Năm 2021, chiêm ngưỡng mặt trăng 5 lần "biến hình"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong đó, lần biến đổi ngoạn mục nhất là "siêu trăng hoa máu" vào tháng 5 năm nay. Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn quan sát trọn vẹn mặt trăng tròn kỳ ảo này.
NASA, Earth Sky và Time and Date đã chỉ ra những hiện tượng kỳ thú mà mặt trăng đem đến cho người Trái Đất trong năm 2021. Đó là những lần siêu trăng, trăng máu (nguyệt thực), mặt trăng "ăn" Mặt Trời (nhật thực).
1. Siêu trăng hồng 27-4
Siêu trăng là hiện tượng mặt trăng rơi đúng vào điểm gần Trái Đất ngay đêm trăng tròn. Tại Việt Nam, siêu trăng sẽ mọc vào đêm 27-4. Còn lý do trăng tháng 4 được gọi là "trăng hồng" là vì cư dân Âu Mỹ có thói quen gọi mặt trăng tròn theo các sự vật, hiện tượng xảy ra trong tháng đó. Trăng tháng 4 được gọi theo màu sắc hoa Phlox subulata, một trong những loài hoa đầu tiên nở khắp miền Đông nước Mỹ khi xuân đến.
 
Siêu trăng được chụp ở Mỹ năm 2020 - Ảnh: EURO NEWS
Siêu trăng được chụp ở Mỹ năm 2020 - Ảnh: EURO NEWS
2. "Siêu trăng hoa máu" 26-5
Cái tên lãng mạn nhưng không kém phần... kinh dị này xuất phát từ việc 2 hiện tượng siêu trăng và trăng máu cùng gặp nhau vào đêm "trăng hoa", tức trăng tròn tháng 5, vì tháng 5 là mùa hoa nở.
Theo định vị tại TP HCM trên trang Date and Time, "siêu trăng hoa máu" sẽ hiện ra trên bầu trời vào lúc 18 giờ 17 phút ngày 26-5, đạt cực đại lúc 18 giờ 18 phút và kết thúc vào 20 giờ 49 phút. vậy bạn có tổng cộng 2 giờ 42 phút để chiêm ngưỡng.
 
Một lần siêu trăng máu ở Thụy Sĩ - Ảnh: EPA
Một lần siêu trăng máu ở Thụy Sĩ - Ảnh: EPA
Trăng máu, tức nguyệt thực toàn phần, là hiện tượng mặt trăng của Trái Đất chuyển sang màu đỏ khi đi vào vùng tối của chiếc bóng Trái Đất, lúc Mặt Trời, Trái Đất và mặt trăng nằm trên cùng một đường thẳng. Ngoài Việt Nam, các quốc gia khác ở Đông Á, Nam Á, Úc, hầu hết Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ và Nam Cực có thể chiêm ngưỡng trăng máu dịp này.
3. Nhật thực hình khuyên 10-6
Nơi quan sát tốt nhất lần mặt trăng "ăn" Mặt Trời này là... Bắc Cực, vùng Siberia và Bắc Mỹ. Một số quốc gia khác ở phía Bắc, Trung Á, Bắc và Tây Phi có thể quan sát nhật thực bán phần. Nhật thực là hiện tượng mặt trăng bất ngờ chen vào giữa tầm nhìn từ Trái Đất đến Mặt Trời ngay ban ngày. Tùy vào nơi bạn ở, có thể thấy mặt trăng như ăn mẻ một phần Mặt Trời, hoặc thậm chí là che lấp hoàn toàn khiến trời tối sầm.
 
Nhật thực hình khuyên chụp từ Trạm vũ trụ ISS - Ảnh: ISS
Nhật thực hình khuyên chụp từ Trạm vũ trụ ISS - Ảnh: ISS
4. Nguyệt thực nửa tối 19-11
Tại Việt Nam, hiện tượng bắt đầu vào khoảng 17 giờ 26 phút ngày 19-11, đạt cực đại vào 17 giờ 32 phút và kết thúc lúc 19 giờ 3 phút. Nguyệt thực nửa tối tương đối khó quan sát vì mặt trăng không chuyển sang màu đỏ, mà bạn sẽ thấy như có một "bóng ma" tối mờ lướt ngang qua mặt trăng. Đó chính là bóng của Trái Đất.
5. Nhật thực... Nam Cực 4-12
Lần mặt trăng "ăn" Mặt Trời này chỉ có thể được quan sát bởi các nhà khoa học và... lũ chim cánh cụt, bởi Nam Cực là nơi duy nhất trên thế giới có thể chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Nhưng nếu thời tiết thuận lợi, một số khu vực phía Nam châu Phi có thể thấy được nhật thực bán phần.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm