NASA nghiên cứu đá Mặt trăng sau nửa thế kỷ lưu trữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học muốn sử dụng những công nghệ phân tích tiên tiến của thế kỷ 21 hơn là những công nghệ thời kỷ nguyên tàu Apollo để có cái nhìn đầy đủ và toàn vẹn về những mẫu vật không gian này ở mức độ chưa từng có.

 Các nhà khoa học của NASA mở lấy mẫu vật - Ảnh: NASA
Các nhà khoa học của NASA mở lấy mẫu vật - Ảnh: NASA
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, lần đầu tiên các nhà khoa học của họ mở những mẫu vật được thu thập sau các sứ mệnh không gian của tàu Apollo. Cụ thể, các mẫu vật được lấy từ Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 17 sẽ lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường Trái đất sau 47 năm được cất giấu kỹ lưỡng trong nhà kho của NASA.
Các mẫu vật được mở ra lần này gồm một viên đá và một viên sỏi được đánh số lần lượt là 73001 và 73002, do hai nhà du hành vũ trụ Eugene Cernan và Jack Schmitt đem về Trái đất sau sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.
Trong đó, mẫu 73002 là đáng chú ý hơn cả và đã được mở ra vào ngày 5/11. Nó được lấy từ lớp đất bao phủ bề mặt Mặt trăng - hay còn được gọi là regolith - được hình thành do tác động của thiên thạch. Địa điểm thu thập mẫu vật này là gần nơi tàu Apollo 17 đáp xuống.
NASA khẳng định việc phân tích hai mẫu vật này có thể giúp các nhà khoa học có được những thông tin hữu ích về Mặt trăng, kể cả lịch sử những xáo trộn trên bề mặt Mặt trăng, sự xuất hiện của các vụ lở đất đá tại đây cũng như quá trình phát triển của lớp đất bao phủ hành tinh này. Hiện vẫn còn một số mẫu vật do các tàu thăm dò Apollo 15, 16, 17 lấy từ Mặt trăng vẫn chưa được nghiên cứu.
Giải thích về việc tại sao phải đợi đến 47 năm sau, các mẫu vật mới được nghiên cứu, NASA cho biết, các nhà khoa học muốn sử dụng những công nghệ phân tích tiên tiến của thế kỷ 21 hơn là những công nghệ thời kỷ nguyên tàu Apollo để có cái nhìn đầy đủ và toàn vẹn về những mẫu vật không gian này ở mức độ chưa từng có.
BT (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm