Người trồng dưa hấu ở Chư Prông chịu thiệt hại kép vì mất mùa, mất giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đang vào vụ thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, nông dân đang chịu thiệt hại kép vì mất mùa, mất giá.



Những ngày cuối tháng 11, các hộ trồng dưa hấu ở Chư Prông đang vào vụ thu hoạch. Gặp những người từ Bình Định lên Chư Prông thuê đất trồng dưa, họ cho biết: Những năm trước, mỗi ha dưa hấu đầu tư bình quân 70-80 triệu đồng, sản lượng khoảng 25-35 tấn. Với giá bán tại ruộng 5.000-7.000 đồng/kg, mỗi ha dưa hấu đem về gần 100 triệu đồng.

Vụ dưa năm nay, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và thu nhập của người trồng dưa. Trung bình năng suất dưa năm nay chỉ đạt khoảng 15-17 tấn/ha, thậm chí nhiều ruộng dưa năng suất chỉ đạt 7-10 tấn/ha.

 Người trồng dưa hấu tại huyện Chư Prông chịu thiệt hại vì mất mùa, mất giá. Ảnh: Hà Phương
Người trồng dưa hấu tại huyện Chư Prông chịu thiệt hại vì mất mùa, mất giá. Ảnh: Hà Phương


Vụ dưa năm nay, nhiều hộ trồng dưa tại các xã: Ia Lâu, Ia Púch, Ia Piơr và Ia Ga phải trồng 2 lần, chi phí gấp đôi nhưng năng suất giảm gần 50% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Hữu Phú (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thuê 3 ha đất tại xã Ia Lâu trồng dưa hấu nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 10 tấn/ha. Thêm nữa, do thu hoạch sớm nên ông Phú chỉ bán được với giá 3.800 đồng/kg. Trừ chi phí tiền thuê đất, thuê nhân công, giống và phân bón, gia đình ông lỗ hơn 60 triệu đồng.

Ông Lê Đức Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 70 ha dưa hấu, hầu hết là người dân ở tỉnh Bình Định lên thuê lại đất để trồng. Năm nay, thời tiết mưa nhiều gây ngập úng, dẫn đến dưa hấu mất mùa làm cho người trồng dưa gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền xã vận động người dân tập trung thu hoạch dưa hấu để thu hồi vốn, kịp thời làm đất để gieo trồng vụ tiếp theo. Thời gian tới, UBND xã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân trồng đúng thời điểm, nhằm hạn chế những rủi ro do thời tiết gây ra”.

Là người có hơn 15 năm lên Gia Lai thuê đất trồng dưa, ông Nguyễn Tiến Doãn (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) than thở: “Năm nay, dưa mất mùa, mất giá nên tiền bán dưa không đủ bù tiền mua phân bón. Với giá dưa chưa đến 4.000 đồng/kg, tính ra trung bình 1 sào dưa, người trồng lỗ gần 10 triệu đồng vốn đầu tư; chưa tính công chăm sóc và tiền thuê đất khoảng 1,3 triệu đồng/sào”.

   Ông Nguyễn Hữu Phú (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) ngồi bên ruộng dưa than thở. Ảnh: Hà Phương
Ông Nguyễn Hữu Phú (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) than thở vì dưa mất mùa, mất giá nên thu không đủ bù tiền mua phân bón. Ảnh: Hà Phương


Là thương lái chuyên mua dưa hấu trên địa bàn tỉnh đưa đi các nơi khác tiêu thụ, bà Lê Thị Phúc (quê Bình Định) thở dài nói: “Cách đây gần 2 tuần, vợ chồng tôi đi xem các ruộng dưa sắp đến thời điểm thu hoạch và chốt giá 4.500-6.000 đồng/kg. Nhưng 1 tuần nay, tôi liên lạc với bạn hàng ở ngoài Bắc thì họ nói là bên Trung Quốc không nhập hàng nữa do tình hình dịch bệnh, giờ không biết bán ở đâu. Riêng địa bàn 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr, tôi đã đặt cọc tiền trước cho các hộ trồng dưa hơn 200 triệu đồng. Mấy ngày nay, các hộ trồng dưa gọi điện liên tục hối thúc lên cắt dưa và sẵn sàng hạ giá bán xuống còn 4.000 đồng/kg nhưng nếu cắt dưa thì tôi không biết bán ở đâu vì các mối mua hàng của tôi nói không nhập dưa nữa nên tôi đành phải mất tiền đặt cọc”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: “Toàn huyện có gần 200 ha dưa hấu, tập trung tại các xã: Ia Lâu, Ia Púch và Ia Ga. Tâm lý của người dân trồng dưa chỉ cần trúng một vụ thì sẽ bù cho những vụ thất bại trước nên người dân vẫn tiếp tục trồng dưa mà bỏ qua những khuyến cáo của địa phương. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu giúp UBND huyện quy hoạch vùng trồng dưa hấu theo hướng chuyên canh”.

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.