(GLO)- Qua 5 năm triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2011-2015, vai trò vị trí của phụ nữ ở Gia Lai ngày càng được khẳng định và nâng cao. Đó là nền tảng vững chắc để chiến lược đậm tính nhân văn này tiếp tục được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Ảnh: Đinh Yến |
Về mục tiêu “Bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý, giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới”, khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước được giảm dần. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ đó, nâng cao nhận thức và có sự đổi mới trong công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí cán bộ nữ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 không đạt tỷ lệ chung từ 30% trở lên theo định hướng của Trung ương. Tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử vào Quốc hội đạt 1/7 đại biểu (chiếm 14,3%), giảm 14,27% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử vào HĐND các cấp không đạt theo kế hoạch nhưng tăng so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử vào HĐND cấp tỉnh 24/77 (chiếm 31,2%) tăng 4,5%; tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử vào HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố 131/593 (chiếm 22,1%) tăng 2,4%; tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử HĐND cấp xã, phường 1.192/5.906 (chiếm 20,2%), tăng 3,8%; tỷ lệ nữ tham gia vào ban lãnh đạo của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố là 14/41 (chiếm 34,1%).
Về mục tiêu “giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm”, Gia Lai đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới chỉ đạt trên 54%, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1%; 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, việc làm. Tỷ lệ phụ nữ được vay vốn từ các chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng từ 67% năm 2011 lên 82% cuối năm 2015, vượt 2% so với chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đối với lao động nữ giảm xuống còn dưới 3,4%; tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động được đào tạo tăng từ 30% lên 33%, trong đó đào tạo nghề tăng từ 26% lên 28%.
Mục tiêu về “bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin” cũng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của tỉnh ta vẫn ở mức cho phép 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản chưa đạt, giảm từ 28/100.000 trẻ đẻ sống xuống còn 23/100.000 trẻ (chỉ tiêu kế hoạch là 15/100.000 trẻ); tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 40%; giảm tỷ lệ phá thai xuống 27/100 trẻ đẻ sống; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 3 lần tăng từ 79,15% lên 90%; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh và 66% có bác sĩ.
Những kết quả nêu trên cho thấy, vai trò và vị thế của phụ nữ trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai, cho rằng: Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục làm tốt việc tham mưu, đề xuất với tỉnh đề ra các chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát triển toàn diện. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép công tác bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan địa phương, nhất là thực hiện lồng ghép giới vào các lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch trong nhóm các mục tiêu và chỉ tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trong chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2015-2020.
Đinh Yến