Nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch bị truy tố vì để mất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định truy tố 2 bị can nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Púch (huyện Chư Prông) gồm: Nguyễn Thị Hương (SN 1959, trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku) và Phan Quốc Huy (SN 1987, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Trần Quang Trung-nhân viên Ban QLRPH Ia Mơr (huyện Chư Prông) cũng bị truy tố cùng tội danh. Hiện 3 bị can đều được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo hồ sơ, thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, trong 2 năm (2010-2011), UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất của Ban QLRPH Ia Púch quản lý và giao cho Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) thuê để trồng cao su. Trong quá trình thực hiện các dự án, từ năm 2010 đến 2012, dưới sự chỉ đạo của Trần Văn Khanh-Giám đốc và Dương Công Tư-Trợ lý Phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Bình Dương đã khai thác vượt phạm vi cho phép, hủy hoại hơn 631,1 ha đất rừng, trong đó có hơn 621 ha rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban QLRPH Ia Púch và UBND xã Ia Me; 9,97 ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban QLRPH Ia Mơr. 
Hội đồng định giá tài sản đã xác định tổng giá trị thiệt hại đối với hơn 631,1 ha rừng là hơn 19,9 tỷ đồng. Với hành vi này, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Khanh 6 năm tù, Tư 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Đồng thời, Cơ quan Điều tra Hình sự Binh đoàn 15 đã chuyển hồ sơ vụ án đến Công an tỉnh để điều tra xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc 2 Ban QLRPH Ia Púch, Ia Mơr. 
Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) đã hủy hoại hơn 631 ha rừng ở huyện Chư Prông. Ảnh: Văn Ngọc
Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) đã hủy hoại hơn 631 ha rừng ở huyện Chư Prông. Ảnh: Văn Ngọc
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai xác định: Hương, Huy và Trung đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Công ty Bình Dương hủy hoại rừng. Cụ thể, Hương đã không tiến hành kiểm tra, giám sát việc khai hoang của doanh nghiệp; không phân công, tổ chức lực lượng kiểm tra. Sau đó, Hương ban hành văn bản phân công các tổ kiểm tra, giám sát hoạt động khai hoang, khai thác tận dụng lâm sản đối với dự án theo quyết định của UBND tỉnh nhưng không triển khai chi tiết, đầy đủ đến tất cả cán bộ, nhân viên của Ban QLRPH Ia Púch; không trang bị cho nhân viên bản đồ các dự án, máy định vị GPS; không bàn giao vị trí, mốc ranh giới cho nhân viên quản lý bảo vệ rừng.
Trong khi đó, Huy vừa là thành viên Ban Chỉ đạo việc giám sát khai hoang tận thu lâm sản, vừa là Tổ trưởng tổ giám sát khai thác tận thu lâm sản, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng phụ trách tiểu khu 935, 936 và phụ trách chung về công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn Công ty Bình Dương thực hiện dự án tại tiểu khu 925, 932. Tuy nhiên, Huy không thường xuyên tiến hành kiểm tra hoặc kiểm tra không hết các vùng dự án được giao; không triển khai văn bản phân công đầy đủ đến các thành viên trong tổ; không bàn giao vị trí, mốc ranh giới cho các nhân viên được phân công giám sát để những người này thực hiện nhiệm vụ. Khi nhận được báo cáo tình hình quản lý bảo vệ rừng, Huy không kiểm tra những gì nhân viên báo cáo có đúng sự thật không. Những lần tham gia kiểm tra cùng lực lượng nhân viên quản lý bảo vệ rừng trong tổ thì Huy chỉ đi kiểm tra xác suất một số vị trí dẫn đến Công ty Bình Dương xâm lấn, hủy hoại rừng.
Riêng Trần Quang Trung có trách nhiệm tuần tra, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến rừng tại tiểu khu 981 lâm phần Ban QLRPH Ia Mơr nhưng lại không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao mà chỉ giám sát doanh nghiệp khai thác tận thu lâm sản tại các dự án dẫn đến không phát hiện Công ty Bình Dương hủy hoại 9,97 ha rừng. 
Theo Kết luận số 11/KL-TTr ngày 10-9-2019 của Thanh tra tỉnh: Thời điểm năm 2013-2018, Ban QLRPH Ia Púch tiếp tục để mất 1.228,63 ha rừng; trong đó, dân phá, lấn chiếm làm rẫy 868,77 ha; một số doanh nghiệp chặt phá, lấn chiếm 359,86 ha. Tuy nhiên, Ban QLRPH Ia Púch chỉ lập biên bản vi phạm và báo cáo với cơ quan thẩm quyền 62,29 ha, còn lại 1.166,34 ha Ban Quản lý không phát hiện, báo cáo. Thanh tra tỉnh đã chuyển vụ việc sang Cơ quan Điều tra Công an tỉnh để điều tra làm rõ trong 1 vụ án khác.
GIA AN
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.