Nhớ cái Tết cuối cùng trên chiến địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, tôi lại bồi hồi nhớ về những gì đã diễn ra trong và sau Tết Ất Mão 1975 ở Tây Nguyên. Đó là cái Tết cuối cùng trong chiến tranh mà tôi được chứng kiến.

 

Cuối tháng 12-1974, sau đợt sinh hoạt quán triệt chủ trương của Trung ương về quyết tâm chiến lược trong năm 1975, chúng tôi được cấp trên tổ chức cho ăn Tết, mặc dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Ất Mão. Việc ăn Tết trước để nhận nhiệm vụ mới là chủ đề bàn luận sôi nổi của cánh lính trẻ chúng tôi. Nhưng đánh vào đâu, quy mô và thời gian nào thì chúng tôi không sao đoán định được. Cuộc bàn luận đang ở hồi cao trào thì cậu Nghiệp, được mệnh danh là “tham mưu của khẩu đội” cất tiếng: “Đánh vào đâu, đánh từ hướng nào là việc của cấp trên, ta chỉ cần biết chắc chắn mùa xuân này sẽ đánh to để chuẩn bị tinh thần là được rồi. Việc của chúng ta bây giờ là bàn xem làm món gì để ăn Tết cho sướng cái đã!”.

Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH
Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH



Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), trên đường 19, địch còn chiếm giữ từ đồn Tầm vào phía Thanh An, còn lại là vùng giải phóng rộng lớn ở phía Tây do ta kiểm soát. Để chủ động đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng, cấp trên bố trí lại vị trí các đơn vị. Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7 mm (Sư đoàn 320) chúng tôi được về đứng chân ở gần làng Do, cách ngã ba Đức Nghiệp-nơi trao trả tù binh giữa ta và địch (nay là chợ Đức Cơ) 4 km về phía Bắc. Khu vực này rừng khá rậm rạp, có suối nước chảy quanh năm, rất thuận lợi cho việc trú quân. Đây là hậu cứ để sau mỗi đợt chiến đấu, đơn vị lại về học tập, huấn luyện và tăng gia cải thiện đời sống. Mới 2 mùa rẫy, vừa chiến đấu vừa tăng gia sản xuất, Đại đội đã có số thóc dự trữ hơn 10 tấn, còn đậu, heo, gà cũng kha khá. Vì thế, chúng tôi ăn Tết khá thịnh soạn, có bánh chưng, giò mỡ, thịt gà, giá đậu… đều là những thứ tự làm ra. Đây là Tết thứ tư ở chiến trường Tây Nguyên và là cái Tết đầy đủ nhất của chúng tôi.

Sáng 5-1-1975, đơn vị tập hợp làm lễ xuất quân. Chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi phải rời bỏ những mái nhà thân thương, những hàng cây, lối đi, cây cầu, dòng suối… một thời gắn bó. Gần 3 năm sát cánh cùng nhân dân Gia Lai đánh địch, chúng tôi đã thông thuộc từng con đường, buôn làng, dòng suốt một dải ở phía Tây Nam từ Chư Nghé đến cực Nam huyện 5, được Đảng bộ, chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương chở che, nuôi dưỡng. Vì thế, khi chuẩn bị ra khỏi đất Gia Lai, mỗi chúng tôi đều bùi ngùi nhớ lại những tình cảm ưu ái, sự thương yêu đùm bọc và tình đoàn kết chiến đấu, chia sẻ ngọt bùi mà địa phương đã dành cho mình.

Đường hành quân xuyên qua những cánh rừng đại ngàn, có đoạn đi theo đường Hồ Chí Minh. Trên đường hành quân, gặp những đoàn xe chạy giữa ban ngày cuốn bụi mù mịt chở lương thực, vũ khí và bộ đội vào phía trong, mỗi chúng tôi lại rộn lên niềm tin chiến thắng. Sau gần 1 tuần liên tục ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi đã đến vị trí tập kết. Hành quân vượt hàng trăm cây số, tưởng sẽ được tham gia đánh lớn, nào ngờ về đây chúng tôi được lệnh đi làm đường. Đơn vị tổ chức mở từng đoạn đường đã được công binh xác định. Con đường chúng tôi mở mỗi ngày một dài, đường nọ nối với đường kia, có chỗ vươn ra sát đường 14. Chúng tôi đâu có ngờ mình được tham gia xây dựng trận đồ bát quái xuyên rừng rậm, bảo đảm cho xe tăng, pháo binh ta bí mật, bất ngờ tiến công thắng lợi vào thị xã Buôn Ma Thuột sau này.

