Nghệ sĩ kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nguyễn Bính từng cay đắng thốt lên: "Nhất khuyên đừng lấy chồng thi sĩ/Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con". Thi sĩ nhìn rộng ra không chỉ là nhà thơ nói riêng mà là nghệ sĩ nói chung. Từ xưa, chúng ta luôn đóng đinh trong đầu rằng đã là nghệ sĩ thì khó giàu. Quan niệm này không còn phù hợp khi nhìn ra xung quanh, nhiều nghệ sĩ đã thành doanh nhân thực thụ.
 

Khách có thể thử chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai tại Bazan quán.

Khách có thể thử chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai tại Bazan quán.

Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

“Kinh doanh là làm thơ bằng những con số”

“Cơm áo không đùa với khách thơ”, người nghệ sĩ thường có tâm hồn lãng mạn, bay bổng, trong khi việc kinh doanh vốn luôn đòi hỏi sự tỉnh táo, tính toán tỉ mỉ? Nhà thơ miên di-ông chủ của Ngói Nâu, một nhà hàng khá lớn và có tiếng tại TP. Pleiku, đồng thời là chủ của quán karaoke miên di lúc nào cũng đầy ắp khách, đã ồ lên khi được hỏi như vậy. “Kinh doanh cũng cần bay bổng và lãng mạn chứ. Chúng tôi mong muốn những gì mang đến cho khách hàng không chỉ là sản phẩm, mà còn là cảm xúc. Và tôi luôn tâm niệm, mỗi khách hàng cũng là một nghệ sĩ, khi họ thưởng thức và cảm nhận sản phẩm của mình. Khách hàng tinh tế lắm, họ thật sự là bậc thầy của nghệ thuật cảm thụ nên chúng tôi phải luôn cố gắng. Với chúng tôi, không phải doanh thu mà làm sao mang tới cho khách hàng thật nhiều cảm xúc từ dịch vụ của mình”-ông chủ quán Ngói Nâu bộc bạch.

Đến nhà hàng Ngói Nâu, không khó để thấy nhiều câu thơ của chính miên di khắp nơi. Không ngại tự “PR” cho mình, anh đơn giản muốn được chia sẻ với độc giả ở mọi nơi, mọi lúc. “Đó là niềm vui nho nhỏ của một người làm văn chương. Thơ miên di cần người đọc, cũng như Ngói Nâu cần khách hàng vậy. Tôi lặng lẽ quan sát những người khách đọc thơ miên di, đôi lúc bất ngờ về những cảm nhận của họ”.

Miên di kể, có lần, anh tiếp một người bạn ở xa đến Pleiku-người gốc Hà Nội, từng sống ở Pháp-một người tài giỏi và tinh tế đến bất ngờ. Uống cà phê xong, anh bỗng gọi một ly nước sôi để nguội để... thưởng thức, rồi nói: “Nước ở đây ngon quá!”. Theo anh, chính nguồn nước đã khiến cà phê và ẩm thực Pleiku ngon một cách đằm thắm. Nếu tách sản vật của Pleiku khỏi nguồn nước đun nấu nó thì hương vị sẽ không còn rõ nữa. Người ta thường nói “Nhạt như nước lã ao bèo”, nhưng ở Pleiku, ngay cả nước lã cũng ngọt ngào, đằm thắm.

Là một nhà thơ rất được yêu thích, anh đang chuẩn bị cho tập sách thứ hai, sẽ xuất bản vào đầu năm 2016. Tập sách gồm thơ và những tản văn nhỏ nhắn, đan xen nhau thành những câu chuyện mà bất cứ ai cũng thấy chính mình trong đó… Và cũng vào năm 2016, anh sẽ khai trương nhà hàng hải sản “D’ici là”. “Đây là ước mơ từ lâu của tôi-một bài thơ làm bằng kiến trúc Phục hưng Ý và bằng nghệ thuật ẩm thực. Một nơi mong mang đến cho người Pleiku “Cuộc du lịch tại chỗ” bằng ẩm thực và bằng không gian kiến trúc Phục hưng”-anh cho biết.

