Nguy cơ hỏa hoạn tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3.303 hộ dùng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số chủ hộ chưa chú trọng đúng mức công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ hỏa hoạn, nhất là trong thời điểm hanh khô.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 15-4 đến 15-11, toàn quốc xảy ra 1.218 vụ cháy làm 46 người chết, 58 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 120,6 tỷ đồng. Trong số này có 103 vụ cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, làm chết 26 người, bị thương 8 người, tài sản thiệt hại trên 33,7 tỷ đồng. Cùng khoảng thời gian này, tại Gia Lai đã xảy ra 12 vụ cháy, 1 vụ nổ làm 1 người chết, thiệt hại tài sản hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó có 3 vụ cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thiệt hại tài sản 341 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3.303 hộ dùng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Từ tháng 4-2021 đến nay, lực lượng Công an đã tiến hành kiểm tra định kỳ 1.718 lượt cơ sở, hướng dẫn PCCC cho 2.274 lượt cơ sở. Qua đó, lực lượng Công an phát hiện 3.521 thiếu sót, 245 lỗi vi phạm và ra quyết định xử phạt tổng số tiền 9,7 triệu đồng. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số cơ sở đóng cửa ngừng kinh doanh nên cơ quan Công an đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể giúp người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và người dân có thể thực hiện đầy đủ việc tự kiểm tra các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC; tự phát hiện và khắc phục các tồn tại, sơ hở có thể dẫn đến cháy, nổ ngay tại cơ sở, hộ gia đình và cam kết thời hạn khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC.
Ngoài công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm, từ giữa tháng 4-2021 đến nay, Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền pháp luật về PCCC với nội dung, hình thức đa dạng trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Cụ thể, đơn vị phối hợp phát 405 lượt tin bài, khuyến cáo trên hệ thống truyền thanh; 5.323 lượt loa truyền thanh tại khu dân cư; treo 20 pa nô, áp phích, 705 băng rôn, phát 78.473 tờ rơi tại khu dân cư; đăng hàng trăm bài tuyên truyền trên các trang fanpage, triển khai ứng dụng báo cháy “Help 114” đến người dân. Đồng thời, lực lượng Công an phối hợp tuyên truyền trực tiếp 528 buổi với hơn 17.000 người tham gia; tuyên truyền lưu động qua xe chữa cháy, xe của lực lượng trật tự đô thị hơn 12.000 lượt.
Lực lượng Công an hướng dẫn chủ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh sử dụng thiết bị chữa cháy. Ảnh: Lê Ánh
Lực lượng Công an hướng dẫn chủ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh sử dụng thiết bị chữa cháy. Ảnh: Lê Ánh
Song song với đó, lực lượng Công an đã tham mưu củng cố, duy trì 60 mô hình an toàn PCCC, ra mắt 2 mô hình “Tự phòng, tự quản về công tác PCCC”; phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, thu hút hàng ngàn người tham gia, các hộ tiểu thương khu vực chợ, trung tâm thương mại, hộ gia đình đều trang bị bình chữa cháy... 
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo nhưng một số hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chưa chú trọng đúng mức công tác PCCC như: không mở lối thoát nạn, không trang bị phương tiện PCCC hoặc có trang bị nhưng chưa đảm bảo chất lượng, chưa biết cách sử dụng... Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ-cho biết: “Sau 7 tháng thực hiện cao điểm, toàn tỉnh giảm 2 vụ cháy, nổ tại các hộ dùng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thiệt hại về tài sản giảm 52 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020, không có người chết và người bị thương. Tuy nhiên, một số cơ sở còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác PCCC, thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại nơi sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PCCC, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, chúng tôi tiếp tục tham mưu thực hiện tốt hơn công tác phân cấp quản lý cho Công an cấp huyện, xã để tham mưu UBND cùng cấp thực hiện các biện pháp PCCC và quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC chặt chẽ hơn”.
Thực hiện chủ trương phân cấp quản lý về PCCC theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật PCCC, Công an tỉnh đã tiến hành bàn giao 485 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC cho Công an cấp huyện. Đồng thời, Công an tỉnh hướng dẫn Công an cấp huyện tham mưu giúp UBND cùng cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với đối tượng thuộc phân cấp do UBND xã quản lý. Công an cấp huyện đã bàn giao danh sách 8.132 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC cho UBND cấp xã, trong đó, có 442 hộ kết hợp nhà ở để kinh doanh do cơ quan Công an quản lý, 2.861 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.