Chị Tuyết bên căn nhà Đại đoàn kết của mình do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang xây tặng. Ảnh: Hồng Thi |
(GLO)- Nếu chỉ nhìn mà không tiếp xúc chắc chẳng ai có thể cảm nhận được đằng sau vẻ bề ngoài bé nhỏ ấy là cả một sức sống mãnh liệt. Mặc dù bị khuyết tật nhưng bằng nghị lực và sự lạc quan, người phụ nữ này đã từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Đó là chị Đào Thị Tuyết, ngụ tại Tổ dân phố 8, Thị trấn Kbang, huyện Kbang.
Bản lĩnh trước số phận
Chị Tuyết sinh năm 1977, tại vùng quê Tân Yên (Bắc Giang) xa xôi. Năm 1987, cả nhà chị lên Đak Đoa (Gia Lai) làm kinh tế mới, đến tháng 11-1992 thì chuyển xuống Kbang sinh sống cho đến giờ. Do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ cha, sinh ra chị bị sứt môi. Mặc dù đã được gia đình đưa đi bệnh viện vá khi tròn 3 tháng tuổi nhưng giọng nói của chị vẫn phải chịu ngọng nghịu suốt đời. Điều này khiến chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Chị Tuyết chia sẻ: “Có thời gian, tôi gần như mặc cảm, tự ti và cô lập mình với thế giới bên ngoài, rất ít nói chuyện với ai. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, số mình đã định vậy thì tự ti cũng chẳng giải quyết được gì, sao mình không đối mặt với nó mà sống cho thật tốt”.
Quyết tâm không lập gia đình, ngày ngày, chị cần mẫn làm lụng để chăm lo cho cha mẹ già và 4 đứa em. Năm tháng dần trôi, tuổi thanh xuân của người con gái cũng bắt đầu phai tàn. Chính lúc ấy, chị Tuyết lại khao khát có một đứa con để đỡ tủi thân, tủi phận và có thể tựa nương lúc về già. Thế là mặc cho xóm giềng đàm tiếu, chê bai, chị vẫn quyết định sinh cho mình một đứa con ngoài giá thú. Năm 2006, niềm vui duy nhất và lớn lao của chị- bé Đào Thị Thanh Thảo ra đời- đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ kém may mắn. Cái tên Thanh Thảo dường như chất chứa tất cả niềm hy vọng của người mẹ nghèo về một tương lai tốt đẹp của con mình.
Năm 2008, khi bé Thảo lên 2 tuổi, chị Tuyết xin tách khẩu ở riêng. Trong căn nhà che chắn tạm bợ, nắng rọi- mưa dột, chị vẫn nỗ lực sống tốt nuôi con. Ngoài 600.000 đồng tiền trợ cấp xã hội hàng tháng, chị phải làm thuê làm mướn mới mong đủ lo cho con thơ và trang trải cuộc sống.
Tất cả các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc... rồi thu hoạch đều do một tay chị Tuyết đảm đương. Ảnh: Hồng Thi |
Tháng 11-2011, chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. “Khi được thông báo về thông tin này, tôi mừng lắm nhưng rồi lại lo lắng vì chẳng biết lấy đâu ra tiền để phụ thêm vào xây nhà. Được hàng xóm, rồi các chị trong Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 8 động viên, tôi đi vay mượn từ láng giềng và anh chị em được 25 triệu đồng. Căn nhà hoàn thành vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, mẹ con tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, thật chưa có gì mừng bằng”- niềm vui hôm nào như vẫn còn vẹn nguyên trong chị Tuyết mỗi khi nhớ lại.
Vượt khó làm kinh tế giỏi
Ông bà ta có câu “An cư lạc nghiệp”. Chính vì lẽ đó mà từ khi có căn nhà mới, chị Tuyết bớt đi một phần nỗi lo và yên tâm làm việc, cuộc sống của chị cũng dần dần ổn định hơn. Trên 1 ha đất canh tác được cha mẹ cho từ khi ở riêng, chị trồng 4 sào mì cao sản, chuối và 500 cây cà phê. Vụ mùa năm ngoái, sau khi trừ mọi chi phí, chị thu được 13 triệu đồng từ mì và 8 triệu đồng từ cà phê. Với số tiền ấy, chị đã trả được một nửa số nợ xây nhà vay mượn trước đó. Vụ mùa tới, chị Tuyết định sẽ tiếp tục trồng thêm 400-500 cây cà phê và cố gắng xóa hết nợ nần.
Rẫy cách nhà chỉ khoảng chừng 3km, thế nhưng phải mất hơn nửa giờ đồng hồ mới đến được vì con đường cực kì khó đi. Đó là chưa kể mùa mưa, đường dốc trơn trượt, ổ voi, ổ gà dày đặt, ngã là chuyện rất đỗi bình thường. Vậy mà trên chiếc xe máy cũ kĩ, chị Tuyết vượt qua con đường khổ ải ấy một cách khá dễ dàng.
Những cành cà phê trĩu quả chứa đựng biết bao công sức, mồ hôi của người phụ nữ giàu nghị lực. Ảnh: Hồng Thi |
Nhìn đồi đất cát pha đá lởm chởm, thật không ai nghĩ được là hàng trăm cây cà phê lại sinh trưởng và phát triển tốt như vậy. Chỉ về phía những cây cà phê xanh mướt, cành nào cành đó nặng trĩu quả, chị khoe: “Cà phê của tôi có thể nói là đẹp nhất trong khu vực này, xanh và sai quả. Bao nhiêu vốn liếng, tôi dốc hết vào nó. Tôi không thuê người phụ làm đâu, tất tần tật từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc rồi thu hoạch đều do một tay tôi đảm đương cả”.
Với vóc dáng nhỏ bé nhưng chị Tuyết xốc vác không kém gì nam giới. Chị kể, để đào hố trồng cà, chị phải đi nhặt từng viên đá vứt ra bờ. Mấy tạ phân bón cà, chị đều tự vận chuyển bằng xe đến rẫy, rồi sau đó vác lên cái đồi cao, dốc đứng, tỉ mỉ bón cho cây. Đến mùa thu hoạch cũng vậy, một mình hái, một mình chở về nhà bán. Thế mới thấy được đằng sau sự tốt tươi, sum suê ấy là cả sự cần cù, chịu thương chịu khó, chất chứa và thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi của người phụ nữ giàu nghị lực.
Chị Tuyết tâm sự: “Có khổ cực bao nhiêu tôi cũng không nản, chỉ mong trời cho mình sức khỏe tốt là được. Chứ như bây giờ, tôi cứ đau ốm miết, di chứng từ chất độc da cam khiến tôi hay bị chóng mặt đau đầu, nhiều lúc chẳng làm được gì”. Thế đó, nhưng bệnh tật nào đâu thể làm chị chùn bước. Ngày qua ngày, chị vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật, với những khắc nghiệt của cuộc sống. Bây giờ nhắc đến chị Tuyết, bà con trong Tổ dân phố 8 ai cũng khen ngợi chị: vừa sản xuất giỏi, vừa phụng dưỡng cha mẹ già, lại chăm sóc nuôi dạy con cái nên người. Bé Thanh Thảo nay đã vào lớp 1, học giỏi và rất chăm ngoan. Bà Trần Thị Sen- Chi hội phó Chi hội 8, Hội Phụ nữ thị trấn Kbang- nhận xét: “Tuyết là một phụ nữ nghèo, kém may mắn nhưng có một nghị lực và sự lạc quan vào cuộc sống, không quản khó khăn, vất vả trong lao động. Với mọi người, Tuyết sống hòa đồng, vui vẻ, nhiệt tình, chưa bao giờ để phiền lòng một ai”.
Nhờ chịu khó làm ăn, năm nay, chị Đào Thị Tuyết đã được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây thật sự là tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong thị trấn Kbang noi theo.
Hồng Thi