Một ngày Phàn Tô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buổi sáng ở Phàn Tô rất lạ, thường chỉ khách mới nhận ra cái sự lạ ấy. Chung cũng không còn là khách của Phàn Tô nữa nhưng với anh, không gian nơi này mỗi lần anh thức giấc đều có sự xáo trộn. Đêm hôm trước, gọi điện nói chuyện với con gái, anh còn khoe một bầu trời đầy sao trong tán lá. Sáng thức dậy, mây mù u ám, lác đác vài hạt mưa lạc rụng xuống những chiếc lá quỳnh xanh sẫm. Mảng địa y đỏ trên bức tường nhà bếp đỏ sậm như máu. 
Phòng bên cạnh, có vẻ như Kiên dậy sớm hơn, đang đổ bã pha trà. Cái thói quen trà sáng từ khi chưa có gì bỏ bụng của Kiên làm Chung khó hiểu. Thế mà ruột gan không cồn cào mới lạ. Dưới sân tập, lác đác mấy anh em, mỗi người một tư thế khởi động cho bài thể dục buổi sáng. Chung thong thả đi xuống. Kiên xuống là có thời sự. Mọi người chờ Kiên xuống để nghe những bản tin mới diễn ra trong đêm. Cường sốt sắng hất hàm: “Có gì mới không?”. Kiên liếc mắt nhìn qua, thấy quân số đã đủ bèn thủng thẳng: “Đêm qua, lúc hai giờ sáng trên Quan Sán có mưa đá, dưới Hòn Trống có vụ tai nạn xe máy, thấy bảo em Ngàn của phân hiệu hai nặng lắm. Đấy, có bấy nhiêu thôi”. Chung nghe xong, mặt có phần biến sắc nhưng ít ai nhận ra.
Trở về phòng làm việc, mở cánh cửa ra là công việc ùn ùn chờ đấy. Người lố nhố đứng phía ngoài. Chung cầm điện thoại lên, định bấm gọi rồi lại thôi. Cuối cùng, Chung nhắn tin: “Ngàn bị tai nạn à? Có đau không? Cô ấy đang ở đâu? Nhắn lại giúp anh nhé!”. Cái tin nhắn ấy rồi cũng bị Chung quên đi. Công việc quá nhiều. Càng cuối năm càng nhiều. Hàng trăm câu hỏi từ phía những ánh mắt của người dân dù đã được sàng lọc để trả lời nhưng vẫn cứ nhức nhối. “Cán bộ đã tìm thấy con em chưa?”-người đàn bà ngoài bốn mươi, tay nhọ nhem quệt ngang mặt, nước mắt nước mũi sụt sùi. Cái mũi đỏ ửng vì rét. Chung lật sổ, bút lần dò cái tên Chảo Thị Mảy ở Sín Chải B, xã Hòn Trống. “Chị cứ về đi, anh em chúng tôi đang điều tra, có tin gì sẽ báo với gia đình. Nếu cháu có gọi điện về hay gia đình có thông tin gì thì cứ báo cho chúng tôi”. Người đàn bà nhổm người lên: “Có ạ. Đêm hôm kia, tôi mơ thấy con Mùi cán bộ ơi, nó bị người ta lột trần ra, đánh cho bầm dập rồi ném xuống sông. Tôi sợ nó chết lắm cán bộ ơi. Sáu tháng rồi, thằng con nó khóc quá không dỗ được, sữa còn không có tiền mua…”. Reng reng reng. “A lô, Chung phòng hình sự đây. Sao cơ? Được rồi, tôi sẽ xuống ngay…”.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: Kim Hương
Trước khi ra khỏi phòng, Chung còn kịp dặn Kiên: “Cứ triển khai kế hoạch như chúng ta đã chốt chiều qua. Tôi tin là không có chuyện nhầm lẫn. Chắc chắn là Trịnh Văn Viết đã về nhà đêm qua. Chậm nhất ba giờ chiều chúng tôi có mặt ở suối Chu”.
