(GLO)- Đạo Phật đã hiện hữu ở Việt Nam từ 2.000 năm trước. Cho đến đời vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn 974-1028. Năm 35 tuổi (15-3-1009), ngài dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long), đạo Phật trở thành tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Lý Thái Tổ là vị vua có công lớn trong việc đưa Phật giáo trở thành quốc đạo bấy giờ.
Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã ban hành chính sách trọng đãi Phật giáo, ban phẩm phục cho tăng ni. Đáng chú ý là ngài đã cho xây dựng 8 ngôi chùa mới: Hương Thiên Ngự, Vạn Tuế, Thắng Nghiêm, Thiên Vương Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang, Thiên Đức. Suốt triều Lý, đến cả triều Trần, đạo Phật luôn được triều đình phong kiến quan tâm, đặc biệt là sự kiện nhà vua-Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Minh Thành, TP. Pleiku. |
Ở Tây Nguyên, mặc dù đạo Phật được truyền bá muộn hơn-chỉ khoảng 100 năm trở lại đây-song đã có một vị trí nhất định trong đời sống tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Chùa sắc tứ Khải Đoan xây dựng năm 1951 tại TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak (ghép tên vua Khải Định và vợ là Đoan Huy-Hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại) do Hoàng Thái hậu Đoan Huy cho xây dựng và Nam Phương hoàng hậu trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý thi công đánh dấu một thời kỳ hưng thịnh của đạo Phật trên vùng “Hoàng triều cương thổ “ này.
Còn Gia Lai, hay nói cụ thể hơn là ở Pleiku, đạo Phật đã lên đây cùng với những người dân từ vùng Duyên hải miền Trung đến cao nguyên lập nghiệp ở An Mỹ, Phú Thọ, Biển Hồ… Buổi đầu khó khăn rồi cũng qua. Nhiều ngôi chùa, nhiều niệm Phật đường mọc lên, đánh dấu một bước tiến triển của đạo Phật trên vùng đất mới. Qua 2 cuộc chiến tranh, qua thời gian, cơ sở vật chất của nhiều ngôi chùa đã bị xuống cấp, không ít chùa chỉ do ban hộ tự hoặc các cư sĩ tu tại gia quản lý.
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Nhà nước thông qua chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; được sự giảng dạy của chư tôn đức, đạo Phật ở Gia Lai lại khởi sắc. Đến nay toàn tỉnh có hơn 80 chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường, gần 300 tăng ni và hơn 100.000 phật tử. Tập trung nhất là TP. Pleiku với hàng chục ngôi chùa như: Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Châu, Bửu Sơn, Bửu Phước, Bửu Minh, Bửu Long, Quan Âm, Phước Minh, Thừa Ân, Vĩnh Nghiêm, Minh Thành, Phước Hòa, tịnh xá Ngọc Phúc…
Trong thực tế đời sống, nhiều ngôi chùa không chỉ là nơi tu tập của tăng ni, là điểm tựa tinh thần của phật tử mà còn thu hút du khách từ mọi miền đến tham quan cảnh vật, tìm hiểu văn hóa. Bất kỳ ai mỗi khi vào chùa, chiêm ngưỡng đức Phật, con người luôn cảm thấy mình từ bi, hướng thiện. Mỗi buổi chiều tối và sáng sớm-thời khắc kết thúc và mở đầu-tiếng chuông chùa lại chầm chậm rót vào không gian âm thanh ngân nga trầm ấm, đĩnh đạc, bao dung. Ngàn năm qua, lịch sử đã chứng minh việc Đạo và việc Đời luôn gắn kết trong quá trình phát triển đạo Phật ở Việt Nam. Việc đời luôn được các chùa quan tâm, xem đó là một nhiệm vụ của tăng ni. Ở Gia Lai cũng vậy! Nhiều chùa thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ nỗi đau đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những người mắc bệnh hiểm nghèo. Ngay sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ, các chùa thường thành lập đoàn từ thiện gồm tăng ni và phật tử, quyên góp, đến tận nơi thăm hỏi, cứu trợ đồng bào. Có chùa còn tổ chức nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ như sư cô Minh Nguyên-trụ trì chùa Bửu Châu, TP. Pleiku nuôi hơn 30 cháu bé mồ côi. Mặc dù được sự hỗ trợ không nhỏ của nhiều nhà hảo tâm và phật tử song không thể đắp đổi đủ nhu cầu của các cháu ngày một lớn, sư cô phải mở quán cơm chay để lo cái ăn, cái mặc, việc học hành cho các cháu…
Dưới chế độ ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đạo Phật không ngừng phát triển. Ngày nay đi bất cứ đâu, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng lên miền núi, nơi nào chúng ta cũng gặp những mái chùa cong vút như nối ngôi chùa vào không gian bao la. Các tăng ni không chỉ thấu rõ kinh kệ mà còn hiểu biết rộng như một bậc thức giả, đó là nhờ công đức tu học. Ngay cả một tỉnh miền núi như Gia Lai, đã có ba vị có học vị Tiến sĩ: Thượng tọa Thích Tâm Tường-Trụ trì chùa Bửu Thắng, Pleiku và Đại đức Thích Giác Duyên-Tịnh xá Ngọc Phúc, Pleiku, Đại đức Thích Quảng Phước-Trụ trì chùa Mỹ Thạch, huyện Chư Sê cùng nhiều thạc sĩ như: Đại đức Thích Tâm Mãn-chùa Minh Thành, Pleiku; sư cô Thích nữ Chánh Liên-Tịnh xá Ngọc Trung, thị xã An Khê; sư cô Thích nữ Hộ Minh-chùa Khánh Thiện, huyện Chư Prông… và rất nhiều tăng ni có trình độ cử nhân Phật học… Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai đã thành lập Trường Trung cấp Phật học Gia Lai tại TP. Pleiku, tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ Phật pháp, văn hóa cho các tăng ni trong tỉnh và các tỉnh Bắc Tây Nguyên chưa có trường Phật học như: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông. Đây là một bước tiến lớn trong việc thực hiện phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thanh Phong