Nhiều mô hình du lịch trải nghiệm ở Gia Lai hút khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Gia Lai dần được hình thành, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đây là hướng đi bền vững khi phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch.
Trải nghiệm không gian xanh 
Với diện tích khoảng 1 ha trên đường Chu Mạnh Trinh (TP. Pleiku), nông trại Veta Farm được Hợp tác xã Nông nghiệp-Nghệ thuật và Dược liệu Gia Lai xây dựng thành mô hình nông trại giáo dục-Working Farm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Anh Phan Nguyên Cát-Phó Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: “Mô hình Working Farm hướng đến đối tượng là học sinh và những người yêu thiên nhiên. Khi đến nông trại, các em sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động, chương trình trải nghiệm thực tế, hòa mình vào không gian tươi xanh của nông trại và tìm hiểu các hoạt động trồng trọt, thu hoạch. Qua đó, giúp trẻ có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về các loại cây trồng, vật nuôi, thực phẩm. Mô hình còn hướng dẫn các em cách lựa chọn thực phẩm, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi tình yêu với lao động, thiên nhiên, luyện kỹ năng nói tiếng Anh qua từng chủ đề cụ thể”.
Xu hướng du lịch canh nông ngày càng có triển vọng phát triển. Ảnh: P.L
Xu hướng du lịch canh nông ngày càng có triển vọng phát triển. Ảnh: P.L
Hiện tại, Veta Farm đang có khu nhà kính trồng cà chua cherry, dưa leo Nhật, dâu tây, ao nhân giống và nuôi cá Koi cùng khu vườn rộng lớn với hơn 3.000 cây hoa hướng dương đang khoe sắc rực rỡ. Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho các em thiếu nhi, nông trại đã xây dựng hoạt động “một ngày làm nông dân nhí”, dịch vụ “mảnh vườn cho con” cho các gia đình cùng nhau trồng trọt. Thời gian vừa qua, vườn hoa hướng dương cũng như các khu nhà lồng trồng rau đã giúp Veta Farm thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Không chỉ ngắm nhìn, chụp hình, mọi người còn được tự tay thu hoạch hạt hướng dương, được tặng hạt đem về trồng rau mầm, ép dầu… Vừa qua, cơ sở dạy tiếng Anh Sophia English (đường Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đã đưa các em học sinh đến trải nghiệm một ngày làm nông dân tại đây. Các em đã rất háo hức khi được tự tay mình làm đất, trồng cây và thu hoạch rau quả. Chị Nguyễn Hồng Quý-giáo viên tiếng Anh tại cơ sở Sophia English-chia sẻ: “Chúng tôi đã đưa gần 100 em học sinh đến thăm Veta Farm. Hành trình trải nghiệm của các em luôn rộn rã tiếng cười. Buổi dã ngoại đã để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp cho các bạn nhỏ, giúp các em học hỏi thêm nhiều điều từ nông trại, yêu thích việc trồng trọt, biết bảo vệ môi trường”.
Hướng đi mới
Cũng vừa đưa mảnh vườn trồng dâu tây của gia đình tại làng Chăm Rông (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vào làm du lịch canh nông, chị Lê Thị Kim Loan khẳng định đây là hướng đi nhiều hứa hẹn. Bắt đúng thị hiếu của người dân khi thích tự tay thu hoạch, dịp Tết Nguyên đán chị Loan đã mở cửa đón khách đến tham quan và hái dâu. Trên diện tích khoảng 5.000 m2, các giống dâu tây Nhật, Pháp, Mỹ được gia đình chị Loan trồng thành từng luống, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt. Toàn bộ đều được canh tác theo hướng organic, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nên chất lượng sản phẩm rất đảm bảo.
 Các em nhỏ rất thích thú khi được tự tay hái dâu tại vườn của gia đình chị Lê Thị Kim Loan (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa). Ảnh: P.L
Các em nhỏ rất thích thú khi được tự tay hái dâu tại vườn của gia đình chị Lê Thị Kim Loan (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa). Ảnh: P.L
Chị Loan cho hay: “Tôi thấy khách đến Đà Lạt rất thích đi tham quan và hái dâu tại vườn. Bằng cách này, nhà vườn có thể thu hút du khách, quảng bá và bán được sản phẩm. Vì thế tôi bèn học hỏi để đưa mô hình này vào áp dụng ở khu vườn của mình. Bước đầu, mô hình đã nhận được sự ủng hộ tích cực. Nhiều gia đình thường đưa con cái đến đây để các bé trải nghiệm việc thu hoạch quả, khám phá thiên nhiên”. Tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2020, vườn dâu của gia đình chị Loan đã đón khoảng 200 lượt khách. Nhiều em nhỏ rất thích thú khi được tự tay hái những giỏ dâu chín rực, mọng nước đem về. Đưa 2 con đến vườn dâu để trải nghiệm, chị Đỗ Thị Mỹ Lan (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hy vọng những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng để các cháu nhỏ có thêm không gian tìm hiểu, khám phá, hòa mình cùng thiên nhiên, tránh xa các thiết bị điện tử”.
Cũng nắm bắt rất nhanh nhu cầu tham quan, chụp ảnh check-in của khách du lịch, năm nay ông Lê Văn Thiết (hẻm 227 Ngô Quyền, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) lần đầu thử nghiệm trồng hoa tam giác mạch-một loài hoa đặc trưng của Tây Bắc và khá hài lòng với sức hút của nó đối với du khách trong dịp Tết này. Ông Thiết cho hay: Trung bình mỗi ngày, vườn hoa tam giác mạch rộng chừng 1.000 m2 của gia đình đón hơn 50 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Ngoài ra, nhiều du khách còn bị hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hữu tình với ruộng lúa, ao cá, nương cà phê đang ra hoa trắng muốt..., những cảnh sắc khó tìm thấy ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Đến với khu vườn của ông Thiết, du khách còn có thể câu cá, lội ruộng, thu hoạch rau sạch và mua về chế biến. Ông Thiết cho biết, ông dự định sẽ thử nghiệm trồng thêm dâu tây và luân phiên các loài hoa, tạo không gian trong lành, tươi đẹp để mọi người đến thăm thú, trải nghiệm.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.