Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.212 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 436 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 3,5 tỷ USD; 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD.
Tín hiệu đáng mừng
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 20-6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 217,36 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng, nếu tính riêng kỳ 1 tháng 6 (từ 1 đến 15-6) thì tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đạt 20,57 tỷ USD, tăng tới 18,2% so với kỳ tháng 5-2020. Cán cân thương mại đạt thặng dư 170 triệu USD, nâng lũy kế cán cân thương mại từ đầu năm đến nay thặng dư 3,75 tỷ USD.
Điều này cho thấy, tuy dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp trên thế giới nhưng nhiều doanh nghiệp nội vẫn chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến những doanh nghiệp hoạt động sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất bóng đèn xuất khẩu tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG |
Lãnh đạo Công ty cổ phần Sữa Việt Nam cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, công ty đã ký hàng loạt hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” trên thế giới. Phải kể đến như hợp đồng xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa cho thị trường Trung Đông, ký tại Dubai với tổng giá trị lên đến 20 triệu USD. Kế đến, công ty tiếp tục xuất khẩu lô hàng sản phẩm sữa Ông Thọ vào thị trường Trung Quốc. Và vào đầu tháng 6, công ty đã thắng lớn khi ký kết xuất khẩu thành công lô hàng sản phẩm “sữa hạt” có giá trị lên đến 1,2 triệu USD vào thị trường Hàn Quốc.
Không dừng lại đó, hàng loạt công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng đang căng sức sản xuất, nhằm đáp ứng tối đa đơn hàng đang dồn dập đổ về.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại In Minh Mẫn cho biết, từ đầu năm đến nay, ngoài việc duy trì ổn định những đơn hàng cung ứng cho Tập đoàn Samsung, công ty cũng đang xem xét tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu.
Lý giải cho thực tế này, nhiều doanh nghiệp cho biết, do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam kết hợp thiết lập chuỗi cung ứng mới. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tăng đột biến trong thời gian qua.
Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản, trong một cuộc khảo sát gần đây cũng khẳng định, có đến hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dịch chuyển, mở rộng đầu tư cũng như tìm kiếm cơ hội để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ tại Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung mà doanh nghiệp khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… đang triển khai mạnh hiện nay.
Chặng đường còn dài
Đơn đặt hàng nhiều nhưng để các doanh nghiệp nội có thể hấp thu và chuyển hóa đơn hàng này thành hiện thực, đòi hỏi phải có nội lực nhất định. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp, Sở Công thương TPHCM cho rằng, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được yêu cầu này.
Đơn cử, Tập đoàn Samsung cần 250 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 tại Việt Nam, nhưng hiện chỉ có 50 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn mà tập đoàn này yêu cầu. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp phải trải qua quy trình cải tiến năng lực sản xuất do chính tập đoàn này hỗ trợ thực hiện.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Sản xuất thương mại In Minh Mẫn, để có thể tham gia chuỗi cung ứng của Samsung nói riêng và các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối nói chung, công ty phải cải tiến quy trình sản xuất, giảm 72% tỷ lệ lỗi ở đầu khách hàng, giảm đáng kể giá trị tồn kho vật tư.
Riêng với những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường khó tính thì những tiêu chuẩn về quy mô, công nghệ sản xuất, quy trình vận chuyển, chất lượng sản phẩm… còn phải khắt khe hơn rất nhiều. Ông Mai Hoài Anh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, sở dĩ công ty có thể tham gia sâu vào thị trường khó tính, doanh nghiệp đã phải có thời gian dài đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thương hiệu sản phẩm...
Có thể thấy, nâng chất hàng Việt, mà trước đó là nâng chất quy mô sản xuất sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, rất cần Chính phủ đẩy nhanh những gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, kéo giãn thời hạn nộp thuế, chuyển nợ thuế sang năm 2021 và các năm tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình phục hồi kinh tế, cũng như sức khỏe của doanh nghiệp. Riêng các chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp, cần phân chia ra làm 2 loại.
Một là gói chính sách giải cứu cần triển khai ngay, bao gồm gói tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ; hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động.
Còn lại, với gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất, ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho doanh nghiệp được vay hay không, để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…
Theo ÁI VÂN (SGGPO)