 

 Minh họa: HƯƠNG THẢO
Minh họa: HƯƠNG THẢO


Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường chiến dịch, giữa tháng 2-1975, đơn vị rút về phía sau để ổn định tổ chức và chuẩn bị đón Tết Ất Mão. Chúng tôi được cấp trên tổ chức cho ăn Tết, mỗi người được 1 chiếc bánh chưng, 3 lạng thịt. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng mỗi chiến sĩ ngoài mặt trận 1 bao thuốc lá Điện Biên, 2 chiếc kẹo Hải Hà. Thịt và bánh chưng được đơn vị chia làm 2 bữa, chiều 30 và trưa mùng 1, còn kẹo và thuốc lá để đón Giao thừa. Bữa cơm chiều 30 Tết nhanh chóng kết thúc. Đề phòng địch tập kích phi pháo, đơn vị tổ chức đón Giao thừa ở từng khẩu đội. Trong căn lán nửa nổi nửa chìm, chúng tôi thu xếp đồ đạc rồi bày kẹo, thuốc lá ra giữa sạp. Dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu tự tạo, hơn chục anh em ngồi xếp vòng quanh vừa ăn kẹo, hút thuốc lá, vừa kể chuyện Tết quê mình cho nhau nghe. Chúng tôi không ai nghĩ rằng đây là cái Tết cuối cùng của chiến tranh. Bởi mặc dù quân Mỹ đã rút, nhưng toàn bộ vũ khí trang bị còn để lại cho quân đội Sài Gòn nên cuộc chiến vẫn vô cùng ác liệt. Riêng ở Tây Nguyên lúc đó, địch vẫn rất mạnh, bố trí phòng thủ dày đặc, nhất là xung quanh các thị xã, quận lỵ, trên các trục đường giao thông huyết mạch với hệ thống lô cốt, hầm hào công sự vững chắc. Đặc biệt, chúng có ưu thế về không quân và pháo binh, bộ đội ta chỉ sơ ý để lộ nơi giấu quân hoặc trên đường hành quân là sẽ bị máy bay trinh sát địch luôn vè vè trên cao phát hiện chỉ điểm và chỉ vài phút sau sẽ bị bom pháo địch dội xuống. Và với cương vị lính tráng như chúng tôi thì làm sao biết được những dự định chiến lược của Trung ương. Vì vậy, trước mắt chúng tôi vẫn là một cuộc chiến cam go đầy thử thách, không thể nói trước được điều gì.

Sau Tết, chúng tôi tiếp tục huấn luyện bổ sung cho đến chiều 26-2-1975 (tức 16 tháng Giêng) thì đơn vị làm lễ xuất quân với nhiệm vụ lúc đầu là phối thuộc với Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 đánh cắt đường 14 đoạn Chư Léo, cách Buôn Hồ 20 km về phía Bắc. Và liên tục những ngày sau đó, chúng tôi cứ đêm cơ động, ngày giấu quân bí mật trong những cánh rừng dọc hai bên đường 14 phía Nam Thuần Mẫn làm nhiệm vụ nghi binh, rồi bất ngờ quay lại đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ vào sáng 8-3, cắt đứt đường 14, tạo điều kiện cho đơn vị bạn 2 ngày sau tấn công làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Mấy ngày sau đó, chúng tôi hành quân thần tốc bằng cả cơ giới và chạy bộ, có mặt ở thung lũng Cheo Reo vào rạng sáng 18-3, kịp thời cùng Sư đoàn chặn đánh, truy kích, tiêu diệt tập đoàn ngụy rút chạy khỏi Tây Nguyên trên đường số 7, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

 

 HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.