Nhiều chi tiết sai về "Trường đua voi"ở Tây Nguyên trên sách giáo khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một phụ huynh tại xứ sở voi Đắk Lắk đã phản ánh, bài tập đọc Hội đua voi ở Tây Nguyên sách Tiếng Việt 3, tập hai (NXB Giáo dục Việt Nam, do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên), trang 60, có nhiều chi tiết sai sự thật.

Bài viết trong sách Tiếng Việt 3 có nhiều chi tiết sai về Trường đua voi. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Bài viết trong sách Tiếng Việt 3 có nhiều chi tiết sai về Trường đua voi. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Khi kiểm tra sách Tiếng Việt 3, tập hai, đọc của con phụ huynh kia, quả thật thấy họ đã phản ánh đúng. Đọc kỹ câu mở đầu bài tập đọc Hội đua voi ở Tây Nguyên: “Trường đua voi là một đường rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số”, tôi - người sống và làm báo hơn 40 năm ở Tây Nguyên đã thấy ít nhất ba điều không đúng thực tế.
Với cụm từ “Trường đua voi...” người đọc sẽ hiểu: Việc tổ chức đua voi có “Trường đua” hẳn hoi. Trong thực tế, nơi tổ chức đua voi ở Tây Nguyên thay đổi ở nhiều nơi, tùy theo từng kỳ đua. Nơi nào có bãi đất trống, tương đối rộng, thuận lợi cho tổ chức, điều hành và cho người dân, du khách theo dõi thì được chọn làm nơi đua. Như các hội đua voi ở Bản Đôn, Đắk Lắk từng tổ chức tại đường băng Sân bay Bản Đôn, tổ chức trong Khu du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn, tổ chức cạnh Nhà văn hóa cộng đồng Bản Đôn, tổ chức tại khu đất trống gần mộ Ama Kông...
Nơi đua voi cũng chẳng phải là một đường rộng phẳng lì mà là bãi đất trống, có thể là đất sản xuất nông nghiệp, sau khi thu hoạch sản phẩm, ban tổ chức cho san ủi tương đối bằng phẳng. Còn nói phẳng lì, tức là “phẳng và nhẵn lì” (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2000) là không đúng.
Độ dài đường đua voi cũng không phải dài hơn năm cây số. Gần 40 năm ở Đắk Lắk, tôi từng đi xem cả chục cuộc đua voi ở Bản Đôn (nơi duy nhất ở Tây Nguyên tổ chức đua voi) thì lần có đường đua dài nhất (tổ chức ở Sân bay Bản Đôn) cũng chưa tới 500m, các cuộc đua khác chỉ 150m - 300m. Một số nài voi (quản voi) ở Bản Đôn cho biết: Nếu đường đua dài hơn năm cây số voi sẽ không đủ sức chạy, chỉ đi bộ, không thể phóng như bay như trong bài tập đọc; nếu đánh đập, ép nó chạy, nó sẽ tức giận, rồi phá bĩnh, thậm chí chống lại nài...
Đối với người Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì những chi tiết trong sách giáo khoa là không chính xác, không đúng với thực tế, cần phải sửa chữa. Trẻ em phải được học những điều đúng đắn, chuẩn mực nhất. Vậy mà cuốn sách này đã tái bản tới 16 lần. 16 thế hệ con em chúng ta đã được học những điều không đúng như thế! Tai hại thay!
ĐẶNG BÁ TIẾN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm