Người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chuyến đi tìm tư liệu lịch sử của các bậc tiền bối cách mạng hoạt động ở Gia Lai trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng tôi có về nhà riêng ông bà Phan Thêm-Trần Thị Nguyên ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ-Hà Nội (vợ chồng ông bà Thêm đã mất, ngôi nhà nhỏ này đang được người cháu nội Phan Như Dương trông nom, thờ phụng) để tìm thêm những di cảo còn lại của người đã đi xa.

Trong những xấp tài liệu, giấy tờ, hình ảnh... tôi bất ngờ phát hiện những lá thư viết tay, chữ rất đẹp, thân quen. Đó là những bức thư của cậu tôi ở quê viết gửi cho ông bà Phan Khắc (tức Phan Thêm), người mà cậu tôi gọi bằng bác, có nghĩa là anh con chú-bác với ông ngoại tôi-Phan Châu), ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam hiện nay, để bàn việc lo tu bổ nhà thờ dòng tộc Phan ở quê hương.

 

Đồng chí Phan Thêm.
Đồng chí Phan Thêm.

Tôi bất ngờ và vô cùng xúc động trước di ảnh của ông bà và các di sản của người quá cố để lại, ngoài ngôi nhà chật hẹp, chỏng chơ, bên trong  không có một bộ bàn ghế để ngồi, tài sản duy nhất là cái bàn thờ bằng gỗ đặt giữa nhà để thờ ông bà. Như có duyên định, tôi-người cháu họ ngoại đang sao lục lại tài liệu xung quanh tờ báo Sáng-tiền thân của Báo Gia Lai ngày nay, nơi tôi đang công tác, lại bắt gặp chính người thân của mình-ông Phan Thêm, người Bí thư Đảng bộ tỉnh đầu tiên và là người có chủ trương, đặt nền móng cho tờ báo Đảng bộ Gia Lai ra đời từ năm 1947 cùng với đồng chí Phan Bá (tức Võ Đông Giang).

Trong tập hồi ký (in vi tính ở Hà Nội năm 2000) và tập chuyện kể có cả thơ (đánh máy chữ, trong ấy có kẹp một thư viết tay trên mặt trái tờ lịch ngày 17-3-2001-đúng ngày kỷ niệm giải phóng tỉnh Gia Lai)-ký tên Phan Thêm gửi cho 3 người là: Đỗ Hằng, Nguyễn Khoa và đồng chí Trần Ngọc Sơn-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai), ông Phan Thêm có nhắc lại khá chi tiết các chặng đường tham gia cách mạng của mình. Ở gia đình phía ngoại tôi, xưa thuộc làng Vân Trai, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam, nay là xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thường gọi ông Phan Khắc là ông giáo Út vì ông là con út trong gia đình có đến 9 người con.

Tuy mới chỉ đỗ bằng sơ đẳng (primaire) thì việc học hành bị dở dang vì hoàn cảnh gia đình nhưng với tư chất thông minh và lanh lợi, ông được chính quyền thời ấy bổ làm giáo học dạy ở  các hương trường (bậc tiểu học bây giờ). Ông kể, một lần viên quan thanh tra người Pháp tên là Antoine về trường kiểm tra việc dạy học của ông và đã khen ông là thầy giáo dạy giỏi. Từ đó, có tiếng đồn là “Thầy Khắc dạy giỏi, không sợ cấp trên”. Và họ cho đó là lớp trí thức nông thôn, có tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Ông Khắc tham gia sinh hoạt với nhóm thanh niên ở quê có giác ngộ cách mạng từ những năm 1933-1934; mãi đến năm 1938, ông mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương bấy giờ, sinh hoạt cùng chi bộ với đồng chí Phan Quang Trọng và Phan Thị Nể (vợ đồng chí Võ Toàn tức Võ Chí Công).

Sau đó ông đã kinh qua các chức danh như Bí thư Tổng ủy rồi Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam. Trong thời gian hoạt động, ông và một số đồng chí khác bị lộ và bị địch bắt, riêng ông chúng cho về, đồng thời cách chức giáo học không cho đi dạy học nữa. Lúc này, ông Phan Khắc đã lập gia đình và có một con trai đầu lòng là Phan Doanh. Để giải quyết khó khăn về kinh tế, đồng thời trốn tránh tai mắt của địch, vợ chồng ông về làm nhà sinh sống ở vùng núi Ông Sầm-Bầu Trúc (vùng căn cứ địa của ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thuộc phía bắc huyện Núi Thành ngày nay) vừa vỡ đất cày ruộng vừa tiếp tục hoạt động cách mạng.

