(GLO)- Những nơi mới tới lần đầu bao giờ cũng mang lại cho ta nhận thức và cảm xúc mới mẻ. Nhưng lại có những nơi mà hàng trăm ngàn lần đã đến vẫn giữ nguyên tình cảm tinh khôi mới mẻ ban đầu. Làng ma (plei Atâu) của người Jrai, Bahnar là trường hợp như thế.
Người Jrai, Bahnar quan niệm thế giới có 3 tầng: Giàng (yang) người và ma (atâu)-người chết biến thành ma. Nhưng từ khi nằm xuống tới lúc bỏ mả (pơ thi) để về cõi vĩnh hằng thì ma vẫn có cuộc sống như người trần với tâm linh và các nhu cầu trần thế tương tự. Vì vậy nghĩa địa là một bộ phận của làng, thường nằm ở phía tây của làng, hướng của cõi măng lung (ma).
Ảnh: Văn Phê |
Người Jrai, Bahnar chia tay với người chết bằng hình thức địa táng. Tháng đầu, ngày nào người thân cũng mang cơm nước ra mộ. Vài tháng sau, khi xong một lễ nhỏ mà tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà sự chăm sóc này có thể thưa thớt hơn. Ngoài việc ăn uống quanh khu mộ cần phải bàn về vệ sinh nhưng “cảnh quan môi trường” nơi đây rất đáng để cho các tộc người khác học tập. Ở các nghĩa địa truyền thống (để phân biệt với hiện tại) nhà mồ có chiều cao, kích thước, diện tích mặt bằng tương đối đều nhau, trang trí cùng một mô típ với của cải chia cho người đã khuất bên trong hàng rào và các tượng mồ, như: người ôm mặt, mẹ bồng con, hoạt động tính giao nam nữ, khỉ, chim, chó... ngoài hàng rào nhà mả. Nhà mả được xây dựng bằng 2 vật liệu chính là gỗ phía dưới và tranh lợp mái.
Làng ma thường nằm trên khu đất bằng phẳng hoặc trên một triền đồi thoai thoải dưới bóng những cây rừng tỏa cành lá sum suê có quanh năm trong lành gió hát và thi thoảng là tiếng chim rừng xanh như ngọc rót thương nhớ vào hoàng hôn thời gian bất tận. Làng ma chỉ trở nên hoang tàn khi khu đó đã bỏ mả hoàn toàn. Khi đó con người giao lại cho tự nhiên. Cỏ dại, dây leo mọc lên, rắn rết bò ra... Những mái tranh xô lệch, khụy xuống như người đeo gùi nặng vượt dốc hết hơi. Hoặc gần tới tận cùng của sự hủy diệt, tàn phá là lơ thơ dăm ba viên đá mồ côi và vài cột klao như những dấu “phảy” run rẩy của người già say rượu phết vào hoàng hôn chập choạng bầm màu máu bò.
Và theo lẽ tự nhiên, con người lại lập những làng ma mới!
Trên dưới vài chục năm trở lại đây, cùng với sự thay đổi theo hướng tích cực, hướng đi lên của đời sống xã hội, với tất cả tinh hoa và cặn bã của nó, làng ma cũng khoác lên mình tấm áo mới. Vẫn nghiêm ngắn, sạch sẽ, linh thiêng trầm mặc nhưng giờ đây xen vào là những ngôi mộ xây bằng đá granite, gạch men, có chân dung người chết và các câu đối chữ Hán hai bên; có logo tôn giáo hình chữ “vạn”, chữ “thập”, ngôi sao và trăng lưỡi liềm... Rồi cặp chó hoặc sư tử gạch men mô đen Tàu đứng ngồi quanh mộ. Rồi tượng lính ta, lính Tây vác súng, cán bộ cắp sổ đi họp, máy bay, xe tăng, đại bác đủ màu... sặc sỡ như một mùa ra trận theo tuyên truyền đại chúng. Tôi đi 2 ngày 2 đêm qua các làng ma ở phía đông nam của tỉnh: Ia Rsươm, Chư Gu, Ia Mláh, Đất Bằng, Ia Rtô, Ia Sao, Ia Rbol... chỉ gặp được một người đàn bà ôm mặt khóc, một con khỉ và một con chim báo ân theo truyện cổ tượng mồ kích thước nhỏ nhoi, khiêm tốn. Những tượng gỗ như những người thân lâu ngày hầu như đã biến mất vì thị hiếu thẩm mỹ như món nộm nuốt vội vàng, sống sít và làm gì còn rừng còn gỗ mà tạc tượng. Một nỗi niềm như là nuối tiếc, như là xót xa, thương nhớ dâng lên.
Mùa mưa ở các huyện phía đông nam tới chậm. Những cơn mưa còn dùng dằng chia tay với biển mãi tận cuối chân trời. Chỉ vần vũ phía ấy lưa thưa mấy đám mây đen như lời hứa muộn của một kẻ ham chơi bất tín. Nắng vẫn hung hăng đổ lửa xuống các thung lũng lòng chảo. Chúng tôi bước vào làng ma ở Buôn Đê trong hành trình cuối của đợt “phượt”. Đây là làng ma “tân cổ giao duyên”. Vẫn những nhà mồ cũ xen lẫn những công trình mới khang trang hiện đại có cả ti vi cho người chết. Vẫn những đường nhỏ ngay hàng thẳng lối. Hoang hoải mùi rượu ghè, mùi khói đốt thịt, mùi mồ hôi, mùi khói thuốc... xen lẫn rậm rịch bước chân vòng xoang của lễ pơ thi mấy hôm trước còn quyện đâu đó trong cảnh vật.Vẫn rì rầm tiếng người cõi atâu về công việc trần gian: chọn rẫy, làm nhà, dựng chồng gả vợ, sinh con đẻ cái, mừng lúa mới, làm nhà rông, bỏ mả...
Lạ thay, tự nhiên không khí nơi đây mát lành tựa như vừa được uống dòng nước ngọt trong bầu của cô gái làng Tong Tuc đưa cho trong cơn cháy khát. Tôi dựa lưng vào một gốc cây cổ tích thế kỷ nào-gốc cây mà người mẹ chết, người mẹ hóa thân cho đứa con được sống, thanh thản và tin tưởng như sau khi vượt muôn dặm đường xa trở về dựa cột nhà cha mẹ mình yêu dấu-căn nhà cọ ba gian lượp tượp vùng bờ bãi sông Hồng-Lâm Thao-Phú Thọ. Trong nhóm người tốt đẹp và cả tin đồng hành, tôi đồ rằng chỉ riêng mình nhìn thấy một sợi dây như tua khố kơ tếc muôn màu nối niềm thương nhớ khôn nguôi của những làng người trần gian với những làng ma mà ở khía cạnh văn hóa, họ là những hình thức tồn tại khác nhau của vật chất nhưng đều bất tử như nhau.
Chử Anh Đào