Người làm 4 mũ vua triều Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại trung tâm của Sài Gòn có một người đang miệt mài với công việc chẳng ai nghĩ tới: nghề làm mũ mã vĩ, và đã có 4 chiếc mũ vua triều Nguyễn được ông phục dựng.
Ông Vũ Kim Lộc say sưa phục hồi mấy chiếc mũ mã vĩ của các vua triều Nguyễn - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ông Vũ Kim Lộc say sưa phục hồi mấy chiếc mũ mã vĩ của các vua triều Nguyễn - Ảnh: nhân vật cung cấp
Đó là ông Vũ Kim Lộc, một gương mặt quen thuộc trong giới đồ cổ ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP. HCM). 
 Không chỉ say mê mũ xưa, mọi người còn biết đến ông là đồng tác giả của cuốn sách Hồi sinh - viết về câu chuyện phục hồi bốn mũ vua triều Nguyễn.

“Thú thật ngày ấy tôi cũng bàng hoàng trước công việc mình nhận, bởi đây là một việc trọng đại và vinh dự. Đặc biệt là sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm của nghệ nhân cung đình, và hơn thế nữa là để đền đáp lại lòng tin của người đã dành cho mình nhiệm vụ vinh dự này"-ông Vũ Kim Lộc

Say mê

Ghé nhà ông tại con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thái Bình (quận 1), chúng tôi thấy ông say sưa mân mê những lông đuôi ngựa, khuôn xốp, hạt mã não, những hình rồng phượng, hoa lá bằng kim loại... các vật liệu này dùng để làm mũ vua, mũ quan lại triều Nguyễn xưa. 
Chỗ làm việc của ông có rất nhiều hình ảnh về các loại mũ. Màn hình máy tính ông đang mở hiện nhiều hình ảnh tư liệu, đồ cổ, ảnh chân dung các vị vua. 
Ông nhìn chăm chú các chi tiết, phân tích hình ảnh, vị trí các chi tiết ấy trên mũ xưa rồi ghi chú vào cuốn sổ tay.
"Tôi đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn một số mẫu mũ miện, những lý do, dạng thức các kiểu mũ xưa của giới vua chúa và quan lại qua nhiều thời kỳ của lịch sử Việt Nam", ông Lộc nói.
Công việc này của ông nhằm phục vụ một cuốn sách viết về mũ miện triều Nguyễn đang chuẩn bị hoàn thành. Cuốn sách mà theo lời của ông sẽ có tên Mũ miện của triều Nguyễn.
Cơ duyên đưa ông đến với nghề phục hồi mũ mã vĩ cũng thật tình cờ. Thế nhưng điều ấy lại trở thành niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc sống của ông. 
Ông vào Sài Gòn lập nghiệp bắt đầu bằng nghề của một anh một thợ bạc nhưng mê đồ cổ, nhất là các tác phẩm mỹ thuật.
"Ngày ấy tôi đặc biệt chú ý đến các bức tượng cổ, nhất là những trang trí mỹ thuật trên tượng. Thế rồi tôi đặc biệt chú ý đến phần mũ miện của các bức tượng ấy. Niềm say mê cứ cuốn hút và dẫn tôi đi. Hễ nơi đâu có tượng cổ là tôi tìm đến; tôi tìm trong các bức tranh, bức ảnh xưa, tham khảo sách và tài liệu xưa, rồi xây dựng cho mình những tư liệu về mũ mão!" - ông Lộc chia sẻ.
Hễ có thông tin về những bức tượng xuất lộ ở đâu đó trên nhiều miền của đất nước thì ông lại tìm đến xem và tìm hiểu về... mũ. 
Thậm chí có những tượng xưa ở nước ngoài ông không đến được nhưng vẫn tìm cách để có những hình ảnh về bức tượng ấy. 
Có nhiều gia đình quan lại, con cháu đang thờ mũ của người xưa, nay dù đã hư hỏng, lụi tàn nhưng ông vẫn quyết tìm đến. Ông xin mấy mẩu nhỏ còn sót lại về soi kỹ, phân tích từng cách đan, từng mối nối...
Trải qua thời gian dài, những gì liên quan đến mũ miện đều được ông sưu tập, rồi cứ vậy đam mê dần thấm vào máu, thấm vào cuộc sống của chính ông lúc nào không hay. Tất cả đã hình thành một kho giữ liệu về mũ miện, hầu hết ở các loại đặc biệt của triều Nguyễn.
Hai trong bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn đã được ông Lộc phục hồi - Ảnh: nhân vật cung cấp
Hai trong bốn chiếc mũ vua triều Nguyễn đã được ông Lộc phục hồi - Ảnh: nhân vật cung cấp
Phục hồi 4 mũ vua
Hơn 10 năm trước, trong một lần tình cờ, một nhà sưu tập đồ cổ ở TP.HCM đưa cho ông
"chiếc mũ" bằng vàng của một ông vua người Chăm rồi hỏi ông có phục hồi được không. "Chiếc mũ" lúc này chỉ còn lại một mớ mảnh vàng được chạm khắc, chứ phần cốt mũ đã mục ra từng thành phần.
Suy nghĩ một lúc lâu ông gật đầu. Thế là một hội đồng khoa học được thành lập ngay để nghe ông trình bày phương án. Phần mình, ông mày mò cách đan cốt mũ, làm khuôn xốp... 
Sau rất nhiều lần thất bại phần cốt mũ cũng đã hoàn thành và cuối cùng, chiếc mũ được phục hồi làm hài lòng tất thảy hội đồng khoa học. 