Mùa Đông năm 1939, tình hình thế giới có chuyển biến phức tạp không có lợi cho ta, ông Phan Khắc vừa dự họp Tỉnh ủy Quảng Nam trên đường về thì bị địch bắt. Lúc này, các cơ sở cách mạng từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi bị vỡ, nhiều đồng chí cốt cán bị bắt tù đày. Ông Phan Khắc và một số đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam đã bị chúng tuyên án 7 năm tù và đày từ Nhà lao Hội An lên Nhà lao Buôn Ma Thuột đầu năm 1940.

Trong nhà lao này, ông đã gặp các đồng chí Xứ ủy như Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực cũng bị bắt trước đó. Suốt trong thời gian từ năm 1940 đến 1945 các cuộc đấu tranh của anh chị em tù chính trị ở Nhà lao Buôn Ma Thuột diễn ra liên tục và ngày càng mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản trung kiên, trong đó có ông Phan Khắc và người em vợ là Trần Văn Quế, buộc địch phải nhượng bộ và thực hiện những yêu sách của tù nhân bấy giờ.

Ra tù trước Cách mạng Tháng Tám 1945, về Quảng Nam ông Phan Khắc được bổ sung vào Tỉnh ủy tham gia lãnh đạo phong trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Bấy giờ ông mới có bí danh là Phan Thêm. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia vào Ủy ban Hành chính tỉnh và trực tiếp làm Trưởng ban Điều tra (như Giám đốc Công an tỉnh bây giờ). Tháng 9-1945, Xứ ủy điều động ông ra Huế nhận nhiệm vụ mới.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh-Bí thư Xứ ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Phan Thêm làm Đặc phái viên Xứ ủy tại Tây Nguyên. Khi về Liên khu 5, ông được đồng chí Nguyễn Duy Trinh- Bí thư trao đổi, bàn thêm công việc khi về công tác ở địa bàn mới và ông được phép đem theo một tiểu đội du kích Ba Tơ-Quảng Ngãi. Trong hồi ký, ông tâm sự: “Chuyến công tác lần này tôi có nhiều lo lắng, vì bản thân không biết tiếng địa phương và phong tục, tập quán của họ...”.

Đặt chân đến Pleiku vào cuối mùa mưa năm 1945, với tư cách là Phái viên Xứ ủy, ông Phan Thêm đã xúc tiến việc xây dựng tổ chức Đảng, vì bấy giờ nơi đây chưa có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Ông đã cân nhắc một số thủ tục cơ bản của Đảng đồng thời phải giữ nguyên tắc và đảm bảo chất lượng, cuối cùng đi đến quyết định thành lập chi bộ đầu tiên tại Pleiku, gồm 9 đảng viên và cử đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư chi bộ (1-10-1945). Trách nhiệm nặng nề của chi bộ đầu tiên này là được giao nhiệm vụ như Ban Cán sự Đảng để phát triển thêm nhiều chi bộ khác ở nội thị, công nhân đồn điền, lực lượng vũ trang, ở An Khê và thị xã Kon Tum... tiến đến thành lập Đảng bộ Tây Sơn (Gia Lai và Kon Tum).

Sau một thời gian ngắn, từ hạt giống đỏ đầu tiên, ông Phan Thêm và các đồng chí của mình đã thành lập thêm các tổ chức cơ sở đảng ở An Khê, Kon Tum... đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ tỉnh. Ngày 10-12-1945, cũng tại Pleiku, Đảng bộ Tây Sơn được thành lập với 5 đồng chí vào Ban chấp hành: Phan Thêm-Bí thư và các đồng chí Trần Ren, Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân, Phạm Thuần làm ủy viên. Đảng bộ lúc này có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, tuy về mặt chính quyền tỉnh Kon Tum trực thuộc Ủy ban Hành chính Trung bộ.

Tháng 6-1946, giặc Pháp tái chiếm Tây Nguyên, cán bộ tỉnh Gia Lai lúc này tạm rút về vùng Phú Phong-Bình Định. Bấy giờ ông Phan Thêm đang họp Việt Minh Trung bộ ở Huế, nhận được điện ông theo xe đồng chí Nguyễn Duy Trinh-Bí thư Liên khu 5 về Bình Định để củng cố lại lực lượng kháng chiến chống Pháp. Khó khăn nhất trong thời điểm này là thiếu lương thực, tiền bạc để nuôi cán bộ. Một mặt, tổ chức tự vận động để xây dựng quỹ nuôi quân, đồng thời ông phải nhờ sự hỗ trợ vật chất của Tỉnh ủy Bình Định để xây dựng lại tổ chức, bắt tay vào hoạt động nắm lại cơ sở ở Gia Lai.

Sau khi tập hợp số cán bộ Gia Lai để động viên, củng cố lại tổ chức, Tỉnh ủy lúc này chỉ còn lại 3 đồng chí: Phan Thêm, Nguyễn Xuân, Phạm Thuần, được tiếp tục bổ sung thêm đồng chí Phan Bá (Võ Đông Giang) và Trần Thị Nguyên (vợ ông Phan Thêm, do Xứ ủy cử về) với quyết tâm xây dựng lại cơ sở cách mạng ở tỉnh nhà và xác định, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực, có tinh thần chiến đấu cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bấy giờ, cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai đóng ở Vĩnh Thạnh- Bình Định.

Trong hồi ký của mình, ông Phan Thêm kể: “Tôi và đồng chí Đỗ Trạc lên lại An Khê để móc nối với cán bộ cơ sở còn ở lại. Gặp được cụ Phương (đạo Cao đài) có tinh thần yêu nước, chống Pháp, thấy có điều kiện tốt, tôi quyết định lấy huyện An Khê làm địa bàn hoạt động chính...”. Tỉnh ủy quyết định cử các đồng chí: Nguyễn Xuân, Phạm Thuần, Trần Thị Nguyên cùng đồng chí Phạm Kiệm, cán bộ Việt Minh Trung bộ tăng cường, trực tiếp chỉ đạo huyện An Khê, xây dựng chiến khu Xóm Ké (Thanh Bình) làm nơi đóng cơ quan huyện và là nơi chỉ đạo phía trước của tỉnh.

Cuối năm 1946, Tỉnh ủy mở hội nghị cán bộ vùng Kinh An Khê với 30 cán bộ chủ chốt về dự. Hội nghị đã thành lập được Ban chấp hành Việt Minh huyện do cụ Nguyễn Hữu Phương làm Chủ nhiệm và đề ra khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến”; đồng thời hội nghị nêu quyết tâm đẩy mạnh phong trào trong thanh niên, phụ nữ, nông dân ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong khi đó, ở Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy Gia Lai đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ để phục vụ cho kế hoạch đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, bên cạnh chuẩn bị các điều kiện để xuất bản tờ Thông tin của Việt Minh tỉnh và tờ báo Sáng của Đảng bộ nhằm tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Đảng bộ và Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Từ đầu xuân 1947 đến Hè Thu năm 1948, sau khi đã củng cố được thực lực, bám sát cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, ta đã mở chiến dịch phản công địch trên khắp các mặt trận và liên tục lập được nhiều chiến công khiến địch phải co cụm lại và vùng giải phóng của ta được mở rộng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, dù quân và dân Gia Lai có những bất lợi nhất định, nhưng nhờ có những chủ trương đúng đắn và quyết tâm cao nên đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng, lấy lại tâm thế và từng bước giành thắng lợi. Bài học mà Tỉnh ủy Gia Lai rút ra lúc này là: Dù trong tình thế nào cũng phải luôn bám sát địch, không để cho chúng nắm dân; nhanh chóng luồn sâu vào vùng địch tạo cơ sở cách mạng để đánh địch.

Đây là một chủ trương đúng đắn trong tình thế cam go mà Tỉnh ủy Gia Lai đã vận dụng vào thực tiễn một cách linh hoạt, sáng tạo. Do vậy, phong trào kháng chiến ở Gia Lai thời kỳ này khá mạnh trên địa bàn Tây Nguyên, tạo đà cho cuộc kháng chiến chống Pháp giành những thắng lợi có tính quyết định sau này.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm