Mùa tri ân đầu tiên của những nhà giáo trẻ vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ- những cô cậu sinh viên sư phạm vừa rời ghế giảng đường về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Từ những ngày đầu “chập chững” trên bục giảng nhà trường, vượt qua những khắc nghiệt của nghề giáo nơi vùng khó thì nay họ đã thực sự gắn bó cuộc sống của mình với trường lớp. Mùa tri ân đầu tiên trong nghề của những nhà giáo trẻ năm nay tràn đầy lòng nhiệt huyết và niềm tự hào.

* Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- Giáo viên Thanh Nhạc- Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu- Chư Prông- Gia Lai):

 

“Mỗi giáo viên vùng sâu, vùng xa là một chiến sĩ”
 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng với học trò Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Xã Ia Lâu- Chư Prông). Ảnh: Trần Dung
Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng với học trò Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Xã Ia Lâu- Chư Prông). Ảnh: Trần Dung

Tôi cảm nhận được mình thực sự bén duyên với nghề giáo là lần đầu tiên được đứng trước những ánh mắt thích thú của trò. Học trò nơi đây còn khá lạ lẫm với môn Thanh nhạc nên tôi rất vui vì đã đem lại điều mới mẻ và hứng thú cho các em. Tiết học đầu tiên kết thúc, tôi mới thấy vai trò của một người giáo viên to lớn như thế nào.
 

Ia Lâu là xã có tới 14 dân tộc anh em sinh sống nên rất khó trong công tác giảng dạy. Nhiều học sinh không thể nói sành sỏi tiếng phổ thông, huống hồ là hát nhạc. Nhiều lúc cô giáo cứ phải hát một mình. Lúc đầu tôi cũng rất nản, vì thực tế của nghề không giống như những gì tôi được học trên giảng đường. Mùa về, lớp học cứ thưa thớt dần bóng học sinh, rồi nhiều em bỏ học giữa chừng, phụ huynh học sinh thờ ơ…
 

Vì điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây rất khó khăn nên điều kiện sống, làm việc của các thầy cô giáo vẫn còn rất vất vả và thiếu thốn. Các thầy cô giáo phải vượt qua bao nhiêu trở ngại để bám dân, bám bản, kiên trì vận động để đưa học sinh đến trường. Tôi thấy các thầy cô không chỉ dạy học mà thực sự còn là những chiến sĩ làm công tác tuyên truyền vận động, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như chia sẻ những khó khăn với học sinh của mình…
 

Có sống và gắn bó với ngôi trường vùng sâu này thì mới hiểu hết những khó khăn mà các em học sinh phải gánh chịu. Bước lên bục giảng với tình yêu thương và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của nghề :“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

* Thầy Ksor Yo Sue - Giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã IaDok, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai):

 

“Thương lắm những học sinh của bản làng”
 

Thầy Ksor Yo Sue - Giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã IaDok, huyện Đức Cơ): “Tôi thấy mình đủ yêu thương để gắn bó lâu dài với nơi đây”. Ảnh: Trần Dung
Thầy Ksor Yo Sue - Giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ): “Tôi thấy mình đủ yêu thương để gắn bó lâu dài với nơi đây”. Ảnh: Trần Dung

Tôi cũng là người con của bản làng, cũng đã trải qua rất nhiều những khó khăn để đến được với nghề. Ngay từ nhỏ, ước mơ nghề giáo của tôi cũng cứ xoay vần, chênh chao trước cái đói, cái nghèo và lạc hậu. Từ huyện Ia Grai, tôi vào nhận công tác và gắn bó với Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cũng đã được 10 tháng. Thời gian công tác có lẽ chưa đủ nhiều để tôi có thể hoàn thiện nghiệp vụ của mình nhưng bù lại, tôi thấy mình đủ yêu thương để gắn bó lâu dài với nơi đây.  
 

Ngày Hiến chương Nhà Giáo đầu tiên trong nghiệp “gõ đầu trẻ” lòng tôi rạo rực lắm nhưng cũng thương học trò bản làng nhiều lắm. Trong khi những đứa trẻ ở thành thị đang rộn ràng với ngày Nhà giáo thì nhiều trẻ em ở nơi đây đang phải gồng gánh mưu sinh trên nương rẫy. Dường như chiếc gùi càng trở nên to lớn hơn, đè nặng lên thân hình gầy guộc, đen nhẻm của lũ trẻ làng. Chứng kiến cảnh đó, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn. Tự hứa với lòng phải gắn bó hơn nữa, yêu thương hơn nữa để con đường tới với con chữ của lũ trẻ bớt “ghập ghềnh” hơn”.

* Cô Võ Thị Lệ Hằng- Giáo viên Anh văn- Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai):

 

“Yêu nghề từ những ánh mắt trong sáng, thơ ngây của trò”
 

Cô Võ Thị Lệ Hằng- Giáo viên Anh văn- Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (huyện ChưPưh) hồn nhiên cùng học trò. Ảnh: Trần Dung
Cô Võ Thị Lệ Hằng- Giáo viên Anh văn- Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (huyện Chư Pưh) hồn nhiên cùng học trò. Ảnh: Trần Dung

Ngay từ nhỏ, thời mà chúng tôi còn dùng những tàu lá chuối để chơi trò “dạy học” tôi đã biết là mình yêu nghề “gõ đầu trẻ”. Và cũng bắt đầu từ đó, tôi ấp ủ ước mơ trở thành một giáo viên.
 

Giờ đây, tôi được về công tác tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Cách nhà hơn 60 km, khoảng thời gian đầu nhận công tác, là một giáo viên năm đầu tiên bước vào nghề, đến với một tập thể hoàn toàn xa lạ cùng với nỗi nhớ gia đình da diết làm tôi cảm thấy thực sự lo lắng. Hơn một năm gắn bó với ngôi trường, những cảm giác tiêu cực trong tôi dần dần biến mất khi mỗi giờ lên lớp được nhìn thấy những ánh mắt trong sáng, câu nói ngây thơ hay sự lo lắng, quan tâm của học trò dành cho mình những lúc buồn hay vui. Tôi thấy mình hạnh phúc như được sống trong một đại gia đình lớn. Tôi lấy đó làm động lực để phấn đấu nhiều hơn và quyết định gắn bó với nghề giáo suốt đời.
 

Ngày 20-11 năm nay, khi đã là một cô giáo thực thụ tôi mới thật sự cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của một người làm nghề đưa đò qua sông, rồi nhìn thấy học trò của mình học giỏi, trưởng thành. Nghe các em nói về hoàn cảnh gia đình, về cuộc sống khó khăn cũng như ước mơ của mình… tôi nhận ra rằng giá trị của cuộc sống chính là sự yêu thương và gắn bó.
 

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm