Cá nhét Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pô Cô không chỉ gắn liền với tên tuổi Anh hùng A Sanh mà dòng sông kỳ vĩ này còn giúp cho Gia Lai thêm nổi tiếng với món cá nhét hấp dẫn một thời. Hơn 20 năm trước, từ xã vùng biên giới Ia Kla lên Ia O, Ia Krai… hàng năm cá nhét vẫn ngược dòng bơi về.



Ông Rơ Chăm Dick, 74 tuổi, hiện ở làng Mook Đen 1 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) là một trong số ít người đã từng đánh bắt, chế biến cá nhét trên sông Pô Cô vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhờ một người quen liên hệ trước, sáng cuối năm, tôi đã có dịp trò chuyện cùng ông tại làng Mook Đen 1.

  Ông Rơ Chăm Dick bên ghềnh Ia Khoal, nơi bắt cá nhét năm xưa. Ảnh: T.P
Ông Rơ Chăm Dick bên ghềnh Ia Khoal, nơi bắt cá nhét năm xưa. Ảnh: T.P



Ông Dick kể: Hồi đó, vùng xã Ia Kla này (tức xã B10 thuộc huyện Chư Pah cũ, sau chia tách và thành lập thêm xã Ia Dom rồi nhập vào huyện mới Đức Cơ) rừng còn xanh lắm. Từ cột mốc biên giới về làng, hai bên đều là rừng già, đi trên đường, đầu không chịu nắng do đường hẹp, nhỏ mà cây lại mọc cao, khép tán. Thỉnh thoảng gặp con mang, cheo hay heo rừng chạy ngang qua đường là chuyện bình thường. Còn đoạn sông Pô Cô qua đây thì khỏi nói, lòng sông rộng đến non trăm thước, hai bên bờ cây cối mọc um tùm. Nào là hương, cẩm lai, le, nứa, lồ ô…, thêm mấy loại cây lấy lá nữa mà bây giờ người dưới phố hay gọi là “rau sạch” như lá sung, lá lộc vừng, lá mret. Dưới sông nhiều cá: cá sọc dưa, cá lăng, cá ong, cá tra dầu… Dòng sông lúc nào cũng đầy ắp nước; mùa lũ, có năm nước dâng lên tới tận cây kơ nia trên rẫy…

Nghe tôi nhắc chuyện về cá nhét, ông Dick trầm ngâm giây lát: Cá nhét hồi đó không phải ai trong làng cũng biết bắt đâu. Cả làng chỉ có khoảng 5-6 nhà làm thôi vì muốn đánh bắt nó phải chịu khó. Này nhé, trước hết phải chặt tre, nứa về đan, buộc chặt lại làm một cái sa lớn đặt dưới sông, chỗ gần ghềnh Ia Khoal nước sâu nên luồng cá hay qua lại. Sa ở đây làm kiểu giống như đăng nhưng không dùng lưới mà dùng những thanh cật tre, cật nứa vót nhẵn, dài bằng nhau, còn dài bao nhiêu thì tùy theo độ nông sâu của đoạn sông, sau đó đan kết lại khoảng 4-5 m, chỉ chừa khe nhỏ cho dòng nước chảy qua mà thôi. Đóng cọc rồi buộc chặt sa theo hình chữ V, chỗ đuôi đặt chiếc phun lớn (tiếng Jrai, như chiếc đó ở miền xuôi), đường kính chừng gần 1 m.

Cá nhét. Ảnh: internet
Cá nhét. Ảnh: internet



Ngày ấy, cứ vào tháng 2 Âm lịch hàng năm, cá nhét bụng mang đầy trứng lại từ phía hạ lưu bơi ngược dòng lên tìm chỗ đẻ. Mỗi đàn đông đến hàng vạn con, chúng bơi nhanh, gặp sa chặn lại, giành nhau chui vào chiếc phun đặt ở cuối sa. Mỗi ngày, một dàn sa bắt được khoảng vài chục gùi cá nhét. Cá nhét mùa này dài đến non tấc, mập, tròn căng, lên khỏi mặt nước tươi rói, lấp lánh ánh bạc. Cứ đầy phun lại trút cá lên bãi đá rồi xỏ dây lạt treo lên giàn phơi nắng. Giàn phơi được làm từ những cây dâu đất buộc chạc hai, chạc ba rồi nối nhau bằng các thanh nứa dài; những thứ này có ngay bên bờ sông, không phải đi đâu xa. Phơi như vậy chừng 3-4 nắng là có thể trút vào ống nứa, mỗi ống đựng không dưới 2-3 cân cá, gần đầy miệng ống thì dùng tro bếp trộn với nước khằn kín miệng lại. Vậy là chế biến xong!

Ông Dick mơ màng: Hồi ấy, bên bờ sông vui lắm. Thường mỗi mùa đánh bắt chỉ kéo dài khoảng trên dưới mười ngày nên người dân dựng lều ăn ở ngay tại chỗ. Đêm đốt lửa củi cho ấm và phân công người canh sa. Chuyện ăn uống cũng không phải lo. Chỉ mang gạo đi thôi, còn thức ăn thì đã sẵn. Lá mì, cà đắng trồng đầy trên rẫy gần đó. Cá nhét bắt lên ăn tại chỗ, nấu với lá cây mret mọc ngay bên mép nước, nêm thêm chút muối hột hoặc nướng trên lửa than. Con nào con nấy mập mạp, bụng đầy trứng căng tròn nên vị ngọt, béo, nướng lên thơm lừng.

Dù chỉ sơ chế nhưng thường mỗi ống cá nhét có thể để dành ăn rất lâu. Tôi vẫn còn nhớ, ngày mưa những năm ấy đi bộ công tác từ Pleiku lên huyện Ia Grai, ngang qua làng Blang thuộc xã Ia Dêr, tôi hay ghé vào nhà quen kiếm cơm ăn (đúng nghĩa). Bà con Jrai tuy thuở ấy cuộc sống còn rất khó khăn nhưng lòng mến khách thì luôn thừa. Bên bếp lửa ấm, nồi cơm gạo dẻo tỏa hương thơm lừng ăn với cá nhét chế biến đơn giản bằng cách rang trên trã đất rồi nêm thêm chút muối, bột ngọt, vậy mà bây giờ ngay cả các món cao lương mỹ vị cũng chào thua! Cá nhét trữ khô trong ống nứa như vẫn còn lưu giữ vị ngọt của loài cá sông đậm phù sa…

 Sông Pô Cô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai. Ảnh: PHƯƠNG LINH
Sông Pô Cô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai. Ảnh: PHƯƠNG LINH



Lại nhớ có những năm, cá nhét nhiều đến nỗi người dân ăn không hết phải gùi ra Pleiku bán. Các cửa hàng bán đồ sành sứ như: ghè, chum, vại, chậu… trên đường Trần Phú, Hai Bà Trưng vào mùa vẫn dựng la liệt những ống cá nhét bán thêm. Người mua là đồng bào Jrai, Bahnar các huyện phía Đông lên và cả bà con Xê Đăng, Giẻ Triêng từ Kon Tum xuống. Bây giờ thì cá nhét đã trở thành đặc sản đúng nghĩa bởi vài chục năm nay cá không còn ngược dòng lên sông Pô Cô nữa. Có lẽ do các đập thủy điện ngăn sông khiến chúng không thể vượt qua. Người nào lỡ nhớ hương vị cá nhét thì phải đặt hàng tận tỉnh Ratanakiri (Campuchia) đưa qua. Sang bên này, mỗi ống có giá đến xấp xỉ 500 ngàn đồng nên “chỉ lâu lâu thèm mới mua chớ đắt quá!-ông Dick lắc đầu nói.

Đã gần trưa, ông Dick lấy xe máy chở tôi xuống khu vực đánh bắt ngày xưa trên con đường trải bê tông xi măng, hai bên đường là những vườn điều, không phải con đường mòn và rừng già như mấy chục năm trước. Đoạn sông Pô Cô gần làng bây giờ ít nước. Đến bãi đá ven bờ, ông dừng lại và khoát tay: “Đây, chỗ này hồi xưa năm nào làng mình cũng xuống bắt cá nhét đó!”. Trước mắt tôi là một bãi đá rộng, rất thuận tiện cho việc dựng trại, sinh hoạt, làm và phơi cá. Chẳng còn thấy màu xanh của rừng nứa, lồ ô, lộc vừng mọc bên sông, may lắm sót lại một bụi cây mret. Vắng vẻ, tĩnh lặng. Tiếng nước chảy vượt ghềnh nghe hơi ầm ào, còn lại là tiếng gió vút qua khoảng không gian trống trải.

Bất chợt một câu hỏi thầm vang lên trong tôi: Chẳng biết đến bao giờ cá nhét mới lại về?

 

 THANH PHONG