Nhiều hướng đi cho học sinh hoàn thành lớp 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ mất 2 - 3 năm để có bằng trung cấp và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT, sau đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn, việc học nghề sau lớp 9 đang được xem là có rất nhiều lợi thế, trở thành một trong những lựa chọn phù hợp cho học sinh.

Chiều 14.5, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến "Những hướng đi cho học sinh (HS) sau khi hoàn thành lớp 9" với những thông tin hữu ích về chương trình học nghề 9+ tại các trường CĐ, trung cấp. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Học nghề được miễn học phí, rút ngắn thời gian

Có mặt tại chương trình, cô Huỳnh Thị Thu Tâm, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, nhận định trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều HS lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, không chỉ với HS không đậu lớp 10 công lập mà ngay cả với những HS khá giỏi. Lý do vì học nghề sớm có khá nhiều lợi thế.

Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin để phụ huynh, học sinh lựa chọn hướng đi sau khi kết thúc giai đoạn THCS. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Các chuyên gia đưa ra nhiều thông tin để phụ huynh, học sinh lựa chọn hướng đi sau khi kết thúc giai đoạn THCS. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ nhất là giảm thời gian so với lộ trình học tập "truyền thống" là học lên THPT rồi vào CĐ, ĐH. "Các bạn HS học tiếp THPT phải mất 6, 7 năm sau mới có bằng CĐ hay ĐH, trong khi rẽ sang học nghề các em chỉ cần 2 - 2 năm rưỡi là có bằng trung cấp hoặc sau 3 năm rưỡi là có bằng tốt nghiệp THPT và bằng CĐ, và có thể tham gia thị trường lao động hoặc học liên thông lên bậc học cao hơn".

Lợi thế thứ hai, theo thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, là khi học nghề bậc trung cấp, HS sẽ được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn học phí. "Theo quy định, nếu học trung cấp tại các trường CĐ, trung cấp công lập, HS sẽ không phải đóng học phí ngay từ đầu. Nếu học tại các trường tư thục, các em sẽ đóng học phí trước, sau đó cầm giấy xác nhận của trường về địa phương nhận lại học phí. Chẳng hạn tại Trường trung cấp Việt Giao, năm nay ngành quản trị khách sạn, bếp... các em sẽ được nhận lại 1,7 triệu đồng/tháng, năm sau là 2 triệu đồng/tháng, tương đương với mức mà các em đã đóng vào trường", thạc sĩ Phương cho hay.

Cô Ngô Thị Hồng Hoa, Phó phòng Đào tạo Trường trung cấp Tây Sài Gòn, cũng thông tin HS học nghề được miễn hoàn toàn học phí theo quy định của nhà nước. "Tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn, học phí khoảng 7 triệu đồng/học kỳ, tương đương 1,4 triệu đồng/tháng, các em không phải đóng khoản này hay bất cứ khoản chi phí nào khác", cô Hoa chia sẻ.

Học song song văn hóa và nghề

Theo thạc sĩ Trần Phương, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho HS tốt nghiệp THCS học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các em vừa học các môn văn hóa THPT được tinh giản phù hợp, vừa được học nghề với khối lượng kiến thức thực hành lên tới 70%, đảm bảo tốt nghiệp nếu có nhu cầu liên thông lên CĐ, ĐH là sẽ liên thông được ngay, hoặc nếu có nhu cầu tham gia thị trường lao động thì cũng làm việc được ngay.

"Bộ GD-ĐT có thông tư về việc dạy văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Hiện nay Trường trung cấp Việt Giao đang đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường lồng ghép học văn hóa với học chuyên ngành để các em cảm thấy việc học có hứng thú hơn, không bị áp lực", thạc sĩ Phương thông tin.

Tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn, các môn văn hóa cũng được đào tạo song song với các môn chuyên ngành của chương trình học nghề. Theo đó, buổi sáng, HS sẽ học chuyên ngành và buổi chiều học văn hóa để sau 2 năm là hoàn thành chương trình văn hóa và trung cấp.

Trong khi đó, cô Huỳnh Thị Thu Tâm cho biết hiện nay có hai hướng học văn hóa tại trường nghề. HS có thể chọn học 4 môn theo quy định để tốt nghiệp trung cấp, có bằng trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa; hoặc HS có thể chọn học 7 môn trong chương trình giáo dục thường xuyên để sau đó đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều ngành học đáp ứng thị trường lao động

Giải đáp thắc mắc của một phụ huynh về vấn đề ở độ tuổi 15, 16 thì ngành nghề nào phù hợp nhất? Nhu cầu việc làm của những ngành nghề này ra sao? Cô Huỳnh Thị Thu Tâm cho biết trong những năm gần đây, các ngành như quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, công nghệ ô tô, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn tại trường được rất nhiều HS lựa chọn, và những ngành học này đều phù hợp với HS sau THCS và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, cô Tâm cho rằng HS cần phải lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực, đam mê mới có thể theo đuổi lâu dài.

Học sinh ngành nhà hàng, khách sạn thực tập trong môi trường thực tế. Ảnh: MỸ QUYÊN

Học sinh ngành nhà hàng, khách sạn thực tập trong môi trường thực tế. Ảnh: MỸ QUYÊN

Chia sẻ thêm về vấn đề này, thạc sĩ Trần Phương nhận định các ngành học tại Trường trung cấp Việt Giao đều được xây dựng với tính ứng dụng cao để phù hợp với lứa tuổi 15 - 16, tốt nghiệp là HS có thể đi làm ngay, có thu nhập để tái đầu tư vào việc học lên CĐ, ĐH. "Những ngành như kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch và quản trị dịch vụ giải trí thể thao cũng được đào tạo xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và phù hợp với xu thế của thị trường. Chương trình học cũng được thiết kế tương thích và có tính liên thông với bậc học cao hơn", thạc sĩ Phương cho biết.

Phụ huynh Nguyễn Thanh Bình, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đặt câu hỏi: "Tôi thấy bậc ĐH có ngành đào tạo về tổ chức sự kiện, vậy trung cấp có ngành học nào tương tự hay không vì con định hướng sau khi tốt nghiệp THCS sẽ đi theo nghề này?".

Thạc sĩ Trần Phương cho hay trong 5 năm trở lại đây, ngành này tại trường rất thu hút, đào tạo cho người học kiến thức để vận dụng công nghệ trong lĩnh vực giải trí. Các em có thể tổ chức được rất nhiều sự kiện, hoạt động về thể thao, vui chơi giải trí...

Trong khi đó, một HS thắc mắc về cơ hội việc làm của ngành công nghệ ô tô. Cô Huỳnh Thị Thu Tâm cho hay sau khi tốt nghiệp THCS, các em đủ điều kiện đăng ký vào chương trình 9+ CĐ tại trường. Ngành công nghệ ô tô trường cam kết 100% có việc làm.

Tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn, theo cô Ngô Thị Hồng Hoa, các chương trình đào tạo khối sức khỏe đều được thiết kế phù hợp với lứa tuổi sau THCS như y học cổ truyền, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, dược liệu dược học cổ truyền, dược sĩ tây y. Tốt nghiệp, HS đều có thể làm việc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc, công ty dược phẩm... hoặc cũng có thể tự làm việc tại nhà nếu gia đình có nghề truyền thống về đông y.

Giúp học sinh gắn bó lâu dài với ngành học

Theo các chuyên gia, ở độ tuổi 15 - 16, HS chưa thể tự lựa chọn ngành nghề phù hợp cho mình. Chính vì thế, phụ huynh cần quan tâm sở thích, năng lực của con và mục tiêu trong tương lai để từ đó có định hướng, hỗ trợ, chứ không nên thay con quyết định việc chọn nghề.

"Có một khó khăn là độ tuổi này các em còn nhỏ nên nhiều em còn ham chơi, chưa xác định được rõ mục tiêu học tập, vì thế các trường luôn phải quan tâm sâu sát nhiều hơn để tạo hứng thú học tập cho HS, giúp các em gắn bó lâu dài với ngành học", cô Ngô Thị Hồng Hoa nhìn nhận.

Việc học cùng lúc chương trình văn hóa và chương trình nghề cũng là thử thách đối với HS. Thạc sĩ Trần Phương đánh giá: "Trong 2 - 3 năm học, các em phải vừa học văn hóa, vừa phải học nghề, bên cạnh đó trường còn phải rèn luyện thái độ (tính kỷ luật, đúng giờ, tuân thủ quy định) và các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp, nên các em cũng phải cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên nếu có kế hoạch học tập tốt và được thầy cô, trường hỗ trợ thì HS hoàn toàn có thể đạt được kết quả tốt".

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.