Người Mường ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ai cũng biết, người Mường từ xa xưa sinh sống tập trung ở khu vực Tây Bắc nước ta, đông nhất là tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, qua nhiều biến thiên của lịch sử, ngày nay, người Mường cũng đã “thiên di” đến nhiều nơi trên cả nước, trong đó có Tây Nguyên.

Còn nhớ, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người Mường Hòa Bình đã có một cuộc “đại di dân” để nhường đất đai bản quán cho lòng hồ Thủy điện Sông Đà, một công trình thế kỷ lúc bấy giờ. Cuộc di dân ấy đã đưa người Mường Hòa Bình đến định cư nhiều nơi ở Tây Nguyên.

 

Đội chiêng nữ người Mường 3 thế hệ ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: internet
Đội chiêng nữ người Mường 3 thế hệ ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: internet

Tại Đak Lak, người Mường sinh sống tập trung ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) với khoảng 2.000 người. Đây là nhóm người Mường Hòa Bình đầu tiên vào khu vực Tây Nguyên từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Nhóm người Mường tại đây là con cháu các nhà lang gốc Mường Pi, Mường Thàng, Mường Động ở Hòa Bình. Điều đặc biệt ở đây là chỉ có 3 thôn Mường mà có đến 7 ngôi đình. Tên đình đều được đặt theo địa danh các vùng Mường Hòa Bình gốc, như: Thịnh Lang, Mường Pi, Cao Phong, Thạch Yên...

Theo ông Quách Cảnh-một người dân ở thôn 3, khi bà con Mường Hòa Bình vào từ năm 1954, lúc ban đầu tụ cư tại tỉnh Gia Lai để làm công nhân đồn điền chè Bàu Cạn của người Pháp để lại. Sau đó, một số người thuộc các dòng họ Đinh, Quách, Hà... đi tìm đất mới để ổn định lâu dài và đã đến vùng này. Thời đó, nơi đây dân cư thưa thớt và rừng còn nhiều nên việc dựng nhà sàn truyền thống rất dễ. Khi đã ổn định, vào khoảng năm 1960, các ngôi đình lần lượt được dựng lên để phối thờ Tản Viên Sơn Thánh, Mẫu Thượng Ngàn và Thành Hoàng làng, cầu mong xóm Mường bình yên, phát triển. Bản sắc văn hóa, tôn ti trật tự gia đình, tình làng nghĩa xóm luôn được các thế hệ người Mường nơi đây truyền nhắc, bảo ban. Ngày nay, lớp con cháu đã có nhiều người tốt nghiệp đại học, công tác ở nhiều ngành nghề, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Ở Gia Lai, người Mường Hòa Bình sinh sống tập trung tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Thôn 1 là nơi đông đảo bà con các xã Hào Tráng, Tiền Phong vào lập nghiệp từ đầu năm 1990 sau nhiều lần “du cư” đến cả tận miền sông nước Cửu Long rồi lại quay về lại nơi này. Dạo một vòng quanh thôn, chúng tôi gặp một vài nếp nhà sàn gần như nguyên bản xen với nhiều nhà xây kiểu mới. Những con đường liên thôn rộng rãi thể hiện rõ sự quy hoạch bài bản. Nhà Văn hóa thôn Lũng Vân-nơi tập trung bà con người Mường xã Lũng Vân và xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc-rất đặc trưng nét Mường. Chúng tôi quan sát thì thấy gần kín 4 bức tường trong Nhà Văn hóa thôn là bằng khen, giấy khen, cờ thi đua, cờ giải thưởng thể thao... vừa nói lên thành tích nhiều mặt của bàn con thôn Lũng Vân, vừa thể hiện truyền thống trân trọng kết quả, thành tích của chính mình làm ra để các thế hệ con cháu noi gương. Do thiếu đất canh tác, họ đã di dân vào đây xây dựng kinh tế lâu dài. Đất lành chim đậu, bà con Mường Hòa Bình đến đây quyết tâm cùng nhau xây dựng quê hương thứ 2 tại Tây Nguyên. Tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa người Mường với người Tày, người Dao, người Mông... từ miền núi Tây Bắc vào và với bà con dân tộc Jrai tại chỗ hết sức tốt đẹp.

Còn tại Kon Tum, đợt di dân của người Mường vào đây sớm nhất là năm 1992, tập trung ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Theo thống kê, đến tháng 12-2017, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 1.546 hộ người Mường với 5.285 nhân khẩu, đứng hàng thứ 4/17 thành phần dân tộc tại đây. Nếu quy tròn thì người Mường chiếm gần 1/10 dân số toàn huyện!

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khái luận về những cuộc di dân: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/Họ gánh tên xã tên làng theo mỗi chuyến di dân”. Người Mường ở đây cũng vậy, mặc dù xa cách quê nhà đến hơn ngàn cây số, nhưng trong tâm tưởng sẽ khó phai mờ “tinh thần cố hương” qua tên gọi các thôn do họ tự đặt: Tại xã Bờ Y có thôn Bắc Phong, ấy là ghép từ tên huyện Đà Bắc và xã Tiền Phong. Ở xã Sa Loong có 2 thôn Cao Sơn và Hào Lý, nghe qua ai cũng biết đấy là tên những xã thuộc huyện Đà Bắc quê nhà. Ở xã Đak Xú có thôn Thung Nai được đặt theo một địa danh ở huyện Cao Phong. Ở xã Đak Kan có thôn Hào Nưa là ghép từ Hào Lý với Vầy Nưa và thôn Sơn Phú là tên thôn thuộc xã Hiền Long nơi quê cũ; thậm chí có hẳn một thôn lấy luôn tên… Hòa Bình. Riêng thôn Mường ở thị trấn Plei Kần “bị” gọi theo số đếm là thôn 6 để tiệp với thứ tự các thôn khác.

Theo dòng giao thoa, tiếp biến của vị trí địa lý và xã hội đương đại, ngày nay, ở Tây Nguyên đang dần hình thành một cộng đồng đa dạng với một số hộ gia đình “đa sắc tộc”, “đa văn hóa” qua những cuộc hôn nhân của người Mường với người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Ka Dong, Bơ Râu, Bahnar, Jrai, Ê Đê… Không chỉ sản xuất làm ăn ổn định cuộc sống riêng, đến nay đã có nhiều công dân Mường sau quá trình học tập, phấn đấu đã trở thành cán bộ, góp phần vào các công tác địa phương.

Từ chỗ “Chạy nước sông Đà/Dàn chiêng Mường/Tan đàn xẻ nghé/Người Mường Hòa Bình/Ngơ ngác Tây Nguyên/Nước mắt đá xanh rơi nhòa đất đỏ…” (Lê Va), đến nay, trên quê hương mới Tây Nguyên, người Mường đã ổn định và đang mơ về những viễn cảnh tương lai. Từ đó, những thế hệ tiếp nối truyền đời, để “Tiếng chiêng chót len mây/Gọi dàn về đủ bộ/Ấm lại ổ nhà Mường/Lại đẻ đất đẻ nước/Giữa đất trời Tây Nguyên” (Lê Va).

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm