Nhà sàn Tây Bắc trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện diện trên xứ cao nguyên bazan lộng gió này là những nếp nhà Tây Bắc như nàng thiếu nữ thẹn thùng, e ấp sau tàng cây xanh. Không sừng sững vươn mình chiếm giữ bầu trời như những mái nhà rông huyền thoại, không ấp ủ vẻ hoang sơ, mộc mạc như mái lá nhà sàn người Jrai, Bahnar… những ngôi nhà sàn người Tày, người Mường được đem đến từ vùng cao Tây Bắc lại ẩn chứa bao điều hấp dẫn.

Nhà sàn của người Mường

Người Mường bao đời nay vẫn nổi tiếng là tộc người có chiều sâu văn hóa. Từ cái ăn, cái mặc, ngôi nhà, kiến thiết ruộng nương… họ đều cho thấy những khả năng tư duy khoa học; phong tục của họ ngoài giá trị nhân văn còn mang đậm dấu ấn đời sống sinh hoạt cộng đồng, quy củ và nền nếp, thứ bậc rõ ràng.
 

Nét đẹp Tây Bắc trên miền biên giới. Ảnh: Lê Hòa
Nét đẹp Tây Bắc trên miền biên giới. Ảnh: Lê Hòa

Nhà sàn của người Mường thường nổi bật bởi sự cầu kỳ, bề thế. Ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, có hàng trăm ngôi nhà sàn như vậy. Những con người xa xứ khi quần tụ về đây đã không quên đem theo lối kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc mình, dù điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất ít nhiều đổi khác so với vùng quê gốc.

Ở vùng Ia Lâu, nhắc đến nhà đẹp, bài bản và đúng kiểu người Mường phải kể đến nhà sàn của gia đình ông Đinh Quốc Toàn ở thôn 8. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà dường như chưa phô vẽ sự bề thế và sắc vóc của một ngôi nhà xứng đáng liệt vào hạng “đình đám” miền sơn cước này. Tuy nhiên, chỉ cần đặt chân lên bậc cầu thang, qua khỏi 9 bậc, chúng ta sẽ ngạc nhiên trước kiến trúc hoành tráng và cầu kỳ của ngôi nhà.

Chủ nhân ngôi nhà kể lại rằng: Vào năm 2003, khi ngôi nhà vừa mới hoàn thiện xong chưa bao lâu, cánh đại gia ở Hà Nội đã “đánh hơi” thấy và suốt ngày tìm đến gạ gẫm, vặt nài ông bán cho bằng được. Mức giá họ đưa ra cho riêng bộ khung ngôi nhà khi ấy lên đến 450 triệu đồng. Ấy thế nhưng ông nhất quyết không bán. “Cột nhà làm toàn bằng gỗ quý, được chạm trổ cầu kỳ, công phu. Tôi đã phải ra tận Hòa Bình thuê thợ vào làm mới ra được ngôi nhà ấy”-ông Toàn kể.
 

Bậc thang nhà của người Mường. Ảnh: Lê Hòa
Bậc thang nhà của người Mường. Ảnh: Lê Hòa

Để có gỗ dựng lên ngôi nhà, ông phải nhờ anh em họ hàng bỏ công lên rừng, lặn lội hàng tháng trời, tìm cho được những cây gỗ quý. Người Mường coi trọng thần linh và rừng núi là chốn thiêng, vậy nên cây gỗ chọn làm nhà đa phần là những cây đã chết, vừa bền chắc, vừa không xâm phạm đến chốn linh thiêng. “Với người Mường chúng tôi, chỉ cần nhìn vào ngôi nhà là có thể biết được vị thế của gia đình ấy. Người giàu nhà to, có thể là nhà “2 gian, 3 chái”, nhà nghèo thì “1 gian, 2 chái”… -ông Toàn cho biết.

Với người Mường, việc dựng nhà phải chọn phong thủy phù hợp. “Thế đẹp phải là tựa lưng vào đồi núi, mặt trước ngôi nhà phải nhìn ra sông suối…”-ông Toàn chia sẻ. Hơn thế nữa, cách bố trí sắp xếp các gian nhà dành cho thành viên trong gia đình phải theo quy củ. Theo đó, bàn thờ tổ tiên phải được đặt trang trọng ở gian giữa. Hai gian bên cạnh dành cho con cái. Khi con cái lập gia đình, có vợ có chồng phải lui ra ở gian ngoài, xa nơi thờ tự. Khách khứa đến chơi nếu muốn ở lại qua đêm, gia chủ phải sắp xếp ở vị trí xa nơi thờ tự nhất…
 

 Đại gia Hà Nội đã đưa ra mức giá 450 triệu đồng từ thời điểm năm 2003 cho bộ khung ngôi nhà của gia đình ông Toàn. Ảnh: Lê Hòa
Đại gia Hà Nội đã đưa ra mức giá 450 triệu đồng từ thời điểm năm 2003 cho bộ khung ngôi nhà của gia đình ông Toàn. Ảnh: Lê Hòa

Độc đáo kiến trúc nhà người Tày

Nếu như kiến trúc nhà của người Mường hướng đến sự uy nghi, quyền thế thì kiến trúc nhà của người Tày lại gần gũi. Không gian sinh hoạt cũng có sự phân biệt ngôi thứ rõ ràng, đặc biệt là phân biệt nam-nữ.

Làm nhà là một việc hệ trọng, người thợ được mọi người kính nể. “Từ khi còn trẻ, tôi đã mày mò học cách làm nhà để sau này khỏi mất công nhờ vả người ta”-ông Ma Văn Tiến, chủ nhân ngôi nhà sàn đẹp bậc nhất vùng đất Ia Lâu tâm sự. “Phải mất 5 tháng trời ròng rã chúng tôi mới dựng xong ngôi nhà. Lúc ấy mừng lắm! Ở quê chả biết bao giờ mới có được ngôi nhà như thế”-ông Tiến khoe.

Nói về ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc mình, ông Tiến cho biết: Nhà sàn của người Tày được chia thành hai bậc: bậc cao hơn là nơi trà nước, nghỉ ngơi hay làm “mâm trên” mỗi khi có giỗ chạp; bậc sàn thấp hơn là nơi dành cho phụ nữ. Trong nhà, vị trí trang trọng và thiêng liêng nhất cũng chính là nơi thờ tự. Cầu thang được bố trí ở phía bên phải ngôi nhà, từ cầu thang sẽ dẫn lên cửa chính. Cửa nhà của người Tày thường được bố trí thấp, để khi bước qua cửa vào ngôi nhà, mọi người đều phải cúi xuống. Đó cũng là động tác cúi chào tổ tiên gia chủ, thể hiện sự tôn kính của khách đối với tổ tiên gia đình chủ nhà. Đặc biệt, người Tày kiêng kỵ việc khách khứa ngồi hay nghỉ ngơi gần nơi thờ tự.
 

Những nếp nhà Tây Bắc mang đến nét thú vị cho cảnh sắc vùng biên giới Chư Prông. Ảnh: Lê Hòa
Những nếp nhà Tây Bắc mang đến nét thú vị cho cảnh sắc vùng biên giới Chư Prông. Ảnh: Lê Hòa

Khí hậu Tây Nguyên khác biệt so với vùng Tây Bắc. Do đó, những ngôi nhà sàn của người dân cũng được biến tấu, đơn giản hóa một số chi tiết không cần thiết.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.