Chung và Cường xuống đến Hòn Trống thì trời đã gần trưa. Chiếc xe U oát lấm lem bùn đất đỗ ngay cửa trạm xá chờ người khiêng Ngàn lên là lại quay đầu ngay. Trên xe, Ngàn đau đớn nằm nghiêng với một bên chân gãy đã được y tá ở trạm băng bó tạm. Vết thương ở đầu rướm máu tươi cho thấy Ngàn bị thương rất nặng. Vùng này, ít người biết, trước đây, thời còn dạy ở phố huyện, Ngàn và Chung là người yêu của nhau. Họ yêu nhau cũng đến năm năm. Vậy mà, đùng cái chia tay rồi ai đi đường nấy. Chung đã lấy vợ và Ngàn cũng đã lấy chồng. Éo le thay, chồng Ngàn bị đi tù sau chỉ một năm vỏn vẹn chung sống. Lúc ấy, ai cũng ngã ngửa ra vì biết sự thật chồng Ngàn là một tội phạm giết người trốn nã đã thay tên cải họ và chui lủi ở vùng rừng núi này hơn chục năm rồi. Một nách nuôi con nhỏ, cộng với tai tiếng bủa vây, Ngàn già đi rất nhanh. Đôi lần gặp nhau trong vội vàng, Chung cũng định khuyên nhủ Ngàn một điều gì đó nhưng lại không thể cất lời. Cái tuổi bốn mươi, hóa ra lại ngại mở lời hơn thời trai trẻ. Từ ngày Ngàn được luân chuyển vào Hòn Trống, xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của Phàn Tô thì lòng Chung càng trĩu buồn. Thương đấy, mà chẳng thể giúp gì cho Ngàn được. Vì công việc của Chung cũng tắt tối mặt mày. Nhớ lại hồi chia tay nhau, Chung vẫn còn thầm giận mình. Giận cái tính tự ái và tự trọng nghề nghiệp quá lớn. Hôm ấy, sinh nhật Ngàn, Chung quên khuấy vì đang bận việc. Thế rồi khi Chung đến, Ngàn bảo anh về đi, lấy chồng Công an em khổ một đời, đây là cách nhau có hai cây số thôi đấy. Rồi trong cơn giận dỗi, Ngàn là người nói lời chia tay…
Sáng nay, giá như anh quan tâm thêm chút nữa thì Ngàn đã không phải chịu đau đớn lâu như thế này. Cũng tại công việc ở cơ quan nhiều quá. Một cô giáo trạc ba mươi tuổi ngồi ở ghế sau thi thoảng lại nhổm người lên nhìn đồng nghiệp đang thiếp đi vì đau. Cô cất tiếng hỏi vu vơ: “Không biết từ đây về bệnh viện còn bao lâu anh nhỉ?”. Cường đưa mắt nhìn Chung như nhường câu trả lời cho anh. Chung nhìn cô gái trẻ, trấn an: “Còn khoảng nửa giờ nữa thôi. Mà hôm nào khai giảng hả em?”. Cô gái trẻ nhăn mặt: “Chị Ngàn còn nằm đây thì chưa biết hôm nào mới khai giảng ạ. Phân hiệu có ba người thôi mà. Bọn em đều dạy ghép. Kỳ này, không chừng phân hiệu bị giải tán đấy anh ạ! Lo lắm…”.
Đưa Ngàn vào bệnh viện huyện, kịp nói với Trưởng khoa Ngoại chấn thương một vài câu là Chung lại giục Cường lên xe cho kịp đến suối Chu. Cường nhìn đồng hồ rồi bảo: “Phải ăn gì đã, tôi đói lắm”. “Ừ”. Thế là qua bữa trưa, giờ cũng đã hai giờ chiều. Ăn tạm mỗi người một gói mì ở quán bên đường, rồi lại vội vàng lên xe. Chung nhìn Cường rất căng thẳng: “Cậu đã liên lạc về phòng chưa?”. Cường gật đầu: “Nhưng đường vào nhà tay Viết khó đi hơn năm ngoái rất nhiều vì đang mùa mưa. Rừng hai bên suối lại rậm rạp, chúng ta cứ để xe ngoài suối rồi tính tiếp”. Chung cố kìm một tiếng thở dài. Viết là người Phàn Tô, bị khởi tố về hành vi tổ chức buôn bán phụ nữ qua biên giới. Nhưng suốt một năm nay, Viết không ló mặt ở Phàn Tô mà chuyển sang vùng khác hoạt động, vẫn dưới cái mã đẹp trai, bóng bẩy, giàu có và nói những lời có cánh. Vẫn là màn kịch đến chợ phiên làm quen, tỏ tình, yêu đương, đưa người yêu du lịch đây đó một hai chuyến làm tin rồi mới tiến hành dẫn sang bên kia để bán. Với thủ đoạn này, trong vòng năm năm, Viết đã bán khoảng hai mươi cô gái nhẹ dạ, trong đó không ít người đã có chồng con.
Xe lùi vào một khoảng đất trồng vừng đã thu hoạch ngay bên bờ suối Chu. Nhìn những mảnh rêu đỏ trên gốc những cây thùng lục chết đứng bị bóc ra ném dưới gốc, Chung hiểu đồng đội của anh đang đợi ở phía trước. Từ đây vào trang trại dứa nhà Viết khoảng một cây số nữa. Viết có thể có đồng bọn và có vũ khí. Nếu không, hắn đã không liều lĩnh trở về. Chung vừa xuống xe thì có cuộc điện thoại của vợ. Thoáng chần chừ. Chung nhấn nút đỏ. Chỉ 1 phút sau, điện thoại Chung có tin nhắn: “Anh coi công việc hơn cả mẹ con em. Anh có biết hôm nay ngày gì không?”. Chung tắt nguồn, bỏ điện thoại vào túi quần, nhìn Cường thảng thốt. Chết thật, sinh nhật bà xã. Thôi, để xong việc đã.
- Cậu đã sẵn sàng chưa?
Cường mỉm cười, gật đầu. Hai người vội vàng men theo bờ suối trên con đường đất đỏ trơn trượt, lầy lội. 
Tống Ngọc Hân

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.