(GLO)- Cùng với dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh chú trọng triển khai. Trong bối cảnh thầy và trò không thể đến trường thì đây được xem là giải pháp hợp lý giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, hình thức học tập này cũng đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi sự linh hoạt của cả giáo viên lẫn học sinh.
“Dừng đến trường nhưng không dừng học”
Năm học 2019-2020, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai có 424 học sinh, riêng khối 12 có 140 em. Để đảm bảo chất lượng dạy và học, ngay từ những ngày đầu học sinh tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19, nhà trường đã chủ động triển khai dạy học qua internet, đồng thời khuyến khích học sinh học trên truyền hình. Thầy Hà Hữu Phúc-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Ngoài giảng dạy online theo thời khóa biểu, chúng tôi còn đăng tải đường link các bài học trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Hà Nội, kênh VTV7-Đài Truyền hình Việt Nam và gần đây là của Đài PT-TH Gia Lai lên hệ thống chung của trường để các em có thể truy cập vào xem lại nếu chưa có điều kiện theo dõi trực tiếp trên ti vi. Bên cạnh những giờ học trực tuyến, đây thực sự là nguồn tư liệu hữu ích giúp các em tham khảo và bổ sung kiến thức. Theo khảo sát, có khoảng 80% học sinh lớp 12 theo dõi bài dạy của giáo viên trên các kênh truyền hình”.
Dạy học trên truyền hình là giải pháp hợp lý giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức trong thời gian có dịch Covid-19. Ảnh: N.T |
Trong ngôi nhà nhỏ tại làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro), em Đinh Thị Sách-học sinh lớp 12A (Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai) tranh thủ mở điện thoại xem lại bài giảng môn Toán trên Đài PT-TH Gia Lai. “Thầy dạy và hướng dẫn ôn tập tương đối dễ hiểu. Qua các bài học này, em tiếp thu được thêm một số kiến thức hay. Nhưng vì không có nhiều thời gian nên em chỉ xem lại chứ không thể xem trực tiếp các kênh này. Em đang cố gắng ôn tập thật tốt để có thể thi đỗ tốt nghiệp THPT và trở thành sinh viên Y khoa”-Sách cho biết. Cùng tâm trạng, em Lương Thị Quỳnh Anh-học sinh lớp 12A1 (Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê) phấn khởi: “Em thích được xem các thầy cô địa phương mình trực tiếp ôn tập kiến thức trên truyền hình. Em thường xuyên cập nhật ngày phát sóng và xem lại để củng cố kiến thức, không để bị quên bài vở trong thời gian nghỉ học ở nhà phòng-chống dịch Covid-19 và sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp đến”.
Với phương châm “Học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học”, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp cùng Đài PT-TH tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình đối với lớp 9 (từ ngày 14-3) và mới đây là lớp 12 (từ ngày 2-4) với 3 môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Thời lượng phát sóng của mỗi môn là 40 phút; khung giờ phát sóng từ 9 giờ 35 phút đến 10 giờ 15 phút và phát lại lúc 14 giờ 45 phút đến 15 giờ 25 phút cùng ngày (trừ chủ nhật). Chương trình nhằm giúp học sinh lớp 12 ôn tập, củng cố kiến thức trọng tâm, đặc biệt là chuẩn bị thật tốt để tự tin bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến. Sau khi phát sóng, chương trình đã thu hút đông đảo học sinh quan tâm theo dõi.
Ngành Giáo dục huyện Chư Prông triển khai lịch học trên truyền hình đến các trường học trên địa bàn huyện. Ảnh: M.T |
Để đảm bảo chất lượng bài giảng trên truyền hình, ngành GD-ĐT tỉnh đã lựa chọn những giáo viên giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao. Bài giảng cũng được đầu tư kỹ lưỡng, bám sát chương trình học với cách truyền đạt ngắn gọn, súc tích giúp các em dễ dàng nắm bắt kiến thức. Cô Hà Hoài Phương-Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT chuyên Hùng Vương) thông tin: “Để phù hợp với học sinh, chúng tôi đã lựa chọn nội dung dạy học dựa trên 2 tiêu chí: một là bám sát chương trình đã điều chỉnh, giảm tải của Bộ GD-ĐT để ôn tập đúng trọng tâm, đúng hướng, tận dụng tối đa quỹ thời gian hạn hẹp trên sóng truyền hình để củng cố, khắc sâu kiến thức và kỹ năng cho học sinh; hai là bám sát cấu trúc đề tham khảo năm 2020 của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, tăng cường dạy kỹ năng và phương pháp làm bài cho học sinh ứng với từng phần, từng dạng câu hỏi, từng dạng đề. Nội dung bài học sẽ do đội ngũ giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy cùng nhau xây dựng. Sau khi ghi hình xong có thể cắt gọt, chỉnh sửa, đảm bảo sự chỉn chu về nội dung và hình thức của bài học”.
Cần chủ động, linh hoạt
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc dạy học trên truyền hình đã góp phần khắc phục hạn chế của hình thức dạy học qua internet như: đường truyền tốt và ổn định, âm thanh và hình ảnh rõ ràng, sắc nét hơn nên học sinh có thể tiếp thu bài một cách hiệu quả; những học sinh không có điều kiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị để học tập trực tuyến thì vẫn có thể lĩnh hội kiến thức thông qua việc học trên ti vi; các trường có thể lưu lại bài giảng để làm tư liệu dạy và học cho những năm tiếp theo... Tuy nhiên, việc dạy học trên truyền hình cũng có một số hạn chế. Theo chia sẻ của các giáo viên tham gia giảng dạy, điều khó khăn nhất với họ là phải làm sao để học sinh thực sự thấy bổ ích, hứng thú khi một mình ngồi học bên ti vi. “Bản thân người dạy phải thật vững vàng về chuyên môn, dạy chất lượng và cuốn hút. Các bài giảng phải thực sự thiết thực, bổ ích với học sinh, nhất là trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, học sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị, coi việc học trên truyền hình là một kênh bổ trợ kiến thức”-cô Phương chia sẻ.
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Để khắc phục những hạn chế của hình thức dạy và học trên truyền hình, Sở đang chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh theo dõi chương trình, phản hồi về nội dung học với giáo viên bằng tin nhắn qua số điện thoại, Facebook để tương tác trực tiếp. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của mọi người để việc dạy học trên truyền hình ngày càng hoàn thiện hơn. Thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Đài PT-TH Gia Lai duy trì và phát huy hiệu quả của chương trình không chỉ trong giai đoạn nghỉ phòng-chống dịch bệnh mà còn cả thời gian sau này, khi các em trở lại trường”. |
Ngoài ra, sự thiếu tương tác giữa thầy-trò trong dạy và học qua truyền hình cũng khiến cho việc tiếp thu bài giảng của học sinh chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Thầy Lương Thế Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang) phân tích: “Trình độ học sinh trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, đa số học lực của các em không cao. Việc dạy học trên truyền hình chỉ một chiều, học sinh không hiểu bài cũng chẳng thể hỏi và ngược lại giáo viên cũng không hề biết mà giải thích. Thêm vào đó, nhà trường và giáo viên cũng không thể quản lý được học sinh tham gia học trên truyền hình mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của các em và sự đồng hành, giám sát từ phía phụ huynh”.
Một tiết dạy Ngữ văn trên truyền hình. Ảnh: M.T |
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thái Nguyên-giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-cho rằng, giải pháp dạy học trên truyền hình khá hữu ích với những học sinh có học lực từ trung bình-khá trở lên, nhưng với các em học lực trung bình-yếu thì sẽ hạn chế hơn. Mặt khác, đa số học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên các em thường tranh thủ phụ giúp bố mẹ trong những ngày nghỉ học, do đó gần như không có thời gian để ngồi trước ti vi học tập mỗi ngày.
Em Đinh Thị Xuyết-học sinh lớp 12A1 (Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Kông Chro) tâm sự: “Lịch dạy trên truyền hình em đã ghi chi tiết trong cuốn sổ tay để theo dõi nhưng học thì bữa được, bữa không bởi thời gian phát sóng em phải chăn bò phụ bố mẹ. Chỗ nào khó hiểu, không biết làm thì em tìm cách giải trên mạng và hỏi thêm bạn bè, thầy cô”. Còn em Trần Ngọc Thúy-học sinh lớp 12A (Trường THPT Anh Hùng Núp) thì cho hay: “Vì đầu chảo ti vi nhà em không bắt được sóng của Đài PT-TH Gia Lai nên em chuyển sang tham khảo bài học trên kênh VTV7. Thầy cô giảng bài cũng dễ tiếp thu, bên cạnh truyền đạt kiến thức cơ bản còn chỉ một vài mẹo nhỏ để giải bài tập và làm bài thi đạt kết quả tốt. Thế nhưng, không phải lúc nào em cũng có thể theo dõi bài học được vì hầu như thời gian phát sóng đều trùng với thời khóa biểu học trực tuyến của trường”.
MỘC TRÀ-NGỌC THU