đá của từng vùng miền. Và ấn tượng nhất với tôi vẫn là kỷ niệm về chuyến đi xuôi về miền Tây sông nước đến thủ phủ của vùng này: TP. Cần Thơ. Đó là những ngày tháng 10-2014, khoảng thời gian mảnh đất Tây đô đăng cai tổ chức Giải U21 Quốc tế-Báo Thanh Niên. Đây thật sự là một ngày hội với người dân thành phố bên bờ sông Hậu này cũng như các tỉnh lân cận. Đây cũng là lần đầu tiên họ được nhìn thấy bằng xương, bằng thịt lứa U19 tài năng của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…-những cầu thủ đã thắp lên tình yêu bóng đá tưởng chừng đã ngấm tắt bấy lâu.
Người dân Tây đô cảm thấy đó là một sự may mắn. Và họ càng may mắn hơn khi Sân vận động Cần Thơ có sức chứa lớn nhất Việt Nam. Để rồi, trận chung kết giữa U21 Hoàng Anh Gia Lai và U21 Thái Lan đã ghi nhận kỷ lục với 50.000 khán giả-con số vô tiền khoáng hậu của bóng đá Việt. Ở khắp ngõ ngách trong thành phố, từ quán nhậu đến quán cà phê, từ khách sạn đến những ngôi nhà nhỏ, đâu đâu cũng có thể thấy họ bàn về bóng đá. Đáp lại sự cuồng nhiệt đó, U21 Hoàng Anh Gia Lai đã thi đấu thăng hoa để giành chiếc Cúp vô địch của giải. Còn với tôi, mảnh đất, con người Tây đô sẽ là những mảnh ký ức khó phai trên hành trình tác nghiệp của nghề báo.
* Phóng viên HỒNG THƯƠNG: “Trưởng thành từ những chuyến tác nghiệp về vùng sâu vùng xa”
Sau hơn 3 năm làm báo, tôi đã có khá nhiều chuyến đi về cơ sở, mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những trải nghiệm thú vị về những vùng đất mới, con người mới. Đặc biệt, sự cởi mở, thân thiện của những con người nơi tôi đến đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi khai thác thông tin dễ dàng cho việc sáng tạo một tác phẩm báo chí. Tuy vậy, không phải chuyến đi nào với tôi cũng đều thuận lợi và suôn sẻ và chính điều đó để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên với nghề.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in về chuyến đi dự Hội thao quân dân các xã biên giới tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông vào cuối năm 2012. Và với tâm lý của một phóng viên mới vào nghề là thích được tự mình khám phá những vùng đất mới nên thay vì đi xe cùng đoàn, tôi quyết định một mình chạy xe máy vào xã Ia Mơr. 4 giờ sáng, tôi bắt đầu hành quân từ Pleiku, chẳng ngờ đi được nửa đường thì xe đột nhiên trở chứng, hết thủng xăm lại bị đứt tay ga. Đến được Ia Mơr khi đã thấm mệt nhưng nhìn thấy cảnh tượng quân và dân các xã đang hăng say thi đấu mà mọi mệt nhọc trong tôi dần tiêu tan và bắt tay ngay vào công việc. Sau chuyến đi ấy, tôi lại tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi khác, cũng vẫn với chiếc xe máy cũ mèm, tôi cũng gặp phải khá nhiều trở ngại nhưng không vì thế mà những chuyến đi của tôi không có kết quả. Và, những chuyến đi về làng, về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh luôn đem lại cho tôi những tác phẩm báo chí ưng ý.
Tuệ Nguyện (thực hiện)