Từ những thành công bước đầu ấy, qua năm sau ông bất ngờ được các vị lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam liên hệ trong việc phục hồi bốn chiếc mũ của các vị vua triều Nguyễn.
"Thú thật ngày ấy tôi cũng bàng hoàng trước công việc mình nhận, bởi đây là một việc trọng đại và vinh dự. 
Đặc biệt là sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm của nghệ nhân cung đình, và hơn thế nữa là để đền đáp lại lòng tin của người đã dành cho mình nhiệm vụ vinh dự này" - ông Lộc chia sẻ cảm giác khi nhận nhiệm vụ phục hồi bốn chiếc mũ của vua triều Nguyễn.
Lúc tiếp cận bốn chiếc mũ vua để bắt đầu công việc phục hồi, ông vô cùng ngỡ ngàng và xúc động về hiện trạng của chúng. 
Bốn mũ vua được đựng trong hai túi, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng và đá quý trên mũ đều bị tháo rời và vo cuộn lại. Trong đó lẫn rất nhiều chất thải của loài mối cùng các loại hình hài bị gãy nát và hoàn toàn không có cốt mũ.
Những ngày thực hiện công việc phục hồi bốn chiếc mũ vua lúc ấy, với ông đầy gian nan mà như ông nói: ngày ngày "ăn thấy mũ, ngủ cũng thấy mũ".
Bốn chiếc mũ vua ấy qua bàn tay ông, sau nhiều tháng miệt mài làm việc cùng sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, cuối cùng được hoàn thành. 
Hội đồng khoa học đánh giá ông đã phục hồi thành công mỹ mãn đối với cả bốn chiếc mũ. Sau đó ông tiếp tục được tin tưởng giao nhiệm vụ phục hồi nhiều chiếc mũ của các quan văn, quan võ khác của triều đình nhà Nguyễn...
Nghề thất truyền
Hiện nay ông đang mở rộng phạm vi nghiên cứu mũ miện của mình trong nhiều thời kỳ khác nhau của các vị vua triều Nguyễn, cho dù có nhiều khó khăn, nhất là về tư liệu, hình ảnh, hiện vật hầu như chưa đáp ứng như mong muốn. 
Ông cho biết trước mắt ông đang hình thành cuốn sách về các loại mũ miện ấy và dự kiến ra mắt trong năm 2018.
Công việc phục hồi mũ mã vĩ chiếm rất nhiều thời gian của ông, bên cạnh nghề kim hoàn đem lại cho ông nguồn thu nhập chính. 
Song ông luôn quyết tâm theo đuổi công việc này, với mong muốn giữ và phục hồi được một nghề xưa của cha ông nay đã thất truyền, dù ở hình thức nào cũng được để con cháu mai sau được biết đến.
Nghề làm mũ mã vĩ là nghề mà người thợ thủ công lấy lông đuôi ngựa (mã vĩ) làm nguyên liệu chính, cùng các chất liệu khác để thêu tạo nên mũ vua, quan lại ngày xưa. 
Ngày nay nghề đã thất truyền. Đây là một cái nghề, theo ông Lộc, độc đáo ở chỗ là sự kết hợp nhuần nhuyễn của "đa ngành nghề" với rất nhiều kỹ thuật - mỹ thuật truyền thống.
Mỗi chiếc mũ được phục hồi, đối với ông Lộc là một tác phẩm thực thụ, không chỉ ở sự khéo léo của những ngón nghề đan, tết, bồi chất kết dính, chạm khắc kim hoàn..., mà còn phát xuất từ sự am hiểu về mỹ thuật tạo hình, về lịch sử và cổ vật... 
Dù biết vậy nhưng vì quá yêu nghề nên ông thường nhận phục hồi những chiếc mũ mã vĩ xưa với giá thành thấp hơn nhiều so với số tiền ông đã bỏ ra để mua sắm vật liệu lẫn chi phí dành cho các chuyến điền dã, nghiên cứu...
Người nghệ nhân cuối cùng của nghề mũ mã vĩ tiễn chúng tôi ra về bằng nụ cười chen lẫn niềm trăn trở. 
Ông nói: "Với tôi, chi phí phục hồi các loại mũ mã vĩ thì đã có nghề kim hoàn của tôi lo rồi. Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục có cách gì để tiếp tục duy trì cái nghề độc đáo này. Và tôi cũng rất mong mình có cơ duyên tìm được người học trò tâm huyết để nghề mũ mã vĩ, sau khi tôi chết đi, sẽ không trở thành dĩ vãng".
"Thật sự khâm phục"
"Tôi thật sự khâm phục kỳ công cũng như ngưỡng mộ tấm lòng của những người tham gia phục hồi bốn bảo vật (bốn chiếc mũ vua) quý giá này của vương triều Nguyễn. Các tác giả đã hợp tác với nhau suốt 11 tháng ròng để phục hồi chúng và cũng mất ngần ấy thời gian để phản ánh quá trình phục hồi đầy gian truân, thử thách trong gần 200 trang sách. Vũ Kim Lộc không chỉ là một nghệ nhân phục hồi mũ mã vĩ, ông còn là một nhà kinh doanh và nghiên cứu nghề kim hoàn, đồng thời là nhà sưu tập cổ vật có tiếng tại TP.HCM. Ông là tác giả của các tập biên khảo rất có giá trị như: Nghề kim hoàn của Champa, Cổ vật Champa và Cổ vật huyền bí đã được xuất bản trong khoảng 10 năm trở lại đây".
TS Trần Ðức Anh Sơn
(nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế)
Xuân Đào (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.