NASA rót ngân sách tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự án, do các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Đại học Rochester (Mỹ) hợp lực triển khai, sẽ dùng các kính thiên văn hiện có để phát hiện các dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh.
Cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất một lần nữa được tái khởi động Ảnh: AFP/GETTY
Cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất một lần nữa được tái khởi động Ảnh: AFP/GETTY

Lần đầu tiên trong 3 thập niên, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ cho dự án tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất.

Các nhà nghiên cứu tin rằng trong khi sự sống ở những nơi khác (nếu có) có lẽ sẽ vô cùng khác biệt so với Trái đất, những tín hiệu từ những thế giới này, dù vô tình hay cố ý, nhiều khả năng tương tự của địa cầu.
Vì thế, giới chuyên gia hy vọng trong quá trình triển khai dự án có thể bắt được những tín hiệu mà các nền văn minh khác đang phát ra.
“Những dấu hiệu công nghệ (technosignature) có thể bao gồm tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động công nghiệp, chiếu sáng đô thị, các tấm pin điện mặt trời, hoặc mạng lưới vệ tinh”, theo tờ Independent UK dẫn lời giáo sư Avi Loeb của Đại học Harvard.
Giới thiên văn học tin rằng dự án mới sẽ mang lại cơ hội thành công lớn hơn so với quá khứ, vì nhân loại đã đạt được bước tiến dài trong lĩnh vực tìm kiếm những thế giới khác, cũng như nắm được những yếu tố cần thiết để các hành tinh có thể duy trì sự sống.
Nói cách khác, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể biết được chính xác họ cần phải tìm kiếm cái gì.
“Công cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI) luôn đối mặt với thách thức là phải nhìn về hướng nào. Ngôi sao nào nên tập trung theo dõi và tín hiệu nào cần xác định”, giáo sư Adam Frank của Đại học Rochester phân tích.
“Chúng ta hiện đã biết được cần phải hướng kính viễn vọng về phía nào. Chúng ta hiện có danh sách hàng ngàn hành tinh ngoài Trái đất, bao gồm các đối tượng tiềm năng ở khoảng cách phù hợp với sao trung tâm để sự sống có thể sinh sôi. Cuộc chơi đã thay đổi”, giáo sư Frank nhấn mạnh.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm 2 tín hiệu chính: các tấm pin điện mặt trời và sự  ô nhiễm không khí. Mục tiêu tiềm năng có lẽ là Proxima Centauri, hệ sao gần Trái đất nhất.
“Proxima Centauri (cách Trái đất khoảng 4,2 năm ánh sáng) đang chứa một hành tinh có khả năng dung dưỡng sự sống là Proxima b. Đây là hành tinh được cho bị 'khóa' một mặt vĩnh viễn với sao trung tâm, có nghĩa là một bên của hành tinh luôn là ban ngày và mặt còn lại chìm trong đêm tối”, giáo sư Loeb cho biết.
Vì thế, theo chuyên gia trên, nếu một nền văn minh đang tồn tại ở mặt tối muốn thắp sáng hoặc sử dụng năng lượng cho các hoạt động của đời sống, có lẽ họ sẽ đặt các bảng pin điện mặt trời bên phần ban ngày và chuyển năng lượng về mặt ban đêm của hành tinh. 
Theo Hạo Nhiên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm