Nhiều doanh nghiệp vận tải cho xe... "đắp chiếu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thông tin từ Sở Giao thông-Vận tải, tới thời điểm này, đã có 10 đơn vị kinh doanh vận tải xin trả lại phù hiệu với 12 đầu phương tiện, chủ yếu là xe tải và xe đầu kéo. Ông Đoàn Hữu Dũng-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) nhận định: “Đây là năm đầu tiên xảy ra tình trạng này”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty TNHH một thành viên Vận tải Thảo Danh (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ) là một trong những doanh nghiệp vừa trả lại phù hiệu 2 xe đầu kéo 38 tấn. Ông Huỳnh Thiên Tú-Chủ doanh nghiệp than thở: “Công ty Thảo Danh chuyên kinh doanh vận tải với 25 xe tải, đầu kéo các loại. Thời gian qua, tình hình kinh doanh gặp nhiều trở ngại, hàng hóa không có nhưng doanh nghiệp cũng ráng duy trì để tạo việc làm cho các tài xế. Tuy nhiên tới giờ thì tình hình quá khó khăn, chúng tôi buộc phải trả phù hiệu 2 xe, thời gian nghỉ tạm thời là 6 tháng. Sắp tới chúng tôi sẽ trả thêm 2 xe nữa, chứ xe không có hàng chạy mà mỗi tháng phí đường bộ phải đóng cho mỗi xe là 1,4 triệu đồng, chưa kể các loại phí không chính thức khác, doanh nghiệp chịu không thấu”. Cùng cảnh ngộ, ông Lê Trọng Nhân-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lộc Lê Gia Lai (54 Quyết Tiến, TP. Pleiku) cho biết, doanh nghiệp cũng vừa trả phù hiệu 3 xe đầu kéo do không có hàng hóa.

Năm 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Do thời tiết hạn nặng gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp, nguồn hàng trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, những năm trước, cao su được giá, tình hình mua bán, trao đổi sôi động và liên tục, khác hẳn với sự ảm đạm như hiện nay. Thêm nữa, khi Lào chưa thực hiện đóng cửa rừng, hoạt động trao đổi các loại hàng hóa qua lại giữa hai bên rất tấp nập, nhưng từ đầu năm tới nay, các hoạt động này cũng đã dừng gần như hoàn toàn. Do vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh buộc phải cho xe của mình “đắp chiếu”.

Thông tư 133/2014/TT-BTC ngày 11-9-2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, tại điểm d Khoản 2 Điều 2 quy định: “Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên” không chịu phí sử dụng đường bộ. Khi tạm dừng lưu hành, doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Sở Giao thông-Vận tải nơi cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải và phải được Sở Giao thông-Vận tải ký xác nhận vào đơn xin tạm dừng lưu hành, đồng thời lập biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu. Nếu doanh nghiệp không trả phù hiệu thì vẫn phải tiếp tục đóng phí đường bộ.

“Vì tất cả những lý do đó mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Chính thức trả phù hiệu thì mới có 10 doanh nghiệp và 12 đầu phương tiện nhưng thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp dừng phương tiện. Họ không trả phù hiệu là bởi vẫn hy vọng vào các chuyến hàng nhỏ lẻ và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh. Từ nay đến cuối năm là vụ thu hoạch cà phê, mì..., nhưng có lẽ cũng không khá hơn bao nhiêu, nên có thể sẽ còn nhiều doanh nghiệp trả phù hiệu xe để không phải đóng phí đường bộ theo quy định”-ông Đoàn Hữu Dũng-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải đánh giá.

 Hà Duy
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.