Nghệ sĩ của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là họa sĩ vẽ tranh tường vô cùng sắc nét, anh Đinh Iu (SN 1988, buôn Chư Ma, xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi năng khiếu sáng tác âm nhạc.

Từ nghệ thuật vẽ tranh tường

Chúng tôi gặp Đinh Iu khi anh đang miệt mài sáng tạo tác phẩm trên bức tường của một quán cà phê tại thị xã Ayun Pa. Lúc đứng, lúc khom người, quỳ gối, lúc bò trên mặt đất, những hình ảnh sống động làm cho bức tường vốn đơn điệu trở nên sinh động và mang tính nghệ thuật cao. Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, anh Đinh Iu bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khó khăn thuở thiếu thời.

Anh cho rằng, nếu không có sự dìu dắt, hỗ trợ, cưu mang của các thầy cô ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) thì không có họa sĩ Đinh Iu ngày hôm nay. Đam mê vẽ từ nhỏ nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chỉ biết lấy nhành cây, cục gạch làm bút vẽ trên nền cát, tường nhà. Đến tuổi đi học, khi trường tổ chức các cuộc thi vẽ, Đinh Iu luôn giành thứ hạng cao với những bức tranh đẹp mắt, sắc sảo khiến thầy cô, bạn bè không khỏi ngạc nhiên, thán phục.

Theo anh Đinh Iu, âm nhạc cũng giống như hội họa luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có đam mê và không ngừng sáng tạo. Ảnh: Vũ Chi

Theo anh Đinh Iu, âm nhạc cũng giống như hội họa luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có đam mê và không ngừng sáng tạo. Ảnh: Vũ Chi

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào chuyên ngành Hội họa Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Đinh Iu mừng đến phát khóc, chạy về khoe mẹ nhưng câu trả lời nhận được chỉ là “Tiền đâu mà học”. Tuy vậy, với đam mê cháy bỏng, chàng trai ấy quyết tâm vượt ra khỏi lũy tre làng. Nhập học được 2 tuần, mẹ và anh trai lên ký túc xá dọn đồ đem về bởi gia đình khó khăn quá. Thương học trò nghèo, thầy cô nhận cưu mang giúp đỡ. Rồi vừa học vừa làm thêm, năm 2010, Đinh Iu tốt nghiệp và được nhận vào làm tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa.

Để thỏa sức sáng tạo, 2 năm sau, anh Đinh Iu xin nghỉ việc và bắt đầu khởi nghiệp với nghề vẽ tranh tường. Theo anh, việc vẽ tranh tường đòi hỏi họa sĩ phải biết chọn chủ đề phù hợp, nắm được công nghệ pha màu và bố cục, có óc sáng tạo mới thể hiện đầy đủ nội dung, thần thái bức tranh. Một không gian nội thất ấn tượng với những bức tranh tường độc đáo sẽ tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. “Các bức tranh tường của tôi không chỉ truyền tải nét đẹp quê hương mà còn mang thông điệp cuộc sống giúp mọi người dễ dàng tiếp nhận. Quan trọng hơn hết là bản thân họa sĩ được tự do thể hiện cá tính theo cách riêng”-anh Đinh Iu chia sẻ.

Ngoài vẽ tranh tường, lúc rảnh rỗi, anh còn vẽ tranh trưng bày tại nhà hay tặng bạn bè làm kỷ niệm. Những bức tranh của anh thường có nội dung bình dị, miêu tả cuộc sống hàng ngày nơi buôn làng. Trong đó có bức “Chợ buôn Đê” được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật “Sắc núi” do Tỉnh Đoàn tổ chức tháng 12-2018. Bức tranh này được anh hoàn thành trong 2 ngày, lấy cảm hứng từ buổi theo mẹ đi chợ làng mua rau. Tác phẩm không chỉ lột tả cảnh buôn bán tấp nập nơi chợ quê mà còn thể hiện được sự bình yên, ấm áp thông qua cái nhìn và tâm hồn của người nghệ sĩ.