Từ chàng-trai-hát đến ông chủ nhà hàng Bazan

 

Bên ánh lửa bập bùng là giọng ca mãnh liệt của người con Jrai Ksor Thức.

Bên ánh lửa bập bùng là giọng ca mãnh liệt của người con Jrai Ksor Thức.

Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Ksor Thức là một cái tên khá nổi trong làng văn nghệ tỉnh nhà. Chàng trai người dân tộc Jrai cao ráo có khuôn mặt điển trai, cuốn hút và giọng hát hay bẩm sinh đầy nội lực, từ khi là sinh viên đã “chinh chiến” khắp các sân khấu trong-ngoài tỉnh với nhiều cuộc thi khác nhau đạt nhiều thành tích xuất sắc. Chất giọng vang, dày, khỏe đã khiến người nghe rung động da diết, thiết tha cùng lời tình tự của chàng trai Tây Nguyên dành cho người yêu, tình yêu mãnh liệt dành cho buôn làng, những người mẹ địu con lên rẫy, những người cha vào rừng săn thú... Bề dày thành tích ấy khiến nhiều người nhầm tưởng Thức học chuyên ngành nhạc, nhưng thực ra anh tốt nghiệp Sư phạm Mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và hiện anh đang là giáo viên tại Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku).

Là giáo viên dạy vẽ, lương chỉ ở mức tạm đủ, nhưng nhờ giọng hát trời phú mang phong cách Tây Nguyên đặc trưng, lại đàn hay nên anh được nhiều nơi gọi đi hát show, đàn hát góp vui trong những buổi liên hoan, gặp mặt, những cuộc gặp gỡ với khách phương xa. Lúc ấy, giọng hát của Ksor Thức như một “món đặc sản” của vùng đất Gia Lai được giới thiệu đến với du khách. Dần dần, chàng trai nhận ra rằng, trong những cuộc gặp gỡ, bên ly rượu và những câu chuyện bạn bè, nhu cầu được nghe đàn, hát rất lớn, thường xuyên và có thực. Từ đó, Thức đã nảy ra ý tưởng mở một nhà hàng chuyên phục vụ những món ăn mang đặc trưng của người Jrai như: cơm lam, gà nướng, dê nướng lồ ô, cá lóc nướng trui..., đồng thời phục vụ đàn, hát, đốt lửa ngay tại chỗ khi khách có nhu cầu. Và quán Bazan đã ra đời như thế.

 

Không gian thoáng đãng, thoải mái, gần gũi thiên nhiên của Bazan quán.

Không gian thoáng đãng, thoải mái, gần gũi thiên nhiên của Bazan quán.

Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

May mắn khi Thức tìm được cho mình đường hướng kinh doanh rõ ràng, phù hợp. Khách tới Bazan rất thích không gian thoáng đãng, món ăn ngon, và có thể yêu cầu chủ quán ngồi chung để cùng đàn hát. Ngoài ra, Bazan quán còn có hẳn đội nghệ nhân chơi nhạc truyền thống phục vụ khách. Nghệ sĩ thường lúc nào cũng mơ màng và khó để đối mặt với những con số lỗ-lãi phức tạp, nhưng với anh chàng người Jrai này thì chính phẩm chất nghệ sĩ là một thế mạnh trong việc kinh doanh. Bởi vậy mà Bazan quán đã trở thành địa chỉ quen thuộc, gần như là lựa chọn hàng đầu, để nhiều người làm nơi đãi khách. Và tại đây, giọng hát “máu lửa”, phiêu linh của ông chủ trẻ Ksor Thức là một “đặc sản”! Thức nói: “Mình muốn thanh niên Jrai phải biết cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa và mình sẽ là một trong những người tiên phong. Bản thân mình cũng phải cố gắng không ngừng, không vội hài lòng với những gì đang có”.

Hà Duy
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.