Ngành GTVT hoàn thành nhiệm vụ "đi trước mở đường"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành giao thông vận tải cho thấy ngành đã triển khai tốt những nhiệm vụ công tác đề ra, hạ tầng giao thông vận tải “đi trước mở đường”. Tuy nhiên, ngành không hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2017, việc quản lý, tổ chức vận hành các trạm BOT còn bất cập...

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới tất cả các Sở GTVT tại các địa phương.

 

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự, chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2017, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động của ngành GTVT đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Đã chủ  động rà soát và phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức, địa phương kịp thời điều chỉnh, đề xuất sửa đổi các quy định bất cập, nhằm tháo gỡ khó khăn, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các quy định về điều kiện kinh doanh ngành GTVT.

Năm 2017, Bộ đã hoàn thành toàn bộ chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 4 đề án; ban hành theo thẩm quyền 53 thông tư và 05 đề án; trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt.

Công tác quản lý vận tải tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bộ đã chủ động đối thoại, kịp thời trả lời kiến nghị, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải.

Sản lượng vận tải năm 2017 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt 1.443 triệu tấn hàng, tăng 9,8%; đạt 4.082 triệu lượt hành khách, tăng 11,1%.

Công tác bảo đảm trật tự - an toàn giao thông, giảm ùn tắc là một trong những ”điểm sáng” của năm 2017. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông được triển khai tích cực. Công tác tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được tăng cường.

Năm 2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, làm bị thương 17.040 người. So với năm 2016, giảm 1.509 vụ (giảm 6,99%), giảm 406 người chết (giảm 4,67%), giảm 2.240 người bị thương (giảm 11,62%).

Việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành được thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao. Năm 2017, toàn ngành đã kịp thời hoàn thành, đưa vào khai thác 22 dự án, khởi công mới 12 dự án. Ngành GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát, các cơ quan của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tập trung rà soát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án BOT.

Bên cạnh đó, ngành GTVT đã tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh công tác chuẩn bị các dự án trọng điểm như trình Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; triển khai lựa chọn tư vấn rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Ngành GTVT cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân cho các dự án, công trình GTVT. Tổng cộng các nguồn vốn giải ngân ước đạt 60.761 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch.

Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Trong đó, đã kịp thời xây dựng, đưa vào sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vượt mức kế hoạch đề ra. Theo xếp hạng của Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Nội vụ, Bộ GTVT đã dẫn đầu 20 bộ, ngành về chỉ số xếp hạng dịch vụ công trực tuyến 2 năm liên tiếp 2016-2017.

Trong điều kiện mưa bão, thiên tai xảy ra thường xuyên, ngành GTVT cũng đã chủ động, triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GTVT vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Bộ GTVT đã không hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2017, điều này kéo theo việc chậm tiến độ nhiều công trình, dự án, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư. Năm 2017, việc quản lý, tổ chức vận hành các trạm BOT còn bất cập, chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội và người dân. Cùng với đó, sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải còn chưa được khắc phục, sức ép lên hàng không, đường bộ là quá lớn.

Năm 2018, ngành GTVT đặt ra nhiều mục tiêu lớn, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đối tác công tư. Chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư đối tác công tư, khẩn trương rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính và chuyên môn, kỹ thuật. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình thiết yếu có quy mô lớn, có sức lan tỏa, kết nối giữa các vùng miền, nhất là hạ tầng tại các khu vực trọng điểm, đô thị lớn, như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển, điện và năng lượng, các dự án giảm ùn tắc giao thông; đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến hành lang ven biển phía bắc và phía nam; kết nối một số tuyến giao thông trong tổng thể hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á...

Xuân Tuyến-Nhật Bắc/chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.