Với mong muốn khơi dậy đam mê hội họa cho trẻ em, anh Đinh Iu mở lớp dạy vẽ trong làng. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, anh dạy miễn phí và tặng thêm màu, cọ, giúp các em có thêm động lực theo đuổi ước mơ. Lúc rảnh rỗi, anh còn theo chân các đoàn thiện nguyện xuống các buôn làng trao quà, vẽ tranh tặng các em nhỏ. “Mơ ước lớn nhất của tôi là thành lập câu lạc bộ những người đam mê hội họa cùng nhau phát triển nghệ thuật vẽ tranh tường đường phố, vừa làm đẹp cho không gian đô thị, vừa thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, đồng thời truyền tải thông điệp ý nghĩa đến với mọi người”-anh Đinh Iu trải lòng.

Đến sáng tác âm nhạc

Không chỉ đam mê hội họa, anh Đinh Iu còn có một tình yêu lớn đối với âm nhạc. Anh cho hay, trong một chuyến tham quan tại TP. Đà Nẵng do Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức, anh đã sáng tác bài hát đầu tay “Một thời bên biển xanh” khiến thầy cô trong trường khá bất ngờ và nhận phối nhạc giùm. Quãng thời gian dài đi biểu diễn dưới các buôn làng cũng tạo cơ hội cho anh có nhiều sáng tác về quê hương. Trong đó, một số sáng tác được nhiều người đón nhận và đánh giá cao như: Dù đi đâu cũng nhớ về Ayun Pa, Ayun Pa ai đã từng ghé thăm, Pleiku tình yêu đại ngàn... Các sáng tác này đều được nhạc sĩ Phi Ưng của ban nhạc Bazan phối nhạc.

Đinh Iu (áo trắng) cùng nhóm nhạc biểu diễn ca khúc "Ayun Pa ai đã từng ghé thăm" tại khu du lịch Suối đá 2, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Rmah Kim

Đinh Iu (áo trắng) cùng nhóm nhạc biểu diễn ca khúc "Ayun Pa ai đã từng ghé thăm" tại khu du lịch Suối đá 2, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Rmah Kim

“Ai đã từng ghé thăm về quê hương Ayun Pa/Bầu trời trong xanh những cánh đồng lúa chín/Đàn yến tung bay lượn khắp nơi nơi/Ai đã từng ghé thăm về Ayun Pa thân yêu/Mùa hạ dặm mưa mùa đông dài nắng…”. Lời ca mộc mạc, gần gũi trong ca khúc “Ayun Pa ai đã từng ghé thăm” giúp anh Đinh Iu truyền tải được vẻ đẹp, tình yêu quê hương đến với mọi người. “Âm nhạc cũng giống như hội họa luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có đam mê và không ngừng sáng tạo. Chưa thể gọi là thành công nhưng với tôi, mỗi bức tranh, mỗi bài hát ra đời đều là đứa con tinh thần, là phương tiện giúp tôi truyền tải cảm xúc và thông điệp ý nghĩa đến công chúng. Tôi có thể ngồi cả ngày bên trang giấy hay lăn, lê, bò, trườn bên các bức tường, bởi khi ấy tôi được là chính mình, được thỏa sức “cháy” với đam mê”-anh Đinh Iu bày tỏ.

Ông Trương Như Đệ-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Ayun Pa-đánh giá: Là thành viên trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Ayun Pa, Đinh Iu được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ bởi niềm đam mê và tài năng nghệ thuật. Hàng quý, Câu lạc bộ đều xuất bản tập san nhằm giới thiệu tác phẩm của các thành viên đến với công chúng. Hy vọng cùng với đam mê và sự sáng tạo không ngừng, Đinh Iu sẽ tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm giá trị, mang đậm hơi thở cuộc sống, góp phần vào sự phát triển chung của sân chơi nghệ thuật địa phương.

Có thể bạn quan tâm