Nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách dư nguồn,đem gửi tiết kiệm lấy lãi ​

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 13-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”. 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp
 Trình bày báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH nhấn mạnh, qua giám sát và căn cứ vào báo cáo của Chính phủ, Đoàn giám sát nhận thấy, khái niệm “quỹ tài chính ngoài ngân sách” hiện chưa được quy định rõ, chưa giúp xác định cơ quan có thẩm quyền nào được thành lập quỹ, nên dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Việc thống kê số lượng quỹ khác nhau ở cả Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là ở các địa phương, thậm chí một số quỹ tài chính có tính chất tương đương, song chưa được các cơ quan chức năng coi là quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Đánh giá tổng quát, Đoàn giám sát cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, các quỹ tài chính ngoài ngân sách đã giúp tập trung được nguồn lực để giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong quá trình quản lý của Trung ương, địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn nhiều bất cập, một số quỹ không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ, thậm chí khó đánh giá được hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội
Đáng lưu ý, đối với các quỹ do Trung ương quản lý, kế hoạch năm 2019, tổng số thu của các quỹ là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng. Ở địa phương, tổng hợp số liệu của 41 địa phương cũng cho thấy, tổng số dư các quỹ tài chính nhà nước của địa phương hàng năm dư nguồn lớn, đem gửi tiết kiệm để lấy lãi và như vậy là trái với mục tiêu, quy chế quản lý quỹ.
Ghi nhận Đoàn giám sát đã làm việc rất nghiêm túc, báo cáo giám sát có địa chỉ rõ ràng, đánh giá và kiến nghị thẳng thắn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, những thắc mắc về việc có bao nhiêu quỹ, vì sao cứ mỗi luật lại sinh ra một quỹ, ĐBQH đã nói nhiều từ những kỳ họp trước.
“Kết quả giám sát cho thấy Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 có định nghĩa về quỹ ngoài ngân sách, nhấn mạnh tính “độc lập với NSNN”, nhưng các vấn đề khác thì rất chung chung; không rõ thẩm quyền, phương thức quản lý. Vẫn còn thiếu hành lang pháp lý về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước”, người đứng đầu Uỷ ban Tư pháp nói.
Nhiều thành viên UBTVQH chia sẻ quan điểm này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Cơ sở pháp lý thành lập các quỹ là rất khác nhau, có quỹ được thành lập theo Luật, có quỹ được thành lập chỉ bằng thông tư, thậm chí quy chế của một hiệp hội, liên hiệp hội. Cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động cũng rất khác nhau. Đoàn giám sát đã thống kê tới hơn 100 văn bản các loại cho phép thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ của quỹ”. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển công nhận, có rất nhiều loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác nhau đang tồn tại, "luật nào ra đời cũng có xu hướng "đẻ" ra một quỹ, chưa kể các văn bản dưới luật"
Anh Phương (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.