(GLO)- Hình ảnh một người đàn ông cao cao, gầy gầy, ngồi cặm cụi làm lồng đèn bên góc phố từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Pleiku mỗi dịp Trung thu về. Gần hai mươi năm qua, bằng đôi tay khéo léo của mình, ông đã âm thầm góp phần gìn giữ cái hồn cũng như nét đẹp của ngày Tết Trung thu truyền thống.
Người đàn ông ấy tên là Từ Tiến Huy, năm nay cũng đã gần 60 tuổi. Tại một góc nhỏ trước ngôi nhà số 57 Hoàng Văn Thụ, cạnh Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, ông Huy ngồi lọt thỏm, lẩn khuất giữa những chiếc đèn lồng, cặm cụi chỉnh sửa rồi lại sắp xếp mấy cái đèn ông sao, quả trám…Có thể nói, ông Huy là một trong số những người hiếm hoi ở TP. Pleiku còn làm lồng đèn thủ công để bán. Tuy chỉ là việc làm thời vụ nhưng nó đã gắn bó với ông suốt gần hai mươi mùa trung thu.
Ông Huy và chiếc lồng đèn ông sao có đường kính 1,6 mét của mình. Ảnh: Hồng Thi |
Nói về cái duyên với nghề, ông chia sẻ: “Năm 1992, sau khi nghỉ công tác ở cơ quan, tôi về nhà mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Việc làm lồng đèn khi đó với tôi vừa là giúp các cháu có cái để chơi trung thu và cũng vừa để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Không ngờ, nó đã theo tôi đến tận bây giờ, mùa Trung thu nào mà không làm là tôi cứ bứt rứt, khó chịu”.
Và rồi cũng từ đó, cứ gần đến tháng tám âm lịch là ông lại bắt tay vào công việc quen thuộc. Lồng đèn ông làm, chỉ một số để bán tại gia, còn đa phần theo đơn đặt hàng của khách. Ông kể, có năm khách hàng đặt nhiều, ông phải làm miệt mài từ sáng sớm đến khuya, ăn ngủ với lồng đèn là chuyện thường. Nhiều lúc đứng dậy không được do ngồi lâu, người thì mỏi nhừ nhưng trong lòng ông vẫn cảm thấy rất vui. “Với tôi, bận bịu trong những ngày này để mang lại niềm vui Trung thu cho các cháu nhỏ là một điều hạnh phúc, cũng giống như mình đang đón một cái Tết Trung thu thật ấm áp vậy”- ông Huy bộc bạch.
Một góc gian hàng Trung thu của ông Huy. Ảnh: Hồng Thi |
Trung bình mỗi năm, ông hoàn thành khoảng từ 200-400 lồng đèn ông sao và quả trám lớn nhỏ. Những lồng đèn lớn ông tự làm, có giá dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/chiếc tùy theo kích thước. Cái lớn nhất năm nay có đường kính 1,6 mét, được ông hoàn thành trong vòng 2 ngày, trị giá 400.000 đồng. Ngoài ra, ông còn nhập thêm lồng đèn ông sao từ các cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, Hà Nội về bán với giá 12.000 đồng/chiếc.
Cẩn trọng, tỉ mỉ ngay cả trong công đoạn nhỏ nhất, bởi lẽ, ông muốn mỗi chiếc lồng đèn mà mình làm ra đều phải bền, đẹp và tinh tế. Theo ông, làm lồng đèn tuy dễ mà khó. Nếu làm không khéo, chiếc lồng đèn dễ bị méo mó, rách kiếng và bung hồ. Một lồng đèn đẹp phải có khung sườn chắc chắn, cứng cáp, giấy kiếng dán đều, thẳng và nhất là phải được phơi nắng vừa đủ. Nếu phơi nắng ít, lồng đèn sẽ không căng đều, còn nếu phơi nhiều thì giấy kiếng sẽ bị giòn và rách.
Cửa hàng của ông Huy là một trong những nơi hiếm hoi có lồng đèn truyền thống chiếm đa số tại TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi |
Cứ mỗi mùa trung thu, lồng đèn truyền thống ít dần, thay vào đó là những chiếc lồng đèn Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, hiện đại và đầy màu sắc. Số lượng lồng đèn ông làm cũng vì thế mà giảm dần theo từng năm. Và giờ đây, khách hàng chính của ông không còn là người dân nữa mà là các cơ quan, đoàn thể hay trường học- những nơi thường vẫn giữ được cách đón trăng, phá cỗ, rước đèn truyền thống. Ông Huy tâm sự: "Nếu chỉ vì mưu sinh, chắc tôi cũng không giữ được nghề cho đến tận bây giờ. Điều động viên lớn nhất đối với bản thân tôi là sự háo hức của các cháu nhỏ vào dịp Tết Trung thu, và điều quan trọng là tôi muốn giữ cho các cháu nét văn hóa mà các thế hệ đi trước đã từng trải qua”.
Khi được hỏi về suy nghĩ của mình trước tình trạng chiếm lĩnh thị trường của lồng đèn Trung Quốc, ông Huy thở dài rồi nói: “Người Việt mình ai mà không buồn trước chuyện đó, nhất là những người đang cố gắng níu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống như tôi. Tôi cũng mong sao, mỗi năm sẽ có thêm nhiều người quay về với lồng đèn truyền thống, cả người làm, người bán và người mua. Muốn thế, chúng ta phải sáng tạo nhiều mẫu mã hơn nữa để lấn át bớt hàng Trung Quốc nguy hiểm, độc hại, mang lại cho các cháu một cái Tết Trung thu lành mạnh, đậm tính dân tộc”.
Hồng Thi