Người luôn “xắn tay áo” cùng với dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tại Gia Lai chưa từng có cán bộ nào nắm giữ vị trí lãnh đạo tỉnh đến 4 nhiệm kỳ như ông. Dù là trong công việc hay trong đời thường, ông lúc nào cũng là con người giản dị, hồn hậu với phương châm cũng rất giản dị: Cán bộ phải luôn gần dân. Ông là Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

Ông Nguyễn Văn Sỹ
Ông Nguyễn Văn Sỹ

Trong 80 tuổi đời thì ông có đến 60 năm tuổi Đảng- một cuộc song hành chung thủy, bền chặt. “Tôi đã trưởng thành nhờ Đảng”- ông đúc rút. Có lẽ đó là lý do của sự gắn bó trọn vẹn nhường ấy trong cuộc song hành này.

“Tôi đã được dân nuôi”

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, trở thành bác sĩ đa khoa sau khi được đào tạo ở miền Bắc từ những năm 1950-1954, Ksor Krơn lần lượt kinh qua các vị trí: Bác sĩ Quân y của Trung đoàn 120, Trưởng ban Quân dân y tỉnh Kon Tum, Bí thư Thị ủy Kon Tum, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Kon Tum, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum kiêm Bí thư Thị ủy Kon Tum. Năm 1976, khi Gia Lai và Kon Tum sáp nhập, su đó ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum. Từ đó đến khi về hưu (năm 1996), sau 1 lần tách tỉnh nữa, ông vẫn tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Cái tên Nguyễn Văn Sỹ là bí danh trong hoạt động cách mạng nhưng đến giờ vẫn tồn tại song song cùng cái tên cha mẹ đặt cho ông. Gần 20 năm nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tỉnh cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân đối với ông không hề nhỏ. Con người ấy chắc chắn phải rất được lòng dân.

“Từ năm 1951 đến tận năm 1976, tôi không hề có lương, chỉ toàn là ăn cơm của dân, được dân nuôi”- ông kể lại. “Riêng cuộc hành quân từ Bắc vào Nam, chúng tôi phải đi bộ đến 3 tháng trời, trong suốt hành trình đó cũng toàn là nhờ dân, ăn cơm của dân”. Hàng chục năm trời “được dân nuôi” được ông kể lại tóm tắt như vậy, song ai cũng hiểu rằng chính thâm tình ấy đã dạy ông phải biết yêu thương và kính trọng nhân dân như thế nào. “Bản thân tôi luôn hết sức rèn luyện để có đạo đức tốt, được dân mến, dân phục. Phải hòa nhập, gần gũi quần chúng, đi sát phong trào, đưa tỉnh mình không chỉ hòa nhập với các tỉnh bạn mà còn hòa nhập với quốc tế. Nếu không có đạo đức, không cố gắng học tập thì không thể trưởng thành”- ông nói. Cái sự học tập, rèn luyện mà ông lấy làm tôn chỉ suốt đời, vì “có học thì mới chỉ được cho quần chúng”, thật không hề dễ dàng: Có bằng bác sĩ nhưng “không biết lãnh đạo” nên ông phải học cách lãnh đạo, quản lý; phải hết sức rèn luyện sức khỏe để dù có gian khổ, khó khăn, đói rét vẫn trụ được; rèn luyện ý chí, năng lực để làm tốt nhiệm vụ được giao…

Việc thường ngày của phụ nữ Bahnar. Ảnh: Huy Tịnh
Việc thường ngày của phụ nữ Bahnar. Ảnh: Huy Tịnh

Năm 1949, từ chỗ không biết một tiếng phổ thông nào, ông đã đọc được, viết được chỉ sau 9 tháng miệt mài; từ chỗ biết tiếng phổ thông, ông “lấn tới” học luôn tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông rất hay dùng chữ “hết sức” trong các câu khẳng định, có lẽ đó cũng chính là tinh thần hết mình trong công việc ở ông mà ai cũng nể phục. Những người thân cận ông từng chứng kiến ông xắn quần lội ruộng cùng dân làng mỗi đợt công tác, hay đến thăm từng nhà trong làng bất kể giàu nghèo, chân tình thăm hỏi với từng con người ông gặp. Tết, hàng chục người bà con của ông ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) và của phía vợ ở xã Tu Mơ Rông (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum) kéo đến chơi chật nhà suốt cả tuần liền vì chủ nhà lúc nào cũng mến khách. Có được cốt cách ấy bởi chính ông chứ không phải ai khác đã lớn lên từ những ngôi làng cháy nắng Ia Pa…

Không ngừng tư duy về thời cuộc

80 tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn đọc báo, xem thời sự hàng ngày; con người cả đời mẫn cán này không ngừng tư duy: “Trong tình hình hiện nay, tôi thấy có 3 vấn đề lớn: Một là, giáo dục tư tưởng cho đảng viên và quần chúng chưa đến nơi đến chốn; hai là, đội ngũ cán bộ cả người Kinh và người dân tộc thiểu số còn thiếu và năng lực còn hạn chế; ba là, tiến bộ khoa học- kỹ thuật chưa được áp dụng đầy đủ”. Tuy nhiên, vấn đề cán bộ vẫn là tâm điểm chính trong câu chuyện của ông. “Nhiều lần tôi xuống làng, xã nói chuyện, tôi vẫn cho rằng dân mình theo cái gọi là Tin lành Đê-ga là do cán bộ mình chưa thật sự sâu sát. Cán bộ bây giờ hòa nhập chưa sâu, chưa thật triệt để. Anh đi tăng cường mà chỉ chọn nhà giàu có để ở, không thèm tới nhà nghèo thì làm sao hòa nhập được? Cũng không thể đứng ở trên chỉ xuống mà phải xắn quần xắn áo cùng làm và hướng dẫn cho dân. Nhiều anh xuống cơ sở nghe dân kể chuyện mà không ghi chép, không học, không hỏi kỹ, đọc tài liệu mà không biết kiến nghị…”. “Cái gì không biết thì phải hỏi dân, dân sẽ chỉ cho”- ông nhắc nhở.

Tây Nguyên vào hội. Ảnh: Đức Thanh
Tây Nguyên vào hội. Ảnh: Đức Thanh

Ông cũng phân tích thêm một điều bất hợp lý hiện nay: Người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, người Kinh thì lại không biết tiếng dân tộc thiểu số. Khoảng cách ấy sẽ càng ngày càng lớn dần nếu không có chính sách hợp lý. “Học sinh người dân tộc thiểu số một mình nó học 3 ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông, tiếng Anh-P.V) thì làm sao nó học được? Cứ hết lớp 9 thì các cháu ở nhà, không học nữa. Có mấy người học tới nơi tới chốn để làm phóng viên như cháu đây?”- ông nêu một câu hỏi đầy trăn trở. Có lẽ vì vậy mà sau khi về hưu ông đã tích cực phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đứng lớp ở các lớp học tiếng Jrai cho cán bộ, và từ năm 2002-2007 giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khi hội này vừa mới ra đời với mong muốn xây dựng được một xã hội học tập thông qua những trung tâm giáo dục cộng đồng.

Chính ông lặn lội xuống từng huyện, xã để vận động thành lập các Huyện hội, đến từng doanh nghiệp xin kinh phí hoạt động… Từ chỗ chưa có hội viên nào, đến nay Hội Khuyến học tỉnh đã có đến gần 91.000 hội viên và 62.022 gia đình đăng ký trở thành gia đình hiếu học! “Tôi vui lắm, hễ gặp anh em ở cơ sở là họ lại nói, hồi đó không có bác thì chẳng ai làm!”. Đầu năm nay, ông vừa nhận được bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vì những thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

“Đảng đã chỉ cho mình phương hướng như vậy. Từ ngày làm cách mạng, tôi chỉ suy nghĩ: Cứ theo đường lối, chủ trương của Đảng thôi, luôn trung thành với Đảng vì mục tiêu của Đảng là độc lập dân tộc, giải phóng nước nhà, tiến tới xây dựng cuộc sống ấm no… Cũng còn nhiều chủ trương của Đảng là đúng đắn nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có khi còn chưa tốt, còn sai sót. Đó là điều cần được khắc phục”- ông thảnh thơi nói vậy khi nhìn lại dấu mốc 80 năm Ngày thành lập Đảng và những năm tháng đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp chung.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm